TS Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II:

Tôm chết hàng loạt từ đầu tháng 3 đến nay chủ yếu do bệnh hoại tử, teo gan. Bệnh xảy ra từ tháng 7-2010 và phát triển trên diện rộng đã gây thiệt hại đáng kể cho các tỉnh ven biển ĐBSCL. Tác nhân gây bệnh bước đầu xác định do vi khuẩn gamma - proteobacteria chứ không phải do virus. Đường lây bệnh trên tôm bước đầu xác định qua hệ thống nước, nguồn lây thứ hai là con giống qua bố mẹ. Suốt thời gian dài cơ quan chuyên môn các địa phương khi xét nghiệm tôm bố mẹ đã không chú ý đến tác nhân gây hoại tử gan tụy, do vậy đề nghị các địa phương phải xét nghiệm thêm loại bệnh nguy hiểm này. Trong khi chờ đợi các “bác sĩ” tôm chẩn đoán đúng bệnh để cho toa thuốc, nông dân các vùng tôm nuôi bị chết trước khi thả nuôi vụ 2 phải cải tạo nạo vét ao thật kỹ, chọn con giống thả nuôi khỏe, sạch bệnh được kiểm dịch bằng hệ thống PCR.

Ông Nguyễn Văn Hồ, tỷ phú nuôi tôm huyện Cầu Ngang (Trà Vinh):

Để nghề nuôi tôm phát triển bền vững phải đi đôi với đầu tư hệ thống thủy lợi và vấn đề tiên quyết thành bại là con giống. Thiếu con giống tốt, con giống khỏe, cơ hội thành công vụ nuôi giảm đi 50%. Sắp tới Nhà nước cần tăng cường quản lý chặt con giống từ khâu sản xuất (tôm bố mẹ) đến xuất bán cho người nuôi. Xử phạt thật nặng hoặc rút giấy phép những cơ sở cung cấp giống kém chất lượng.

Đ.Cảnh