Đại dương trên thế giới ngày càng suy thoái và các sinh vật biển đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng chưa từng thấy trong lịch sử loài người, các nhà khoa học nghiên cứu về biển cảnh báo. Các chuyên gia hàng đầu quốc tế nghiên cứu về biển hôm qua đã trình lên Liên Hiệp Quốc một báo cáo cảnh báo về sự ô nhiễm của đại dương và nguy cơ tuyệt chủng của các loài sinh vật biển.
AP dẫn lời ông Carl Gustaf Lundin, người đứng đầu Chương trình bảo vệ biển toàn cầu của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN): "Đại dương đang hủy hoại nhanh hơn so với những gì chúng ta cảnh báo và dự đoán trước đó". Theo ông Lundin, đại dương đang chịu nhiều tác động từ các yếu tố như ô nhiễm môi trường từ chất thải trong công nghiệp và nông nghiệp, nạn đánh bắt bừa bãi quá mức của con người là nguyên nhân làm gia tăng ô nhiễm biển. Báo cáo cũng của các nhà khoa học cũng cho biết, các loài sinh vật biển đang đối mặt với nguy cơ biến mất hoàn toàn, đặc biệt là rặng san hô đang đứng trên bờ tuyệt chủng hàng loạt. "Bây giờ chúng ta đang phải đối mặt với sự biến mất hoàn toàn của của các loài sinh vật biển và toàn bộ hệ sinh thái biển như các rặng san hô trong vòng chỉ một thế hệ", theo báo cáo. “Kết quả thật sự gây choáng váng. Chúng tôi đang xem xét tác động tổng hợp do con người gây ra cho đại dương, hậu quả của nó đã tệ hại hơn là những gì mỗi người chúng ta nhận ra”, Alex Rogers, giám đốc chương trình nghiên cứu đại dương quốc tế (IPSO) ở Đại học Oxford (Anh) nói trên AFP. "Sự suy thoái biển diễn ra nhanh hơn so với những gì mà chúng tôi nhìn thấy", ông Alex Rogers nói thêm. Nguyên nhân chính khiến dẫn đến tình trạng trên, theo báo cáo của các nhà khoa học, đó là do tác động tổng hợp của nhiều yếu tố như đánh bắt quá mức của con người, sinh vật mất môi trường sống, cùng với đó là sự nóng lên toàn cầu tạo ra sự thay đổi về môi trường sống cho các loài sinh vật biển. Ngoài ra, chất thải từ quá trình khai thác nhiên liệu hóa thạch, hoặc khí đốt từ trên biển hay từ cuộc sống hàng ngày của con người đều tác động xấu tới tới đại dương và sinh vật biển. Đại dương không thể phục hồi được như trước, nhưng ông Lundin vẫn hy vọng có thể cải thiện tình trạng này nếu con người có những thay đổi kịp thời và có ý thức bảo vệ môi trường sinh thái hơn. Trước đây, những tác động tương tự từng xảy ra dẫn đến thảm họa tuyệt chủng hoang loạt với sinh vật trên trái đất, đặc biệt là thảm họa diễn ra cuối kỷ Permian (251 triệu năm trước), được cho là đã xóa sổ 70% các giống loài trên cạn và 96% các sinh vật dưới nước. |
Theo Vnexpress |