Tại Quảng Bình, đoàn công tác đã đi thực tế tại khu vực Cảng cá sông Gianh và làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình tại xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch về tình trạng cá biển chết hàng loạt trong thời gian gần đây. Theo đó, xã Thanh Trạch là địa phương có nhiều lao động trực tiếp và gián tiếp tham gia nghề biển nên khi xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt tại 04 tỉnh miền Trung, xã Thanh Trạch đã bị tổn thất nặng nề. Tính đến ngày 09/5/2016, tổng thiệt hại trong vụ cá biển chết bất thường dự kiến trên 15,5 tỷ đồng. Trước tình hình đó, chính quyền xã Thanh Trạch đã kịp thời triển khai rà soát để hỗ trợ gạo, tiền cho 2.021 trường hợp trực tiếp đánh bắt, nuôi trồng thủy sản với mức hỗ trợ bước đầu mỗi khẩu là 10kg gạo/người và 50.000 đồng; Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng đã huy động lực lượng các đoàn thể và nhân dân thu gom, chôn lấp, xử lý gần 03 tấn cá chết, trôi dạt vào bờ; đồng thời liên tục phát động nhân dân làm vệ sinh môi trường dọc bờ biển. Đặc biệt, trong vòng một tuần (từ ngày 29/4 - 05/5/2016), chính quyền xã đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành xác nhận, thu mua cho 214 tàu cá , với tổng sản lượng 445 tấn hải sản an toàn.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với những khó khăn của ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và ngư dân các tỉnh Bắc miền Trung. Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học đang nỗ lực trong việc xác định nguyên nhân dẫn tới tình trạng cá biển chết hàng loạt để đưa ra kết luận chính xác, từ đó trả lời cho người dân được biết. Trong những ngày tới, Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương công bố rộng rãi cách nhận biết các loại thủy hải sản đánh bắt xa bờ trên phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân yên tâm sử dụng, đồng thời sớm có phương án hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho tỉnh Quảng Bình. Nhân dịp này, đoàn công tác đã tặng 10 suất quà cho 10 hộ gia đình ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch.
Cùng ngày, đoàn công tác đã đi kiểm tra tình hình thực tế tại vùng biển bãi ngang xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh) và xã Gio Hải (huyện Gio Linh) - tỉnh Quảng Trị; Thăm hỏi, động viên và tặng quà cho 04 gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn.
Thời gian qua, hiện tượng hải sản chết bất thường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, ước tính thiệt hại đến ngày 8/5/2016 trên 141 tỷ đồng. Trước tình hình đó, tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều biện pháp khắc phục hậu quả, giúp ngư dân vượt qua khó khăn. Bên cạnh việc tổ chức thu gom, chôn lấp, xử lý, tiêu hủy cá chết, tỉnh đã triển khai công tác quan trắc theo dõi môi trường nước biển ven bờ; Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm; Hướng dẫn, khuyến cáo bà con ngư dân các giải pháp nuôi trồng, khai thác, tiêu thụ thủy, hải sản phù hợp; Đồng thời, động viên tinh thần, vật chất nhằm ổn định cuộc sống của người dân. Cụ thể là, đã hỗ trợ 300 tấn gạo cho các gia đình gặp khó khăn tại các xã ven biển; Ngành chức năng tỉnh đã cấp 40 giấy chứng nhận cho 124 tấn hải sản an toàn đối với hải sản đánh bắt đúng quy định.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Quảng Trị đã đề xuất Bộ trưởng trình Chính phủ xem xét, hỗ trợ các chính sách cho ngư dân bị thiệt hại trực tiếp là các hộ đánh bắt ven bờ, tàu khai thác ven bờ; hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản, các cơ sở chế biến hấp, sấy cá, hộ tiểu thương buôn bán hải sản; kinh phí thí nghiệm đánh giá chất lượng nước biển phục vụ nuôi trồng thủy sản… Về lâu dài, tỉnh cũng cần được hỗ trợ các chính sách để chuyển đổi nghề cho ngư dân từ khai thác cá đáy ven bờ chuyển sang khai thác cá nổi hoặc nuôi trồng, chế biến thủy hải sản và các dịch vụ khác; Đào tạo nâng cao kỹ thuật đánh bắt cho ngư dân khai thác ven bờ để có thể thành thuyền viên trên các tàu khai thác xa bờ. Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị cũng rất cần những chính sách tín dụng ưu đãi đối với ngư dân ở địa phương.
Đến làm việc tại Quảng Trị, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cấp ủy, chính quyền trong việc động viên ngư dân khắc phục hậu quả, vượt qua khó khăn. Bộ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận đánh bắt xa bờ cho ngư dân; Thông tin đến người tiêu dùng các loại cá đánh bắt xa bờ để họ yên tâm sử dụng; Tiếp tục giám sát nước, chất lượng hải sản ven bờ để thông báo cho ngư dân. Về nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT cần sớm phối hợp với Cục Thủy sản lấy mẫu nước, tôm xét nghiệm, tìm ra nguyên nhân cụ thể để có khuyến cáo kịp thời cho ngư dân.
Hà Kiều