Ông Ông Tăng Tiến San - Giám đốc và các mẹ tại Làng trẻ em SOS tiếp đoàn thiện nguyện của Viện
Tại đây chúng tôi đã được Ông Tăng Tiến San - Giám đốc Làng trẻ em SOS Hải Phòng giới thiệu về lịch sử hình thành, cũng như những hoàn cảnh thiệt thòi của cá em và mô hình chăm sóc giáo dục của Làng trẻ. Ngày 31/7/1996, Làng trẻ em SOS Hải Phòng chính thức đi vào hoạt động, những đứa con đầu tiên được đón về với mái ấm gia đình này. Ngày 1/1/1997, Lễ khánh thành Làng được tổ chức trọng thể. Tổng Bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch Làng Trẻ Em SOS Quốc tế Helmut Kutin cắt băng khánh thành. Làng đón nhận các cháu mồ côi cha mẹ, các cháu bị bỏ rơi từ sơ sinh đến 9, 10 tuổi từ các xã, phường của thành phố Hải Phòng và các tỉnh lân cận sau khi đã được xét duyệt, đề nghị đưa vào làng. Các cháu được phân về các nhà gia đình sống với mẹ SOS và anh chị em cùng cảnh ngộ đến khi học hết THPT. Khi đi học nghề các cháu sẽ ra ở nhà trọ, KTX để mẹ đón các em bé mới vào thay thế nhưng vẫn được mẹ quản lý, dạy bảo đến khi có thể tự lập được cuộc sống của mình như con cái các gia đình tự nhiên ngoài xã hội.
Làng có 14 nhà gia đình, một trường mẫu giáo và một nhà thanh niên. Toàn Làng có 14 bà mẹ trực tiếp quản lý 14 gia đình, là mẹ SOS của các con, có 7 bà dì là những người hỗ trợ giúp đỡ mẹ nuôi dạy con cái. Cũng như các Làng trẻ em SOS khác, Làng trẻ em SOS Hải Phòng hoạt động theo ý tưởng nhân văn của Tiến sỹ Hermann Gmeiner trên cơ sở 4 nguyên tắc sư phạm là: Bà mẹ - Các anh chị em - Ngôi nhà gia đình - Làng. - Bà mẹ SOS: Là người phụ nữ tự nguyện không xây dựng gia đình, chăm lo cho những trẻ thơ bất hạnh. Bà là người liên tục ảnh hưởng tới thời thơ ấu và tiếp theo sau đó của trẻ. Bà đem lại cho trẻ tình thương và sự an toàn mà bất kỳ trẻ nào cũng cần có để phát triển. - Các anh chị em: Mỗi gia đình trong Làng đều có từ 8-10 trẻ, cả trai và gái ở các độ tuổi khác nhau cùng sống với mẹ như những anh chị em ruột thịt.
Hiện tại, Làng có 166 cháu học PT từ lớp 1 đến lớp 12, 7 cháu ở lứa tuổi mẫu giáo và nhà trẻ, 21 cháu đang học tại các trường đại học, cao đẳng và trường nghề, 46 cháu tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ, nghề mới đi làm, đang hưởng chế độ bán tự lập. Làng đã có 154 cháu tự lập hoàn toàn, trong đó có 104 cháu đã xây dựng gia đình. Tỷ lệ học sinh khá giỏi hàng năm từ 55 - 60%. Nhiều cháu đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quận và thành phố. Tỷ lệ tốt nghiệp PTTH qua các năm là 95-100% và 25-30% các cháu đỗ vào các trường đại học và cao đẳng.
Bên cạnh việc chăm lo cho các cháu học tập tốt về văn hóa, Làng trẻ em SOS Hải Phòng rất chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển năng khiếu cá nhân. Làng thường xuyên tổ chức các lớp và câu lạc bộ năng khiếu, tạo điều kiện cho các cháu phát huy tài năng và phát triển toàn diện. Thông qua các câu lạc bộ này, một số trẻ đã được phát huy năng khiếu, đạt các thứ hạng cao qua các cuộc thi cấp quận, thành phố, quốc gia và quốc tế, 1 số cháu đã định hướng được nghề nghiệp tương lai của mình thông qua các hoạt động này, các cháu đã thi đỗ và vào học các trường Kiến trúc, Sư phạm TDTT, Âm nhạc...
Tiếp đến chúng tôi được Ban Giám đốc và các mẹ SOS dẫn đi thăm các ngôi nhà gia đình và mô hình giáo dục của Làng trẻ.
Đoàn Viện đi tham quan mô hình chăm sóc giáo dục của Làng trẻ.
Ông Nguyễn Văn Nguyên, Chủ tịch Công đoàn Viện nghiên cứu Hải sản
phát biểu tại buổi trao quà
Tại buổi giao lưu gặp mặt các gia đình của Làng trẻ, Công đoàn Viện nghiên cứu Hải sản đã trao những suất quà đến từng gia đình của Làng trẻ SOS với mong muốn góp một phần nhỏ bé để phần nào chia sẻ bớt những thiệt thòi của các em, và động viên tinh thần các mẹ. Ông Nguyễn Văn Nguyên, Chủ tịch Công đoàn Viện nghiên cứu Hải sản đã phát biểu đầy xúc động, bày tỏ sự cảm phục, biết ơn Ban Giám đốc và các mẹ ở Làng trẻ SOS đã dang tay nâng đỡ, che chở cho các con để các con có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Lễ trao quà cho các em nhỏ tại Làng trẻ SOS
Chuyến đi đã để lại trong chúng tôi đong đầy cảm xúc: yêu thương, gần gũi, cảm thông, sẻ chia và hơn hết là sự cảm phục. Cảm phục những người mẹ ấy đã hy sinh hạnh phúc riêng của mình, dang tay đón nhận, chở che cho và yêu thương các em như chính những đứa con của mình vậy. Qua đây, chúng ta cũng thấy rằng cuộc đời này còn nhiều mảnh đời bất hạnh cần lắm những sự giúp đỡ, sẻ chia của cộng đồng xã hội. Nó cũng là động lực giúp cho mỗi chúng ta sống tốt, sống đẹp để cùng cố gắng vươn lên trong cuộc sống.
Vũ Thị Thu Hằng