Sự gia tăng nhiệt độ bề mặt nước biển và suy giảm năng suất sinh học sơ cấp được xem là trong số những mối đe dọa
đến nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên toàn cầu (Nguồn: The Fish Site)
Các tác giả của một nghiên cứu mới đã đánh giá mức độ có thể của các tác động này, họ đã mô hình hóa cách CC-OA sẽ ảnh hưởng đến tình hình nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên biển theo từng quốc gia, vào cuối thế kỷ này.
Các nhà khoa học đến từ Hiệp hội Khoa học biển Scotland (SAMS) giải thích: “Sự tổn thương, được đánh giá theo cấp độ quốc gia, phụ thuộc vào mối quan hệ phơi nhiễm CC-OA, độ nhạy riêng biệt và khả năng thích ứng trong khu vực. Rủi ro phơi nhiễm tăng theo thời gian kể từ năm 2020 đến năm 2100, với 10 quốc gia được dự đoán trải qua phơi nhiễm từ CC-OA ở mức độ rất cao, tối thiểu là 10 năm trong giai đoạn 2020 - 2100”.
Những ý tưởng của các nhà nghiên cứu được lấy từ mô hình “Kinh doanh thông thường” theo Kịch bản nồng độ khí nhà kính cao (Representative Concentration Pathways 8.5 - RCP 8.5) của Ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change - IPCC), với giả định mức phát thải khí nhà kính cao nhất và do đó, mức độ CC-OA cao nhất. Chúng được kết hợp với số liệu thống kê về sản xuất nhuyễn thể quốc gia và dữ liệu kinh tế xã hội để khẳng định những tác động có liên quan đến từng quốc gia khác nhau.
Các tác giả lưu ý rằng, ở các quốc gia đang phát triển, độ nhạy với CC-OA chủ yếu phát sinh từ việc nuôi các loài thủy sản phải chịu đựng môi trường sống hẹp, trong khi độ nhạy cao ở các nước Châu Âu (Pháp, Pháp, Ireland, Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha) được cho là liên quan đến giá trị kinh tế tương đối cao trong ngành sản xuất nhuyễn thể có vỏ.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ rõ rằng khả năng thích nghi được dự đoán là thấp ở các nước đang phát triển chủ yếu do các vấn đề về quản trị, trong khi ở các nước phát triển (Đan Mạch, Đức, Iceland, Hà Lan, Thụy Điển và Vương quốc Anh) liên quan đến hạn chế về tính đa dạng loài được nuôi. Các quốc gia đang phát triển và kém phát triển được dự đoán là có mức độ tổn thương tổng thể cao nhất.
Xét trên quy mô toàn cầu, các nhà nghiên cứu dự đoán năm 2060 sẽ là “điểm bùng phát” về các mặt ảnh hưởng của CC-OA đến sản xuất nhuyễn thể có vỏ. Tuy nhiên, họ lưu ý thêm rằng sự sụt giảm nhanh chóng sản lượng nhuyễn thể được dự đoán sẽ xảy ra trong 10 năm đến ở một số quốc gia, đáng kể là ở Hàn Quốc - chủ yếu do nhiệt độ bề mặt nước biển tăng và năng suất sinh học sơ cấp giảm.
Mặt khác, tại Chile và Peru, mô hình dự đoán rằng sự thay đổi nhiệt độ mặt nước biển và độ sâu bão hòa aragonit (là một dạng khoáng vật nhóm cacbonat - ND) theo thời gian sẽ gây ra thay đổi lớn nhất vào năm 2080.
Trong một lưu ý tích cực hơn, các nhà khoa học hy vọng rằng nghiên cứu của họ sẽ cho phép ngành sản xuất nhuyễn thể hai mảnh vỏ sớm điều chỉnh để thích nghi và cho rằng việc xây dựng năng lực thích ứng ở những quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất có thể được thực hiện bằng cách “Cải thiện quản trị và/hoặc tăng sự đa dạng loài trong nuôi trồng thủy sản”.
Anh Vũ (Theo The Fish Site)