Với tiềm năng to lớn, ĐBSCL có diện tích nuôi thủy sản chiếm 71,4%, sản lượng thủy sản chiếm 69,86% và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này chiếm đến 61,4% so với cả nước. Nổi bật nhất là con cá tra đang phát triển nhanh trong những năm gần đây. Trong xu thế phát triển đó, vấn đề giữ chữ tín trên thương trường về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm chế biến từ cá tra đang trở thành một yêu cầu lớn nhằm đảm bảo cho hướng phát triển con cá tra bền vững.

Triển vọng và thách thức

Tính từ năm 2006, sản lượng cá tra nuôi ở ĐBSCL đạt 800.000 tấn, xuất khẩu được 292.800 tấn, thu về kim ngạch xuất khẩu 773,64 triệu USD, chiếm 23,4% so với xuất khẩu thủy sản của cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2007, diện tích nuôi cá tra toàn vùng ĐBSCL đã lên đến 3.642 ha, tăng 1.256 ha so với năm trước. Từ đó, sản lượng cá tra đạt 380.489 tấn, khối lượng cá tra xuất khẩu được 173.100 tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu 462,4 triệu USD, tăng 32% về lượng và 38,9% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2006. Cá tra, ba sa của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 76 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 6 thị trường so cùng kỳ. Đã có 209 doanh nghiệp của Việt Nam có hoạt động xuất khẩu cá tra, ba sa. Riêng ĐBSCL năm 2006 có 136 nhà máy chế biến thủy sản, thì trong đó có 70 nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu, công suất 1,5 triệu tấn/năm. Chỉ tại TP Cần Thơ cũng đã có 15 nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu, công suất chế biến khoảng 400.000 tấn cá tra nguyên liệu.

Thu hoạch cá tra thương phẩm ở huyện Thốt Nốt.

Dự báo xuất khẩu cá tra, ba sa năm 2007 có thể đạt 385.000 tấn, thu được kim ngạch trên 1 tỉ USD. Riêng TP Cần Thơ, qua 6 tháng đầu năm 2007, diện tích nuôi cá tra đạt 1.067 ha (tăng 298 ha), sản lượng cá tra nuôi 83.000 tấn (tăng 33,9% so cùng kỳ), kim ngạch thủy sản xuất khẩu 62,5 triệu USD. Tuy nhiên, giá xuất khẩu mặt hàng cá tra đông lạnh 6 tháng đầu năm không ổn định. Tháng 1 giá trung bình 2,52USD/kg, rồi tăng liên tục đến tháng 4 đạt 2,96 USD/kg, sau đó lại giảm nhẹ trong 2 tháng gần đây, tháng 5 đạt mức 2,84 USD/kg, tháng 6 mức 2,833 USD/kg. Dự báo giá xuất khẩu cá tra trung bình của Việt Nam 6 tháng cuối năm đạt 2,8 USD/kg.

Thị trường cá tra, ba sa ngày càng phát triển, bởi Mỹ cho là cung cấp nhiều protein và những khách hàng ưa chuộng thưởng thức 4 lần/tuần. Tại Anh, cá da trơn có thể thay thế cho cá tuyết làm nguyên liệu chế biến thức ăn. Ở khối EU, cá da trơn phi lê giàu selenium là chất chống lại sự oxy hóa cho cơ thể và có thể chống lại bệnh ung thư. Ngoài tỏi, thì cá da trơn phi lê cũng là một trong những nguồn cung cấp quan trọng, vì người dân châu Âu thường thiếu selenium. Do vậy, lượng cá da trơn nhập vào Mỹ tăng nhanh, tháng 5-2006 là 6.725 tấn thì tháng 5-2007 tăng lên 16.001 tấn. Nhưng đến thị trường Nga, cá tra đông lạnh từ đầu năm đến tháng 4 mỗi tháng xuất được 3.000 - 7.000 tấn, song đến tháng 5 chỉ còn 25 tấn, vì lý do an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo thông tin mới nhất, qua kiểm tra nuôi và chế biến cá tra, phía Nga tỏ ra hài lòng thấy phía Việt Nam khắc phục tốt các khuyến cáo đưa ra từ tháng 3-2007, mở đường cho sản phẩm cá tra trở lại Nga vào thời gian tới.

Chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường là quyết định bước đi tiếp của cá tra, ba sa. Trong khi đó, cùng làm ra sản phẩm cá tra xuất khẩu nhưng giữa các khâu trong nuôi cá, giữa nuôi và chế biến xuất khẩu có một khoảng cách làm cho con cá tra thiếu đi sức mạnh cạnh tranh, thiếu sự ổn định và phát triển bền vững. Vậy làm thế nào để cá tra VN cạnh tranh tương ứng với cá tra của các nước cùng xuất khẩu?

Giải pháp phát triển bền vững

Chủ trương của TP Cần Thơ là không hạn chế phát triển nuôi cá tra, song khi nuôi phải gắn chặt với bảo vệ môi trường, với quy hoạch, tổ chức thực hiên để phát triển bền vững. Trong tình hình hiện nay, Việt Nam đã vào WTO thì không thể sản xuất nhỏ lẻ thiếu sự liên kết, vì khó tồn tại trước thương trường lâu dài. Sự gắn kết nhau tổ chức sản xuất phù hợp sẽ là sức mạnh cạnh tranh. Do vậy, cần sớm triển khai quy hoạch chi tiết đối với phát triển nuôi cá tra gắn chặt với môi trường. Đối với diện tích nuôi cũ cần điều tra để có điều chỉnh dần cho phù hợp với quy định. Còn diện nuôi mới phải thực hiện tuần tự đúng theo quy định, ai vi phạm buộc phục hồi hiện trạng. Nơi không đủ điều kiện chuyển đổi nuôi đối tượng thủy sản khác.

Cần đặc biệt quan tâm đến nguồn giống cá tra, nhất là nguồn cá cha mẹ để đủ chuẩn sản xuất giống ổn định, chất lượng cao. Nên chăng khuyến khích nhà đầu tư hoặc Nhà nước tham gia để giữ ngân hàng giống cá tra? Quy trình nuôi vỗ, cho đẻ, ương nuôi cá bột, cá giống phải thực hiện đúng quy định. Giống tốt sẽ giám dịch bệnh, hao hụt, nuôi cá thương phẩm mới đạt chất lượng cao.

Triển khai quy trình nuôi cá sạch rộng rãi từ điểm điển hình lan dần ra diện rộng. Từng công đoạn giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh, quy trình nuôi, quản lý nuôi... cần có sự gắn kết từng công đoạn. Giữa các hộ nuôi phải gắn kết nhau để có sức mạnh đối với thương trường. Chỉ khi nào người nuôi cá tra có sự gắn kết nhau thành tổ chức thích hợp (hội, CLB...) thì sức mạnh từ các nhà tạo ra nguyên liệu cá tra sẽ tăng lên.

Hiện nay, danh sách các nhà máy tự chăm lo nguồn nguyên liệu cá tra cho chế biến tăng lên, đó là điều đáng mừng. Nhưng số cá tra cung cho chế biến xuất khẩu cũng mới chỉ 20-50% nhu cầu nguyên liệu của nhà máy. Nhà máy cần mua cá tra nguyên liệu qua các tổ chức đầu mối, không thể đến từng hộ nhỏ lẻ. Nông dân có sự gắn kết với nhà máy để nguyên liệu cá tra được tiêu thụ giá ổn định, sản xuất lâu dài. Điều đáng tiếc là hai phía đều cần, song sự gắn kết này chưa nhiều. Hai phía cần ngồi lại với nhau để cùng bàn cách phát triển cá tra ổn định. Các nhà máy kết hợp tổ chức hội quản lý Nhà nước để cùng bàn bạc với hộ nuôi cá tra có hợp đồng thực sự, ai không thực hiện tốt có chế tài xử lý rõ ràng. Giữa các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu cần có sự gắn kết nhau, để đối mặt với thương trường bên ngoài, chăm lo nguồn nguyên liệu chất lượng cao ổn định.

Vốn cho phát triển nuôi cá tra cũng là nhu cầu lớn. Về nuôi, chỉ khâu thức ăn chiếm 70-80% chi phí. Vì thế, ngân hàng có thể cho vay nuôi cá bằng thức ăn mua ở nhà máy, nhà máy đảm bảo trả vay qua thu mua nguyên liệu của người nuôi, giữa người nuôi và nhà máy cần có hợp đồng cụ thể thông qua tổ chức hợp tác.

Quản lý Nhà nước cần sớm quy hoạch, quy định cụ thể phát triển nuôi cá tra và kiểm tra xử lý kịp thời các sai phạm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhà nước làm đầu mối tổ chức gắn kết giữa các khâu trong phát triển cá tra ở giai đoạn đầu, giúp cho phát triển cá tra vào thế ổn định. Cần có sự quan tâm và tạo điều kiện cho hội nghề nghiệp phát triển. Cần có quy định thông tin từ cơ sản xuất, chế biến thủy sản, từ các địa phương, hội, quản lý nhà nước, khoa học công nghệ... để kịp thời phối hợp trong phát triển thủy sản.

DƯƠNG TẤN LỘC (Theo vietlinh)