Theo Ban Nghiên cứu Hệ sinh thái Rừng ngập mặn (MERD), thời gian qua ở nhiều nơi có rừng ngập mặn bảo vệ, sức tàn phá của sóng biển có thể giảm tới 75-86%, hạn chế được thiệt hại tới hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng vật chất và giảm thiểu mất mát về người không thể nào đo đếm.
Bảo vệ tính đa dạng sinh học biển:
Hiện nay mối đe dọa đối với ĐDSH biển Việt Nam đang tăng lên song song với sự gia tăng dân số và mở rộng các hoạt động kinh tế, khai thác biển. Phương thức đánh bắt hủy diệt, phát triển kinh tế và các ngành nghề một cách bất hợp lý,v.v…cộng với ý thức kém của con người đã làm suy giảm tính ĐDSH của biển. Đánh giá sơ bộ cho thấy trong vòng 50 năm trở lại đây, Việt Nam đã mất tới 80% diện tích rừng ngập mặn. Tùy từng thời kỳ, diện tích này có phục hồi, song không nhiều và rừng ngập mặn vẫn luôn bị đe dọa tiếp tục thu hẹp.
Các rạn san hô đã bị giảm sút cả về chất lượng và độ che phủ. Riêng ở cùng biển miền Bắc, san hô đã giảm từ ¼ đến ½ diện tích. Các rạn san hô còn sống sót trong tình trạng chất lượng không tốt hoặc xấu chiếm 85%. Trong số 10 vùng tập trung cỏ biển lớn như Tam Giang, Phú Quốc một số vùng cũng đã bị suy giảm đáng kể.
Theo phân tích của TS. Võ Sĩ Tuấn, nguyên nhân vấn đề bảo tồn ĐDSH ít được quan tâm là vì sự mất mát về ĐDSH, đặc biệt là ở biển ít được nhận thấy bởi nó không tác động ngay lập tức tới cuộc sống hàng ngày của cộng đồng. Một nguyên nhân nữa là do đa số quần chúng còn chưa nhận thức được lợi ích từ việc bảo tồn ĐDSH. Do đó, những năm qua, Việt Nam đã quan tâm tới sự nghiệp bảo tồn ĐDSH, trong có có tài nguyên biển với việc Việt Nam đã tham gia Công ước Quốc tế về ĐDSH và thông qua Kế hoach Hành động Quốc gia. Việt Nam cũng đã xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống các khu bảo tồn (KBT) biển đến năm 2010, với đề xuất 15 KBT biển dọc theo chiều dài đất nước nhằm đạt mục tiêu sẽ có khoảng 2% diện tích vùng biển được bảo tồn vào năm 2010. Đến nay, có 3 KBT biển là Hòn Mun, Cù Lao Chàm và Phú Quốc đã được chính thức công nhận.
Mặc dù luật pháp và quy hoạch đã có, nhưng sự quan tâm và thực thi vẫn bị đánh giá là ít hiệu quả. Còn rất nhiều việc phải làm để duy trì và phục hồi tính ĐDSH của biển Việt Nam. Cần sớm đẩy mạnh các biện pháp: nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn ĐDSH biển, các nhà quản lý và lập chính sách, công bố các vùng biển có tính ĐDSH cao, xúc tiến việc thành lập các KBT biển, tiến hành đều đặn giám sát ĐDSH, chất lượng môi trường và tình hình khai thác nguồn lợi thủy sản nhằm có những giải pháp kịp thời ngăn chặn suy thoái ĐDSH biển, thử nghiệm và mở rộng hoạt động phục hồi các quần thể sinh vật qúi hiếm hoặc đang bị đe dọa, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và tuân thủ các tiêu chí của Công ước ĐDSH "bảo tồn, sử dụng hợp lý và chia sẻ công bằng". Cần tranh thủ tối đa mọi nguồn lực từ cộng đồng và sự hỗ trợ quốc tế.
Nguồn: INFOTERRA VN (XL theo ThienNhien.Net, 25/2/2009)