Biển Việt Nam là một trong những trung tâm đa dạng sinh học (ĐDSH) biển của thế giới. Với vùng đặc quyền kinh tế biển rộng khoảng 1 triệu km2, biển Việt Nam phong phú với 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, trong đó có nhiều hệ sinh thái mang tính đặc trưng. Mặc dù biển là nguồn tài nguyên quý giá, là tiềm năng cho sự phát triển kinh tế của đất nước, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy tính ĐDSH của biển Việt Nam chưa được quan tâm đầy đủ và có nguy cơ bị suy giảm.

Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3250km. Vùng lãnh hải của Việt Nam trải rộng trên 226.000 km2, với 4.000 hòn đảo lớn nhỏ tạo nên nhiều eo, vịnh, đầm phá và nhiều ngư trường với trữ lượng hải sản gần 3 triệu tấn. Đây là một phần của biển Đông, nằm ở vùng nhiệt đới Tây Thái Bình Dương.

Các chuyên gia đánh giá biển Việt Nam nằm ở một vị trí rất thuận lợi về mặt ĐDSH vì nó là một trong các trung tâm phát tán của sinh vật biển. Theo TS. Võ Sĩ Tuấn (Viện Hải Dương học Nha Trang), biển Việt Nam hội tụ hàng loạt các hệ sinh thái từ vùng nước nông như rừng ngập mặn, rạn san hô, cỏ biển, đầm phá, cửa sông, đến biển xa như vùng nước trồi, hệ biển sâu (có nơi sâu tới 4000 m). Trong các hệ sinh thái đó, khu hệ động thực vật vô cùng đa dạng.

Theo Báo cáo diễn biến ĐDSH Việt Nam 2005, các nhà khoa học đã ghi nhận có trên 11.000 loài sinh vật sinh sống tại các hệ sinh thái biển Việt Nam, trong đó có gần 2.500 loài cá biển gồm 130 loài cá có giá trị kinh tế cao, 225 loài tôm, hơn 500 loài thực vật nổi; gần 700 loài động vật nổi; gần 100 loài thực vật rừng ngập mặn; 15 loài cỏ biển và hơn 6.000 loài động vật đáy không xương sống.

Theo những nghiên cứu khiêm tốn ban đầu về hệ sinh thái biển Việt Nam, trong số 7 loài rùa biển trên thế giới, Việt Nam có 5 loài. Bên cạnh đó, biển Việt Nam cũng là nơi sinh sống của 15 loài rắn biển, 25 loài thú biển và 43 loài chim biển. Những con số này chắc chắn sẽ còn gia tăng khi Việt Nam có điều kiện tiến hành những nghiên cứu sâu hơn về tính đa dạng của biển. Việt Nam có khoảng 1.122 km2 rạn san hô, được phân bố rộng rãi từ Bắc tới Nam với diện tích lớn và tính đa dạng tập trung ở miền Trung và miền Nam, đặc biệt 2 vùng lớn nhất là 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.

Với số loài san hô đã biết, nhóm các loài san hô của Việt Nam có thể so sánh với các vùng san hô đa dạng nhất trên thế giới. Qua nghiên cứu các vùng: Vịnh Nha Trang, Ninh Thuận và Côn Đảo, các chuyên gia đã ghi nhận gần 400 loài san hô tạo rạn. Có tới 90% các loài san hô cứng của vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương có mặt ở Việt Nam và các loài san hô mềm thuộc giống Alcyonaria là đa dạng nhất trong vùng Tây Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Sự khác biệt về đặc điểm và thành phần loài của các hệ sinh thái tạo nên tính đa dạng của các sản phẩm khai thác từ nguồn ĐDSH. Theo phân tích của TS. Võ Sĩ Tuấn, Biển Đông được bao bọc bởi các quốc gia đảo xung quanh, nhưng có thể giao lưu với cả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương nhờ sự thay đổi chế độ dòng theo mùa gió. Vì vậy, nhiều nhóm sinh vật có nguồn gốc khác nhau đã hội tụ về vùng biển này. Hơn nữa, chế độ dòng độc đáo với các vòng tuần hoàn trong vịnh Bắc Bộ, ven biển miền Trung như những rào chắn sinh thái để hình thành các quần thể địa lý khác nhau, tạo nên sự đa dạng ngay trong phạm vi loài. Quần đảo Trường Sa như là một trạm dừng chân trong quá trình phát tán của sinh vật biển giữa các vùng biển.

Biển Việt Nam đồng thời chịu ảnh hưởng của 2 hệ thống sông lớn là sông Hồng và sông Mê Kông. Điều này chi phối chế độ trầm tích của vùng biển, tuy có hạn chế tính đa dạng của một vài hệ sinh thái như rạn san hô, cỏ biển, nhưng bù lại đã giúp hình thành các vùng rừng ngập mặn rộng lớn, mà thấy rõ ở vùng ven biển Nam Bộ. Những cánh rừng này đóng vai trò phòng hộ cực kỳ quan trọng.

Nguồn: INFOTERRA VN (XL theo ThienNhien.Net, 25/2/2009)