1. Tình hình phát triển
+ Vùng biển Vịnh Bắc Bộ:
Năm 1998, có 2.044 tàu làm nghề câu, hầu hết là tàu cỡ nhỏ, công suất < 30cv và làm nghề câu mực là chủ yếu. Số lượng tàu làm nghề câu vàng ít, sản lượng không đáng kể, chỉ chiếm 10,6% sản lượng nghề câu cả nước.
+ Vùng biển miền Trung:
Số lượng tàu câu có 4.703 chiếc năm 1998. Các tàu làm nghề câu mực cũng phát triển rộng khắp. Nghề câu vàng cá ngừ phát triển rất mạnh. Cỡ tàu sử dụng cho nghề câu vàng là 54 – 84 cv, một số tàu mới đóng có công suất 150cv. Sản lượng nghề câu chiếm 52,8% sản lượng nghề câu trong cả nước.
+ Vùng biển đông tây Nam Bộ:
Năm 1998, có 5.058 tàu câu, trong đó 163 tàu lắp máy công suất > 90cv. Ngoài nghề câu mực phát triển rộng khắp trên các tàu cỡ nhỏ, nghề câu vàng nơi đây khá phát triển trên các tàu cỡ lớn. Sản lượng nghề câu chiếm 36,5% sản lượng nghề câu cả nước.
2. Kỹ thuật và cấu tạo nghề câu:
+ Kích thước vàng câu được ngư dân sử dụng đã đạt đến 40 – 45 km. Tuy nhiên, còn ít tàu được trang bị máy thu dây câu, tốc độ thu dây câu còn chậm và ngư dân phải làm việc rất vất vả mới thu xong một mẻ câu. Nhiều tàu câu vẫn còn thu câu bằng tay nên đường câu được thả ngắn, hiệu quả kinh tế kém.
+ Chiều dài dẻo câu: Hiện nay ngư dân dùng thẻo câu có chiều dài từ 24 – 60 m và độ sâu làm việc của lưỡi câu từ 28 – 62,5 m. Tuy nhien cần nghên cứu xác định độ sâu làm việc cần thiết của lưỡi câu nhằm mang lại hiệu quả khai thác cao hơn.
+ Kỹ thuật sử dụng ánh sáng trong nghề câu mực còn rất thô sơ. Vì vậy cần nghiên cứu và du nhập kỹ thuật sử dụng ánh sáng trong nghề câu mực vào nước ta.
+ Cần quan tâm vấn đề cơ giới hoá nghề câu để giảm nhẹ sức lao động và tăng chiều dài vàng câu.
+ Các đối tượng chính của nghề câu hiện nay là mực ống, cá ngừ đại dương, cá dưa, một số loài cá đáy, cá mập. Tuy nhiên cần nghiên cứu khai thác thêm các đối tượng mới như mực đại dương, một số loài cá đáy.
3. Hiệu quả kinh tế của nghề câu:
+ Vốn đầu tư cho nghề câu.
Vốn đầu tư cho ngư cụ của nghề câu không lớn. Đối với những vàng câu cá dưa dài từ 18 – 43 km, giá khoảng 8 – 17 triệu đồng, vàng câu cá ngừ đại dương dài 18 – 24 km, giá khoảng 24 – 27 triệu đồng.
+ Hiệu quả kinh tế của nghề câu.
- Đối với nghề câu vàng cá ngừ: 55% số tàu được khảo sát bị lỗ, chủ yếu là các tàu câu cá ngừ công suất > 90cv.
- Đối với nghề câu vàng tầng đáy: Nhìn chung các tàu câu vàng tầng đáy đều lãi từ 26 – 120 triệu đồng/năm.
- Năng suất khai thác nghề câu vàng cá ngừ cao hơn nghề câu vàng tầng đáy.
- Do giá cá ngừ không ổn định nên nghề câu cá ngừ cũng gặp nhiều khó khăn, đôi khi bị thua lỗ nặng. Vì vậy, giải quyết tốt việc tiêu thụ sản phẩm theo giá ổn định chính là giúp phát triển nghề câu cá ngừ.
- Do tốc độ thu dây câu có hạn nên chiều dài vàng câu của các tàu lớn không hơn các tàu nhỏ là bao, nghĩa là sản lượng chênh lệch giữa hai tàu không lớn, trong khi chi phí nghiên liệu của các tàu lớn gấp nhiều lần tàu nhỏ. Hơn nữa, ngư trường khai thác cũng gần như nhau (ví dụ: tàu 60cv có thể đi xa bờ như tàu 300cv) nên hiệu quả kinh tế của các tàu cỡ lớn thấp.
Để giải quyết vấn đề này, cần nghiên cứu mô hình mới cho tàu câu cá ngừ xa bờ.
Có thể thử nghiệm mô hình “Một tàu mẹ, nhiều tàu con”, như vậy có khả năng đánh được nhiều vàng câu cùng một lúc. Tổng chiều dài vàng câu sẽ tăng và sản lượng khai thác sẽ tăng nhiều lần.
- Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, ổn định giá thu mua, cần tổ chức tốt khâu dịch vụ hậu cần và thu mua sản phẩm trên biển cho các tàu câu xa bờ.
Nguyễn Long và ctv
Trích bài “Hiện trạng công nghệ khai thác hải sản xa bờ ở Việt Nam” trong tuyển tập Các công trình nghiên cứu “Nghề cá Biển ” Tập 2 (2001) của Viện nghiên cứu Hải Sản