Tiến sỹ Chu Hồi- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN-MT)

Đó là ý kiến của Tiến sỹ Chu Hồi- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN-MT) khi trao đổi với NNVN về chiến lược khai thác kinh tế biển của Việt Nam hiện nay. 

 

Hoạt động khai thác hải sản của nước ta hiện nay bất cập và yếu kém nhất ở đâu?  

Đội ngũ ngư dân khai thác hải sản trên biển của nước ta hiện nay vẫn dựa vào quy mô hộ gia đình, theo kiểu dòng tộc, cha truyền con nối là chính. Việc khai thác cũng đang diễn ra với một số lượng tàu thuyền quá nhiều, trong lúc công nghệ thì vẫn theo kiểu truyền thống.  

Gần đây, chúng ta cũng đã nhận thức ra vấn đề suy kiệt nguồn lợi, và thực tế nguồn lợi hải sản đang suy kiệt rất nhanh. Một số khu vực có biểu hiện đánh bắt quá mức, khả năng phục hồi nguồn lợi rất chậm. Vì thế, việc tổ chức lại SX trên biển để nâng cao hiệu quả đánh bắt và đánh bắt làm sao cho bền vững là một yêu cầu bức thiết.  

Việt Nam đã tham gia vào các cam kết về nghề cá quốc tế, các cam kết thiên niên kỷ về khai thác nghề cá bền vững... Vì thế, chính sách về nghề cá không chỉ phục vụ cho chính ta mà còn nhằm thực hiện những cam kết đó. Để làm sao, theo khái niệm của FAO (Tổ chức Nông lương thế giới) thì việc khai thác nghề cá phải có trách nhiệm thực sự, chứ không phải là một nghề cá vô trách nhiệm. 

Dưới nhu cầu và sức ép của các cam kết đó, chúng ta cũng đã bước đầu có các giải pháp cụ thể như tổ chức tập huấn cho ngư dân, thông tin tuyên truyền, cung cấp lịch sử đánh bắt của từng vùng biển... Tuy nhiên, việc triển khai các kế hoạch này tới ngư dân, với tổ chức nghề cá quy mô hộ gia đình, làm ăn theo kiểu “dòng tộc” như hiện nay là rất khó.

Tóm lại thì nghề cá của ta đang lạc hậu về công nghệ, và nhỏ lẻ về quy mô. Còn nguồn lợi thì đang ngày càng cạn kiệt. Nói cách khác, yêu cầu bức thiết là phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề cá càng sớm càng tốt. Trong bối cảnh biển Đông hiện nay, yêu cầu tổ chức lại nghề cá và đội hình ra khơi của bà con là nhu cầu rất thực tế và bức xúc. 

Ông đề cập nhiều đến việc cần thiết phải tổ chức lại hệ thống SX. Vậy cần phải tổ chức lại thế nào?  

Gần đây, nhiều địa phương như Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định cũng đã có chỉ đạo trực tiếp như thành lập các tổ đội ra khơi, đi theo nhóm anh em... để hỗ trợ nhau. Đây là tiền đề để thay đổi mô hình ra biển. Tuy nhiên, muốn làm ăn lớn và ra biển thành công thì phải có đội ngũ tiên phong là các doanh nghiệp đủ tầm cỡ, đủ sức mạnh và dám làm, dám đầu tư vào hoạt động khai thác. Thậm chí, chúng ta phải khuyến khích đầu tư nước ngoài bằng hình thức liên doanh, liên kết vào kinh tế biển, để làm sao thành lập được các đơn vị SX lớn.  

Cơ chế hoạt động của các DN khai thác này phải theo hướng của các tập đoàn SX, có hạch toán kinh doanh hẳn hoi. Có tổ chức được như thế thì ta mới có điều kiện để hiện đại hóa nghề cá và tái đầu tư cho sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc phòng trên biển được. Xin nói thêm rằng hiện nay, trong các hoạt động đầu tư nước ngoài vào kinh tế biển thì đầu tư vào hoạt động thủy sản trên biển là yếu nhất. Dầu khí, du lịch, hàng hải đều có đầu tư quốc tế rất mạnh, còn khai thác hải sản thì gần như chưa có gì. 

 Ông nói đội hình ra khơi của ngư dân cần phải sớm thay đổi, vì sao vậy? 

Bản chất của việc ngư dân ra biển là phải kết hợp được 2 lực lượng: Dân và Quân, tức là ngư dân hoạt động SX khai thác, và quân làm nhiệm vụ bảo vệ. Ngược lại, cũng có thể tổ chức hoạt động khai thác theo mô hình Quân – Dân. Tức là lực lượng vũ trang, lực lượng bảo vệ cũng đồng thời làm kinh tế. Tôi nghĩ Hải quân hoàn toàn có thể thành lập các hải đoàn đánh cá, vừa làm kinh tế, vừa hỗ trợ kỹ thuật, khuyến ngư, cứu nạn, bảo vệ cho ngư dân.  

Trong một đội hình ra khơi, phải tổ chức được cơ cấu đội tàu theo chức năng. Tàu khai thác, tàu bảo vệ như thế nào, tàu giám sát, tàu chế biến, tàu tiếp liệu ra làm sao... Các nước trong khu vực họ đều làm như thế cả, ngay như Trung Quốc cũng thế, chúng ta cũng phải như thế chứ!  

CẦN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ HÀNG ĐẦU 

Ông khẳng định, hải sản là lĩnh vực cần phải đầu tư hàng đầu trong chiến lược kinh tế biển của Việt Nam. Vì sao vậy?

Cái này xuất phát từ đặc thù của hoạt động khai thác hải sản và ngư dân. Bởi trong số các lực lượng làm việc trên biển thì quan trọng nhất là ngư dân. Biển chỉ là con đường đi qua của thủy thủ, công nhân dầu khí chỉ hoạt động ở một số nơi cố định, du khách và du lịch thì chỉ là người vãng lai...  

Còn đặc trưng nghề nghiệp của ngư dân thì họ không ra biển thì không phải là nghề, không bám biển thì không có cá, không có sinh kế. Đặc trưng sinh kế này buộc ngư dân phải gắn bó rất chặt chẽ với biển. Khác với nông nghiệp, nông thôn là nơi cư trú của nông dân, và họ đi làm ngay ở đầu làng. Còn ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường lại khác. Ngư dân sống trong bờ, nhưng ngư trường thì lại ở rất xa nơi cư trú. 

Từ đặc thù này, ngư dân muốn sinh kế được thì phải bám biển, muốn bám biển được thì phải ra được biển. Muốn ra được biển trong bối cảnh phức tạp hiện nay họ cần được đầu tư hỗ trợ, trước hết phải an toàn khi ra biển.  

Hiện nay, mỗi ngày có hơn 10 nghìn tàu thuyền nước ta hoạt động trên biển, phần lớn là ở biển xa. Không một lực lượng nào lại có thể hiện diện trên biển hàng ngày đông đảo như ngư dân. Trong trường hợp có chiến tranh xẩy ra, đây cũng là lực lượng không thể thay thế được trong cuộc chiến tranh nhân dân trên biển.  

Hậu cần nghề cá của chúng ta hiện nay yếu nhất ở đâu thưa ông? 

Yếu nhất là khâu bảo quản sau thu hoạch. Thủy sản là nguyên liệu dễ ôi thiu, nhưng công nghệ sau thu hoạch trên biển của ta còn rất thiếu và yếu. Các nước lớn ra khơi đều đã có tàu chế biến, thậm chí xuất khẩu ngay tại ngư trường ngoài khơi. Còn ta thì ướp đá đến nay vẫn là biện pháp truyền thống duy nhất.  

Một con tàu ra khơi đã phải chở theo bao nhiêu tấn đá, lúc về bờ có cá tàu lại càng nặng hơn. Thành thử con tàu lúc nào cũng oằn mình giống như con lừa. Điều này cũng làm tiêu tốn nhiên liệu, đẩy chi phí SX tăng lên khiến hiệu quả và lãi ròng cuối cùng của ngư dân chẳng còn là bao nhiêu.

Về cảng cá, cả nước hiện có tới hơn 6.000 cảng, nhưng chưa cảng nào là ra hồn. Sắp tới, chúng ta không cần đầu tư xây cảng nhiều và dàn trải như hiện nay, mà chỉ cần xác định làm sao cảng cá trở thành trung tâm cung cấp hậu cần nghề cá và tiêu thụ sản phẩm, từ nguyên nhiên liệu đến thu mua nguyên liệu kèm sơ chế, chế biến ở các đảo ngoài khơi... Chứ chúng ta không thể cứ xây cảng theo kiểu chỉ xây một bức tường xi măng cho mấy chiếc tàu cá lèo tèo ra vào. Mà cảng kiểu này thì dọc bờ biển hiện nay chỗ nào cũng mọc như nấm.  

Từ đó mà sinh ra các món nợ môi trường từ các chất thải nghề cá mà lâu nay ta chưa tính được. Năm 2000, Mỹ tính rằng 75% những tàu thuyền lắp máy loại nhỏ dưới 45 mã lực của thế giới là nguồn gốc chính gây ra các ô nhiễm về dầu trên biển.

Nếu chúng ta muốn quy hoạch lại nghề cá thì vấn đề quy hoạch lại cảng cá cũng phải là việc quan trọng hàng đầu. Bởi “anh” có một đội tàu lớn mà không có cảng thì cũng hỏng. Cảng cá của ta hiện nay, nói đúng hơn thì nó giống như một cái bến, gồm dăm bảy hộ dân ở một cái xóm nhỏ thôi cũng nghĩ ra một bến đỗ, khiến cảng tràng giang đại hải. Trong lúc đầu tư nhà nước còn thấp và kinh tế còn khó khăn, thì việc có quá nhiều cảng cũng làm cho đầu tư phân tán và kém hiệu quả. Chỗ này ta phải tính lại.

 

 

TS Chu Hồi: “Nhân tai” có khi nó còn dai dẳng và nguy hiểm lắm

“Chúng ta là một quốc gia biển, biển được ví như lợi thế mặt tiền, là vỉa hè của một ngôi nhà. Vì thế nhất quyết chúng ta phải tận dụng. Nhà nước phải có chính sách mang tính chiến lược quốc gia thế nào đó dành cho ngư dân trong từng thời kỳ: từ chính sách hậu phương, chính sách tiền chiến, thậm chí phải nghĩ xa đến chính sách cho thời chiến nữa. Ta phải chuẩn bị cho ngư dân, để khi có bất trắc xẩy ra thì họ mới chủ động và sẵn sàng đương đầu được. Chúng ta là một quốc gia mặt hướng ra biển, mà biển bây giờ thì không thể nói ngày mai là hết thiên tai, hay ngày kia là hết “nhân tai” được. Mà cái “nhân tai” này thì có khi nó còn dai dẳng và nguy hiểm lắm!”.

Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam