1. Tình hình phát triển
+ Vùng biển vịnh Bắc Bộ: Phát triển mạnh các nghề lưới rê ven bờ. Số lượng các tàu làm nghề lưới rê khơi không đáng kể.
+ Vùng biển miền Trung: Nghề lưới rê khơi phát triển rất mạnh. Tuy cỡ tàu sử dụng có công suất 30 -50 cv, nhưng ngư dân nghề rê khơi khi khai thác xa bờ. Hàng năm nhiều tàu lưới rê đã di chuyển ngư trường ra khai thác ở vịnh Bắc Bộ. Sản lượng đạt 48% sản lượng nghề rê cả nước.
+ Vùng biển đông – tây Nam Bộ: Số lượng các tàu lưới rê khơi ít hơn các tỉnh miền Trung nhưng quy mô tàu thuyền lại lớn hơn. Sản lượng đạt 26% sản lượng nghề rê cả nước
2. Cấu tạo lưới rê
Hiện nay, phần lớn các tàu lưới rê khơi sử dụng lưới rê khai thác cá thu, ngừ (chủ yếu là ngừ vằn). Ngoài ra, có một số tàu lưới rê khai thác cá đáy cỡ nhỏ.
+ Về kích thước mắt lưới
- Đối với nghề rê thu, ngừ, kích thước mắt lưới phổ biến 2a là 100 – 105 mm. Tuy nhiên, từ các kết quả nghiên cứu, thấy rằng sử dụng kích thước mắt lưới 2a là 150 mm vẫn có sản lượng cao. Vì vậy trong tương lai cần phải nghiên cứu thêm các kích thước mắt lưới khác nữa để khai thác các đối tượng kinh tế.
- Đối với nghề rê quét: Đây là nghề khai thác cá tầng đáy. Kích thước mắt lưới sử dụng phổ biến 2a là 60 – 80 mm, tương đối phù hợp để khai thác các loài các đáy cỡ nhỏ.
+ Về độ thô chỉ lưới.
Qua khảo sát, độ thô chỉ lưới sử dụng trong thực tế đều lớn hơn so với yêu cầu. Ví dụ: độ thô chỉ lưới rê cá thu, ngừ d là 0,61 – 1,1 mm, nhưng đường kính yêu cầu d là 0,5 – 0,6 mm. Vì vậy cần xem xét để giảm độ thô chỉ lưới.
+ Trang bị phao chì
Hiện nay, ngư dân có xu hướng giảm tối đa lượng phai chì cần trang bị lưới rê. Cách làm này có ưu điểm là giảm sức căng chỉ lưới, tăng độ nhạy và sự đóng quấn của cá vào lưới. Tuy nhiên, lưới dễ bị nghiêng khi có dòng chảy và “diện tích đánh bắt thực tế” sẽ giảm đáng kể. Ngoài ra khi có sóng gió lớn, lưới rất dễ bị xoắn. Vấn đề này cần được xem xét thêm.
3. Hiệu quả kinh tế của nghề lưới rê
Hiệu quả kinh tế của nghề lưới rê thấp nhất so với các nghề khác. Căn cứ vào kết quả điều tra khảo sát 112 tàu lưới rê thu ngừ, có 31 tàu bị lỗ vốn, chiếm 27,7%. Trong số các tàu có lãi, lợi nhuận 1 năm của cỡ tàu từ 33 – 300 cv chỉ đạt từ 18 – 100 triệu đồng.
Đối với lưới rê tầng đáy, đã khảo sát 26 tàu, có 6 tàu bị lỗ, chiếm 23%. Các tàu bị lỗ đều là các tàu cỡ lớn, công suất > 135 cv, các tàu còn lại có lãi từ 10 – 60 triệu đồng/1 năm.
4. Các tồn tại của nghề lưới rê
+ Việc cơ giới hoá nghề rê chưa cao, khá nhiều tàu vẫn còn thu lưới bằng tay. Để tăng năng suất nghề lưới rê, cần cơ giới háo khâu thu lưới, như vậy thu được đường lưới dài gấp 3 – 4 lần so với đường lưới thu bằng tay, nên năng suất khai thác sẽ cao hơn.
+ Chất lượng cá của nghề lưới rê không đồng đều (những con cá mắc lưới trưới thường bị ươn). Vì vậy càng xem xét thời gian ngâm lưới hợp lý để hạn chế lượng cá bị ươn thối, cải tiến kỹ thuật bảo quản cá và bao tiêu sản phẩm kịp thời.
+ Hầu hết các tàu lưới rê quá lớn (>200cv) nên hiệu quả kinh tế kém. Vì vậy cần xem xét đến cỡ tàu lưới rê phù hợp với từng vùng biển.
+ Cần xem xét hình thức đầu tư cho nghề lưới rê, sao cho giảm số vốn đầu tư bằng cách sử dụng máy cũ.
+ Cần có những nghiên cứu sử dụng thêm một số loại kích thước mắt lưới để tận thu các dối tượng mới ở ngư trường xa bờ.
Nguyễn Long và ctv
Trích bài “Hiện trạng công nghệ khai thác hải sản xa bờ ở Việt Nam” trong tuyển tập Các công trình nghiên cứu “Nghề cá Biển ” Tập 2 (2001) của Viện nghiên cứu Hải Sản