Tàu cá đi hoạt động khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam phải trang bị tối thiểu các thiết bị an toàn cho người và tàu, đảm bảo thông tin liên lạc.
Tàu cá khai thác ngoài vùng biển Việt Nam phải có thiết bị an toàn tối thiểu cho người và tàu cá
Đây là một nội dung trong Thông tư 63/2009/TT-BNNPTNT do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành, quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 123/2006/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động khai thác thủy sản của các tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển.
Chi tiết về các trang thiết bị được quy định tại phụ lục I (Trang thiết bị an toàn tối thiểu trên tàu cá – điều khoản áp dụng cho tàu có phạm vi hoạt động trên 50 hải lý) ban hành kèm Thông tư 02/2007/TT-BTS. Theo đó, tàu có phạm vi hoạt động trên 50 hải lý phải có lượng phao bè đảm bảo chở được toàn bộ số thuyền viên trên tàu; 4 phao tròn, lượng phao áo đủ cho 100% số thuyền viên, 1 máy thu - phát VTĐ thoại từ 100w trở lên, 1 ra đa, 1 máy thu định vị vệ tinh GPS, 1 bộ hải đồ vùng biển Việt Nam…
Thông tư cũng quy định trình tự, thủ tục cấp các giấy tờ cho tàu cá khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam. Theo đó, chủ tàu cá nộp hồ sơ đến Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Chi cục xác nhận tính hợp lệ và gửi hồ sơ về Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong 2 ngày làm việc. Các giấy tờ cho phép khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam sẽ được Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản xem xét, cấp và chuyển về cho Chi cục trong vòng 5 ngày làm việc. Chậm nhất là 1 ngày sau, Chi cục phải thông báo cho chủ tàu đến nhận.
Sau khi kết thúc hợp đồng với đối tác nước ngoài, chủ tàu muốn đưa tàu về hoạt động trong vùng biển Việt Nam phải nộp hồ sơ về Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Ngoài ra, thông tư cũng quy định rõ về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức, ghi, nộp, xử lý số liệu, mẫu của nhật ký khai thác và báo cáo khai thác.
Theo đó, chủ tàu hoặc thuyền trưởng hoặc người lái tàu phải nộp các loại văn bản nói trên mỗi quý một lần vào tuần đầu tiên của quý sau. Viện Nghiên cứu Hải sản có trách nhiệm chủ trì xử lý, tổng hợp số liệu, trên cơ sở đó nghiên cứu, xây dựng dự báo ngư trường và nguồn lợi.
(Nguồn: Thông tư 63/2009/TT-BNNPTNT, Báo Khánh Hoà)