Sự tồn tại của khoáng chất đặc biệt trong các rạn san hô cổ đại cho thấy cách đây 650 triệu năm, các đại dương trên Trái đất có rất ít oxy, theo các nhà nghiên cứu Úc ngày 17-8.

"Điều này thật sự thú vị, bởi đây là khoảng thời gian động vật đa bào bắt đầu phát triển", nghiên cứu sinh Ashleigh Hood thuộc Đại học Melbourne (Úc) cho biết, Hãng ABC trích dẫn.

Theo các nhà nghiên cứu, đại dương từng có rất ít oxy
Theo các nhà nghiên cứu, đại dương từng có rất ít oxy

Hood cho biết nhóm nghiên cứu của họ đã tiến hành nghiên cứu các khối đá lấy từ vành đai Adelaide ở South Australia. Đây là một cụm đá có niên đại 500-800 triệu năm, hình thành khi các đĩa kiến tạo của Trái đất đẩy nhau.

Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy dolomite - một hợp chất giống ximăng, và một lượng lớn sắt trong các khối đá này .

“Bản thân khoáng chất dolomite cũng có nhiều sắt. Điều này cho thấy sắt từng có mặt trong các đại dương của Trái đất - Hood nói - Và thời điểm duy nhất bạn có được sắt hòa tan trong đại dương là khi nó không có oxy, bởi nếu không nó sẽ hình thành trầm tích”.

Theo Hood, dường như dòng chảy của đại dương bị ngưng lại hoặc bị chậm lại trong thời kỳ lạnh giá cách đây 650 triệu năm, và điều này dẫn tới lượng oxy thấp hoặc không có oxy.

 
Theo Tuổi Trẻ