2. Rong biển kinh tế

Hải Phòng có 47 loài rong có giá trị kinh tế trong tổng số 89 loài rong biển phân bố. Hầu hết những loài này đã được xác định về mặt công dụng, một số đã được nghiên cứu chế biến, sử dụng, lập quy hoạch và phát triển nuôi trồng.

  • Thành phần nguồn lợi

Trong tổng số 47 loài có giá trị kinh tế, rong lục (Chlorophyta) có 8 loài chiếm 17,00%; rong đỏ (Rhodophyta) có 25 loài chiếm 53,20%; rong nâu (Phaeophyta) có 14 loài chiếm 29,80%.

Về công dụng, nhiều loài đa công dụng có thể sử dụng với giá trị cao ở một số lĩnh vực. Rong công nghiệp chủ yếu là để chiết suất một số keo như agar, alginate làm nguyên liệu cho chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, y dược, nuôi cấy vi sinh vật và một số sản phẩm khác. Một số ít còn lại được dùng làm than hoạt tính hoặc chiết suất một số hợp chất quý như iốt, vitamin A….Nhóm rong công nghiệp có 15 loài (rong đỏ 5 loài, rong nâu 10 loài).

Rong dược liệu, mỗi loài có dược tính khác nhau, có thể dùng làm nhiều loại thuốc chữa các bệnh khác nhau. Quan trọng nhất là trị giun, thuốc kháng khuẩn, ngoài ra còn chữa bệnh bướu cổ, huyết áp, thuốc nhuận tràng và chiết suất vài loại vitamin. Nhóm rong dược phẩm có 11 loài (rong lụûng loài, rong đỏ 5 loài và rong nâu 3 loài).

Rong thực phẩm được dùng làm thức ăn thay rau xanh, chế biến thành nhiều món ăn ngon và bổ chứa nhiều chất khaóng và vitamin, ngoài ra còn làm thức ăn gia súc có giá trị dinh dưỡng cao. Nhóm rong thực phẩm và thức ăn gia súc có 25 loài (rong lục 7 loài, rong đỏ 14 loài và rong nâu 4 loài).

Những loài có giá trị lớn nhất phải kể đến hai nhóm là rong mơ và rong câu. Rong mơ (Sargassum) có 5 loài và là nguyên liệu để chiết suất keo alginate, nhóm này có diện tích phân bố rộng. Vịnh Lan Hạ và đảo Cát Bà có trên 10 bãi rong mơ, sinh lượng cao nhất (tháng 3/1979) đạt 10,32kg/m2, thời gian sinh trưởng và phát triển từ tháng 11, 12 đến tháng 3,4 hàng năm, mỗi vụ tái sản xuất được nhiều lần. Nhóm rong thứ hai là rong câu (Gracilaria) có 3 loài là nguyên liệu chiết suất keo agar. Nhóm này phân bố rất nhiều trong ao đàm nước lợ và bãi chiều thuộc Thuỷ Nguyên, Đình Vũ, Kiến Thuỵ, Đồ Sơn, Cát Hải,…Sinh lượng tự nhiên khoảng 0,2 – 0,3 kg/m2, cao nhất tới 1kg/m2. Vùng độ muối thấp, đáy bùn có nhiều rong câu chỉ vàng (Gracilaria asiatica), vùng độ muối cao hơn và đáy có pha cát thì có nhiều rong câu thô (Gracilaria blodgettii). Hai loài này hầu như phát triển quanh năm, sinh sản dinh dưỡng nên tái sản xuất nhanh.

  • Khai thác và sử dụng:

Đã từng rất nhiều năm trước đây nhân dân vùng ven biển đã biết khai thác rong biển làm thức ăn thay rau xanh hàng ngày hoặc nấu thành thạch để giải khát. Thông dụng nhất là một số loài trong chi rong cải biển (Ulva), chi rong mơ (Sargassum), chi rong câu (Gracilaria), chi rong mứt (Porphyra) và chi rong đông (Hypnea). Tuy nhiên số lượng khai thác sử dụng không nhiều và chưa thực sự trở thành hàng hoá. Nhưng từ những năm 1960 trở lại đây thìư mức độ khai thác và sử dụng rong biển đã tăng lên rất nhanh do kết quả của các công trình nghiên cứu xác định giá trị kinh tế và công nghệ chế biến một số loài rong biển. Các loài rong thực phẩm đã được phơi khô, rử sạch bán trên thị trường. Một số loại rong nguyên liệu chiết suất keo công nghiệp như agar, alginate đã được khai thác với số lượng lớn, hàng trăm tấn khô mỗi năm. Sau ngày thống nhất đất nước nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cao, công nghệ chế biến agar, alginate cũng đạt trình độ cao và hoàn chỉnh hơn thì mức khai thác rong biển càng mạnh, rong câu khô và agar còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Nguồn lợi rong tự nhiên không đủ, riêng trong câu đã được thay thế bằng rong nuôi trồng. Những năm đầu 1990 sản lượng rong câu khô đạt trên dưới 2000 tấn khô/năm. Rong dược liệu đã được các cơ quan chuyên ngành nghiên cứu sử dụng. Một số loài được dùng làm thức ăn gia súc với mức khai thác đáng kể.

  • Quản lý và nuôi trồng

Tất yếu trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi là phải quản lý chặt chẽ và nuôi trồng, đây là lĩnh vực quan trọng và phức tạp. Trong bài viết này chỉ xin điểm qua vài nét ở mức sơ bộ nhất.

Về quản lý: Hầu như nguồn lợi tự nhiên thuộc vùng biển Hải Phòng chưa có quy định về quản lý khai thác. Chỉ có những bãi thuộc phạm vi vườn Quốc gia Cát Bà, một số bãi ven đê biển Quốc gia được giao cho các chủ sở hữu là được bảo vệ. Điều này dã làm xâm hại rất nhiều đến nguồn lợi rong biển tự nhiên vùng Hải Phòng.

Về nuôi trồng: Thực sự chỉ có hai loài trong chi rong câu là rong câu chỉ vàng (Gracilaria asiatica) và rong câu thô (Gratilaria blodgettii) là được nuôi trồng trong các ao đầm nước lợ (loại hình nuôi đáy trong đê cống). Những năm từ 1980 – 2000 nghề nuôi rong câu phát triển khá mạnh, xu thế nuôi được chuyển từ quảng canh sang bán thâm canh, một số nhỏ thâm canh khá cao. Năng suất trồng quảng canh đạt khoảng 1 tấn khô/ha/năm, trồng bán thâm canh và thâm canh đạt khoảng 2 – 5 tấn khô/ha/năm. Vào luác cao điểm nhất diện tích trồng rong câu đạt khoảng 2000 ha, thuộc các địa phương như Thuỷ Nguyên, Cát Hải, Kiến Thuỵ, Đồ Sơn,….Nhưng mấy năm gần đây, nghề nuôi tôm, cua phát triển do đó diện tích trồng rong câu bị thu hẹp lại, năng suất và tổng sản lượng rong câu cũng bị suy giảm.

Đinh Thanh Đạt

Trích bài: "Rong biển vùng Hải Phòng" trong tuyển tập các công trình nghiên cứu "nghề cá biển", tập 3, Viện Nghiên cứu Hải sản, 2005