Nhóm nghiên cứu vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải chế biến sứa |
Ông Nguyễn Quang Hùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản cho biết, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho đội ngũ nghiên cứu KHCN được Viện đặc biệt chú trọng. Hiện, trong tổng số 140 CBCC, Viện có tới 7 CBCC trình độ tiến sĩ, 58 thạc sĩ, 65 trình độ đại học. Đội ngũ cán bộ chủ chốt của Viện thường được cử sang các nước tiên tiến, có nghề cá phát triển như Đan Mạch, Bỉ, Newzeland, Na Uy, Nhật Bản, Hàn Quốc... để học tập, nâng cao trình độ.
Chỉ tính trong giai đoạn 2005-2010, Viện đã đào tạo được 5 nghiên cứu sinh (NCS) (3 nước ngoài, 2 trong nước), 23 NCS đang đào tạo; liên kết với các trường đại học trong nước đào tạo được 79 thạc sĩ (12 nước ngoài, 67 trong nước), 11 thạc sĩ đang đào tạo.
Để phát triển thị trường KHCN, Viện đã chú trọng công tác chuyển giao các kết quả nghiên cứu, thực tiễn sản xuất thông qua việc đăng ký sở hữu trí tuệ, tiến bộ kỹ thuật, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Trong những năm qua, Viện đã có 7 quy trình công nghệ được thẩm định để công nhận sở hữu trí tuệ, 17 sáng kiến cải tiến kỹ thuật các cấp...
Nhờ đó, kết quả nghiên cứu KHCN của Viện đã có sự chuyển biến tích cực, phù hợp với tình hình thực tế, bám sát đề án tái cơ cấu ngành thủy sản. Chỉ trong 10 năm (2005-2015), Viện đã thực hiện 61 nhiệm vụ KHCN trong, ngoài nước; trong đó có 6 nhiệm vụ cấp nhà nước, 20 nhiệm vụ cấp tỉnh, thành phố, 4 nhiệm vụ môi trường, 12 nhiệm vụ cấp bộ, 4 nhiệm vụ hợp tác quốc tế... Kết quả nghiệm thu cho thấy, 100% các nhiệm vụ đều đạt yêu cầu, trong đó có trên 90% đạt loại khá trở lên.
Hầu hết các nhiệm vụ KHCN sau khi kết thúc đều được ứng dụng phục vụ công tác quản lý, điều hành, ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh của ngành thủy sản cả nước. Một số kết quả đề tài nghiên cứu đã được các doanh nghiệp như: Cty CP nước mắm Ninh Cơ - Nam Định, Cty CP nước mắm Cát Hải, Hải Phòng ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, đối với thành phố Hải Phòng, nơi đặt trụ sở, trong 10 năm (2005-2015), Viện đã tổ chức triển khai thực hiện 19 đề tài, dự án KHCN cấp thành phố. Các nghiên cứu đã bao phủ được hầu hết các nhóm đối tượng nguồn lợi hải sản trên vùng biển Hải Phòng và vùng phụ cận với những kết quả nổi bật như: Nghiên cứu, nhân giống thành công nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm sú, tôm rảo Nhật Bản từ nguồn tự nhiên, cá song, cá giò, cá vược, cá bớp, hải sâm đen, tu hài, bào ngư chín lỗ... Cải tiến kỹ thuật nuôi trồng thủy hải sản với các mô hình phù hợp với điều kiện Hải Phòng như mô hình nuôi ghẹ xanh, cá đối mục thương phẩm từ nguồn giống nhân tạo.
Ngoài ra, Viện Nghiên cứu Hải sản đã tiến hành đánh giá tác động của suy thoái, ô nhiễm môi trường đến ngao nuôi; nghiên cứu, đánh giá hiện trạng nghề chế biến sứa ở Hải Phòng, đề xuất giải pháp quản lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; rà soát, điều chỉnh quy hoạch nuôi trồng hải sản lồng bè ở Cát Bà theo hướng thân thiện, bảo vệ môi trường; đánh giá nguy cơ bùng phát, đề xuất giải pháp phòng, tránh, giảm thiểu tác hại của thủy triều đỏ tại khu vực ven biển Hải Phòng. Tất cả các dữ liệu quý này đều được Viện cung cấp kịp thời đến các cơ quan quản lý, phục vụ hiệu quả cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các hoạt động nuôi trồng, bảo tồn, phát triển, khai thác, chế biến thủy hải sản trên phạm vi toàn thành phố.
Từ những việc làm có ý nghĩa thiết thực, to lớn kể trên, có thể khẳng định, những năm qua, Viện Nghiên cứu Hải sản đã có những đóng góp đáng kể, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển bền vững nghề cá thành phố, sát cánh cùng thành phố từng bước hiện thực hóa chiến lược đưa Hải Phòng trở thành trung tâm nghề cá lớn vùng duyên hải Bắc Bộ.
Nguồn: Theo http://anhp.vn/