Hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam, Khu bảo tồn biển (KBTB) được xem như là một trong những công cụ hữu hiệu nhất để thực hiện Chiến lược hành động bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường biển. Đây cũng chính là mục tiêu cơ bản của Chiến lược phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm của tỉnh Quảng Nam là KBTB thí điểm thứ 2 trong toàn quốc, sau KBTB Vịnh Nha Trang – Khánh Hoà. Nó được thành lập vào tháng 12/2005, trên cơ sở kết quả thực hiện Dự án KBTB Cù Lao Chàm, trong Chương trình hợp tác Việt Nam – Đan Mạch hỗ trợ phát triển mạng lưới các khu bảo tồn biển Việt Nam. Tháng 12/2005, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế quản lý KBTB Cù Lao Chàm, quy định cụ thể về phân vùng chức năng KBTB, chế độ pháp lý cụ thể cho từng vùng cũng như quy định trách nhiệm phối hợp thực hiện của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.
Để triển khai quản lý KBTB trên thực tế, UBND tỉnh cũng đã quyết định thành lập Ban quản lý KBTB Cù Lao Chàm, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, có chức năng phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo tồn biển, tổ chức triển khai các hoạt động quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị của KBTB về đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên, văn hoá lịch sử, khoa học, giáo dục đào tạo, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí…; tổ chức triển khai Quy chế quản lý KBTB do UBND tỉnh ban hành. Qua hơn 1 năm tiếp nối kết quả của Dự án KBTB Cù Lao Chàm, Ban quản lý KBTB cùng với các ngành và địa phương trong tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong việc gắn kết giữa bảo tồn và phát triển, đặc biệt là phát triển du lịch, tiến tới thực hiện chủ trương của tỉnh về xây dựng Cù Lao Chàm thành khu du lịch sinh thái cao cấp cũng như tiến tới đề nghị UNESCO công nhận Cù Lao Chàm, Đô thị cổ Hội An và vùng hạ lưu sông Thu Bồn thành Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.
Tuy nhiên, xây dựng Kế hoạch quản lý tổng hợp (KHQLTH) KBTB cần quán triệt quan điểm là không tách rời giữa bảo tồn và phát triển: Bảo tồn là để phát triển tài nguyên bền vững và việc khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên sẽ đem lại điều kiện cho công tác bảo tồn. Chúng ta đều biết rằng, công tác quản lý KBTB (với một hệ sinh thái đa dạng và tài nguyên thiên nhiên phong phú của nó) sẽ bị chi phối bởi lợi ích phát triển riêng lẻ của từng ngành, địa phương mà đại diện đông đảo nhất là cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh KBTB. Bên cạnh đó, quản lý một KBTB đồng nghĩa với việc quản lý một phức hệ đa thành phần với sự tham gia của nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Nó không chỉ liên quan tới hệ sinh thái biển mà còn chịu sự tác động, chi phối bởi sự tồn tại và phát triển của hệ sinh thái rừng, bờ, cảnh quan thiên nhiên, môi trường, các hệ giá trị văn hoá, lịch sử, du lịch sinh thái, phong tục tập quán truyền thống, đặc biệt là đời sống của một bộ phận lớn cộng đồng đã, đang và sẽ còn phụ thuộc vào nguồn lợi, tài nguyên của KBTB.
Như vậy là, để quản lý một KBTB có hiệu quả, bền vững, đảm bảo hài hoà 2 mục tiêu bảo tồn và phát triển, cần thiết phải xây dựng một KHQLTH, dài hạn, trong mối quan hệ đồng thuận, nhất quán giữa các ngành, địa phương và cộng đồng - những chủ thể có mối quan hệ quản lý và hoạt động liên quan mật thiết đến quá trình phát triển của KBTB. Đồng thời, những chủ thể đó phải là những đối tượng tham gia tích cực vào quá trình lập và thực hiện KHQLTH KBTB.
Việc xây dựng KHQLTH cho KBTB là kinh nghiệm của nhiều tổ chức quốc tế và các khu bảo tồn biển trên thế giới đối với sự thành công của KBTB. KHQLTH sẽ xác định tầm nhìn chiến lược cho KBTB, xác định mục tiêu tổng thể và các mục tiêu cụ thể cho KBTB phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của khu vực trong từng giai đoạn. Trên cơ sở đó, đề ra các nội dung, giải pháp, xác định lộ trình, bước đi thích hợp và những nhu cầu, điều kiện cần thiết để đạt được các mục tiêu đó. KHQLTH sẽ là công cụ hữu hiệu để giải quyết hài hoà mối quan hệ lợi ích giữa các ngành kinh tế trong việc khai thác, sử dụng hợp lý các giá trị của KBTB. Và với ý nghĩa đó, nó sẽ dần dần làm giảm thiểu, dẫn đến triệt tiêu những xung đột, những mâu thuẩn nội tại phát sinh giữa 2 quá trình cơ bản là bảo tồn và phát triển.
Xuất phát từ tầm quan trọng đó, với sáng kiến đề xuất của Ban quản lý KBTB Cù Lao Chàm và sự hỗ trợ của Hợp phần sinh kế bền vững bên trong và xung quanh các KBTB (LMPA), ngày 23/10/2007, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cuộc họp nhằm thống nhất chủ trương, tiến trình xây dựng kế hoạch; thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh và Tổ chuyên môn giúp việc Ban Chỉ đạo, đồng thời huy động sự tham gia của các ngành, địa phương và cộng đồng vào quá trình xây dựng và thực hiện KHQLTH cho KBTB Cù Lao Chàm.
Ngay sau cuộc họp đó, dưới sự hỗ trợ của LMPA và các chuyên gia đến từ Cơ quan Khí tượng Hải dương Hoa kỳ (NOAA), một Hội thảo về kỹ năng xây dựng KHQLTH được tổ chức tại Hội An từ ngày 30/10/2007 đến ngày 07/11/2007 với sự tham gia của các cán bộ nòng cốt đến từ các sở, ngành, địa phương liên quan và cộng đồng dân cư Cù Lao Chàm. Các Cán bộ này sẽ là những thành viên chính tham gia vào Tổ chuyên môn giúp việc, trực tiếp thao tác kỹ thuật trong quá trình xây dựng KHQLTH. Kết quả mong đợi từ Hội thảo sẽ là một khung kế hoạch được phác thảo và một kế hoạch làm việc cụ thể của Tổ chuyên môn dưới sự hỗ trợ của một Ban Tư vấn được thiết lập, phục vụ cho tiến trình xây dựng và chuẩn y KHQLTH KBTB Cù Lao Chàm từ tháng 11/2007 đến tháng 12/2008.
Phạm Viết Tích – GĐ BQL KBTB CLC (Nguồn www.ficen.org.vn)