4. Kết luận và đề xuất:
4.1.Kết luận
- Vùng biển Cát Bà và Cô Tô là những khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao, đặc biệt ở cấp độ thành phần loài và các hệ sinh thái đặc thù.
- Tại khu vực Cát Bà đã phát hiện được 131 loài nằm trong 52 giống và 32 họ, còn khu vực Cô Tô cũng đã phát hiện được 116 loài thuộc 58 giống và 27 họ. Trong đó, một số họ có số lượng loài phong phú như họ ngao Veneridae 20 loài, họ sò Arcidae 8 loài, họ hàu Ostreidae 6 loài, họ sò nứa Cardidae 5 loài. Trong số hơn 131 loài (Cát Bà) và 116 loài (Cô Tô) thì có tới 28 loài ĐVTM hai mảnh vỏ có giá trị kinh tế cao, đang bị khai thác mạnh để làm thực phẩm, xuất khẩu, đồ mỹ nghệ làm nguồn lợi của chúng đang có chiều hướng suy giảm trong khu vực.
- Sự phân bố thành phần loài và sinh vật lượng của ĐVTM hai mảnh vỏ vùng biển Cát Bà và Cô Tô rất khác nhau giữa các điểm khảo sát, đặc biệt là sự khác nhau giữa vùng triều, vùng dưới triều và các vùng sinh thái. Đặc tính này chứng tỏ tính đa dạng về thành phần loài cao và đa dạng về sự phân bố thao các vùng sinh thái khác nhau.
- Tại Cát Bà và Cô Tô, các nguồn gen quý hiếm đã được ghi vào trong Sách Đỏ Việt Nam hiện vẫn đang còn tồn tại như: loài trai ngọc (Pteria margritifera, Pinctada martensii), loài vẹm xanh (Mytillus smaragdinus), loài tu hài (Lutraria philippinarum). Các loài này hiện nay có số lượng còn rất ít, do có giá trị kinh tế cao nên vẫn đang tiếp tuạc bị khai thác mạnh và có nguy cơ diệt vong, vì vậy cần phải có những biện pháp bảo vệ kịp thời và phát triển nguồn lợi của chúng. Một trong những biện pháp hữu hiệu là phân vùng khai thác và có kế hoạch sử dụng bền vũng trong các khu bảo tồn biển.
4.2. Đề xuất
- Cần tăng cường công tác tuyên truyền, giá dục thường xuyên cho cộng đồng ngư dân nhận thức đúng dắn về tầm quan trọng của việc bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn lợi động vật thân mềm hai mảnh vỏ nói riêng và nguồn lợi sinh vật biển nói chung. Nghiên cứu xây dựng các giải pháp và mô hình quản lý nguồn lợi dựa vào cộng đồng.
- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu sinh học, sinh thái cơ bản ở các cấp độ cá thể, quần thể và quần xã để làm cơ sở khoa học cho việc tái tạo và phục hồi nguồn lợi những loài quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng.
- Nghiên cứu xây dựng các giải pháp bảo vệ và phát triển các loài hải sản quý, có giá trị kinh tế cao và hiện đang bị khai thác quá mức như: tu hài (Lutraria philippinarum), trai ngọc (Pteria margritifera), bàn mai (Pinna atropurpurea), vẹm xanh (Mytillus smaragdinus).
- Cần có ngững nghiên cứu, đánh giá tổng hợp về đa dạng sinh học và nguồn lợi động vật thân mềm hai mảnh vỏ ở vùng ven bờ và các đảo ven bờ biển Việt Nam làm cơ sở khoa học cho việc quy hoạch và sử dụng hợp lý nguồn lợi, bảo vệ đa dạng sinh học.
- Việc khai thác bừa bãi, chưa có quy hoạch và các phương thức khai thác bằng thuốc nổ, thuốc gây mê gốc xyanuâ (- CN)…là những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và suy giảm nguồn lợi động vật đáy và nguồn lợi sinh vật khác nói chung trong khu vực, vì vậy cần phải có những biện pháp ngăn cấm triệt để hiện tượng trên.
- Việc thiết lập các khu bảo tồn biển Cát Bà và Cô Tô sẽ có ý nghĩa khoa học và thực tiễn kinh tế xã hội trong khu vực, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và nguồn lợi sinh vật biển, sử dụng bền vũng các hệ sinh thái và nguông lợi sinh vật biển.
Nguyễn Quang Hùng
Trích trong: Tuyển tập các công trình nghiên cứu "nghề cá biển", Viện Nghiên cứu Hải sản,Tập 3, 2005