Ảnh minh họa
Cuộc thảo luận diễn ra ngay sau phần trình bày chi tiết của Ramanan Laxminarayan - Người sáng lập và là Giám đốc Trung tâm Dịch bệnh, Kinh tế và Chính sách. Qua đó, đã chỉ rõ nguy cơ ngày càng gia tăng do vi khuẩn kháng kháng sinh có thể gây ra cho sức khỏe con người. Đến năm 2050, nếu không tìm thấy các phương pháp kiểm soát vi khuẩn kháng kháng sinh hiệu quả, khoảng 10 triệu người có thể chết mỗi năm.
Khi nhận thức của cộng đồng về sự kháng kháng sinh tăng lên, ngành nuôi trồng thủy sản sẽ phải đối mặt với việc giảm thiểu sử dụng kháng sinh trong hoạt động sản xuất nuôi trồng. Hiện không có nhiều tiêu chuẩn của Chính phủ quy định việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, và một số chương trình chứng nhận việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản hiện chưa được áp dụng.
Theo ông Ramraj Dahmodar (Chủ tịch Hiệp hội các trại ương tôm giống của Ấn Độ), ngành nuôi tôm Ấn Độ đang đi tiên phong trong việc sử dụng kháng sinh. Ông cho biết, hiện tại, ngành nuôi tôm Ấn Độ không sử dụng nhiều kháng sinh. Ông tin rằng chủ trương này của Chính phủ Ấn Độ quán triệt tới các cơ quan quản lý của Ấn Độ sẽ giúp ngành Thủy sản hạn chế sử dụng kháng sinh trong hoạt động nuôi trồng.
Cũng theo ông Dah Dahodar, Chính phủ Ấn Độ đã cấm sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm. Ông cho biết, việc giảm sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm không khiến vi khuẩn hoành hành trên tôm nuôi, bởi hầu hết các mầm bệnh virus và vi khuẩn (mà ngành tôm đang phải đối phó) không bị ảnh hưởng nhiều bởi việc giảm sử dụng kháng sinh.
Tuy nhiên, các ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản khác vẫn phải đối mặt với quyết định khó khăn về việc có nên sử dụng kháng sinh hay không, và sử dụng ở mức độ nào. Bà Ruth Hoban - Giám đốc Phát triển bền vững của New England Seafood (một công ty nuôi cá vược và cá tráp tại Anh) nói rằng ngành công nghiệp nuôi cá vược và cá tráp của New England Seafood là khá mới và nhiều tiêu chuẩn vẫn đang phải xây dựng, phát triển (trong đó có tiêu chuẩn về việc sử dụng kháng sinh). Bà Hoban cho biết, hiện tại, không có tiêu chuẩn nào về việc sử dụng kháng sinh trong lĩnh vực của mình.
"Không có yêu cầu pháp lý nào ngoài việc bạn chờ đợi cho đến khi thu hoạch cá". Bà Ruth Hoban cho biết thêm "Chúng tôi thực sự chỉ tìm hiểu những gì là Thực hành tốt nhất và quan tâm những quy định liên quan đến nghề nuôi của chúng tôi".
Theo Hoban, mặc dù thiếu các quy định pháp lý, nhưng các nhà bán lẻ Anh đang thúc đẩy sự thay đổi trong ngành nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, vấn đề sử dụng kháng sinh không phải là yếu tố quyết định việc mua hàng của Anh. "Người ta đã đề nghị sử dụng kháng sinh một cách có trách nhiệm, nhưng thực tế thì chưa có giới hạn nào quy định rõ về điều này" Hoban nói.
Còn theo Will Rash - Giám đốc điều hành của Big Prawn, ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản cần cân bằng việc sử dụng kháng sinh với năng suất nuôi trồng. “Nói đến sự cân bằng là phải nói đến việc sử dụng kháng sinh trong hoạt động nuôi, điều này thực sự cần được bàn bạc”.
Tuy nhiên, Will Rash nhận định rằng, trong tất cả các khả năng có thể xảy ra thì quy định việc ghi nhãn "không sử dụng kháng sinh" trên các sản phẩm thủy sản có thể được áp dụng trong vài năm tới. "Tôi đoán rằng, việc dán nhãn "không kháng sinh" hoặc một số hình thức ghi nhãn khác có liên quan đến kháng sinh có thể sẽ được thực hiện".
Đối với Rash, việc sử dụng kháng sinh - đặc biệt là ở châu Á - không chỉ ở vấn đề các công ty nuôi trồng thủy sản có quản lý được việc sử dụng kháng sinh hay không; cũng như châu Á có nỗ lực để giảm thiểu sử dụng kháng sinh hay không. Trước tiên, cần có sự thay đổi về nhận thức, vì các hộ nuôi trồng thủy sản của châu Á rất dễ dàng tiếp cận với các loại kháng sinh và liều lượng mà họ sử dụng cũng rất cao.
Rash đã lấy một ví dụ, khi ông đi dạo các hiệu thuốc ở Chennai (Ấn Độ) và thử mua một số loại thuốc kháng sinh. Kết quả là, tất cả các cửa hàng đều nhanh chóng bán kháng sinh cho ông, mặc dù trên vỏ thuốc có dòng chữ "không được bán nếu không được kê đơn".
"Chính xác là chúng ta đang có vấn đề trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, nhưng trên hết đó là vấn đề trong suy nghĩ của người dân tại các quốc gia cung cấp thực phẩm của châu Á và một số khu vực khác trên thế giới - nơi mà người dân luôn cho rằng tôi cần dùng thuốc kháng sinh để trị bệnh, nơi mà sự kiểm soát việc sử dụng kháng sinh là rất hạn chế" Rash nói. Chúng ta cần thay đổi suy nghĩ của người dân, giúp họ hiểu rõ vấn đề, khiến họ chấp nhận giảm sử dụng kháng sinh vì lợi ích của các thế hệ con cái và cháu chắt của họ.
Laxminarayan đã so sánh những nhận thức về việc hút thuốc ở hiện tại so với nhận thức trong quá khứ. Ông nói, nếu cuộc họp này diễn ra cách đây 30 năm, một nửa phòng sẽ hút thuốc và nửa còn lại sẽ không nói gì. Để giảm việc sử dụng kháng sinh (trong nuôi trồng thủy sản và trong các ngành công nghiệp khác), một sự thay đổi văn hóa nhận thức là cần thiết - Trừ khi chúng ta là một xã hội tôn sùng kháng sinh.
Ngọc Thúy (Theo SeafoodSource)