1. Đa dạng sinh học

Qua số liệu điều tra và qua các tài liệu tham khảo có thể thấy vùng ven biển Hải Phòng rong biển rất phong phú về thành phần loài. Hầu hết các loài rong biển phổ biến ở miền Bắc đều thấy ở đây, phân bố rộng khắp từ ven bờ đến các đảo. Sinh lượng chung của quần xã và sinh lượng của một số loài ưu thế khá cao. Tuy vậy thành phần, sinh lượng và tỷ lệ các ngành rong trong quần xã cũng có nhiều sai khác và đặc trưng cho các quần xã ở mỗi vùng phân bố.

  • Đa dạng về thành phần

Xét về số lượng loài thì biển Việt Nam có 643 loài rong, trong đó biển miền Bắc Việt Nam có 310 loài. Biển Hải Phòng cũng đã thống kê được 89 loài rong (số liệu này chắc chắn là chưa đầy đủ), so với rong biển miền Bắc rong biển Hải Phòng chiếm gần 29% số loài thống kê được. Hầu hết các loài rong điển hình trong khu hệ miền Bắc đều tìm thấy ở Hải Phòng. Số loài rong trong bốn nhành rong là rong lam (Cyanophyta) có 10 loài thuộc 6 chi, ngành rong lục (Chlorophyta) có 22 loài thuộc 8 chi, ngành rong nâu (Phaeophyta) có 20 loài thuộc 8 chi và ngành rong đỏ (Rhodophyta) có 37 loài thuộc 22 chi. Tỷ lệ số loài trong từng ngành rong só với tổng số rong toàn vùng là rong lục 24,72%, rong nâu 22,46%, cao nhất là rong đỏ 41,57% và thấp nhất là rong lam 11,23%. Các số tương ứng của rong miền Bắc là rong lục 23,22%, rong nâu 20,64%, cao nhất là rong đỏ 47,74% và thấp nhất là rong lam 8,38%. Những giá trị này sai khác nhau không nhiều và có cùng xu thế biến động của khu hệ rong biển miền Bắc.

Bảng 1. Số lượng loài của mỗi ngành rong so với tổng số loài trong toàn vùng Hải Phòng

Ngành rong

Số loài rong Hải Phòng

Số loài rong miền Bắc

Tổng số loài rong Việt Nam

Số loài

Tỷ lệ (%)

Số loài

Tỷ lệ (%)

Rong lam – Cyanophyta

10

11,23

26

8,38

77

Rong lục – Chlorophyta

22

24,72

72

23,22

151

Rong câu – Phaeophyta

20

22,46

64

20,64

124

Rong đỏ - Rhodophyta

37

41,57

148

47,74

301

Tổng số

89

 

310

 

643

  • Phân bố và mật độ:

Đồng thời với đa dạng về thành phần loài thì diện phân bố và mật độ rong biển Hải Phòng cũng là những vấn đề rất được chú ý nghiên cứu.

- Về phạm vi phân bố: Từ các ao đầm nước lợ, các bãi chiều cửa sông, các bãi chiều ven biển đến ven các đảo đều có rong biển phân bố và diện tích phân bố khá rộng. Trong các tuyến triều từ cao triều đến thấp triều đều có rong biển phân bố, một số bãi xa bờ rong biển phân bố xuống cả tuyến dưới triều. Thời gian sinh trưởng và phát triển hầu hết là vụ đông – xuân, chỉ một số ít loài sống trong đầm nước lợ là sinh trưởng và phát triển được trong cả mùa hè – thu (một số loài trong chi rong câu – Grracilaria, chi rong tóc – Cladophora, Chaetomorpha và rong bún – Enteromorpha,…)

- Về mật độ: Nhìn chung mật độ rong phân bố không đều, thưa thớt nhất là trên các bãi cát. Tuy vậy một số nơi mật độ rong biển khá cao như các bãi ven đảo rong mọc dày đặc trên các tảng đá, trên các mặt đáy có đá sỏi, vỏ nhuyễn thể, san hô. Sinh lươngj cao nhất là các bãi rong mơ (Sargassum) Bến Bèo – Cát Bà, các đầm rong câu (Gracilaria) Cát Hải, Bàng La. Những bãi rong này nhân dân đã khai thác nhiều lần trong một năm.

Đinh Thanh Đạt

Trích bài: "Rong biển vùng Hải Phòng" trong tuyển tập các công trình nghiên cứu "nghề cá biển", tập 3, Viện Nghiên cứu Hải sản, 2005