Cần ngăn ngừa vịnh Nha Trang rơi vào "vùng tai họa sinh thái" của thế kỷ XXI. Một chuyên gia Nga, sau khi nghiên cứu về hệ sinh thái vịnh này, đã cảnh báo như vậy.
Để sử dụng có hiệu quả bền vững các nguồn lợi thiên nhiên từ các hệ sinh thái ven biển, cần hiểu biết về chúng. Thế nhưng cho đến nay, việc nghiên cứu vùng ven biển Việt Nam vẫn còn chưa đầy đủ. Rất cần những nghiên cứu đầy đủ và có hệ thống, và dười đây chỉ là một nghiên cứu về đa dạng sinh học của hệ sinh thái Vịnh Nha Trang, do Phòng Thí nghiệm Thủy sinh - chi nhánh ven biển của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga thực hiện, dẫn tới sự cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm:
Quần xã phiêu sinh vật
Phiêu sinh thực vật: Vịnh Nha Trang có trên 300 loài rong tảo. Trong đó, có 48% là loài nhiệt đới, 28% là loài phân bố ở khắp nơi trên thế giới. Nhóm phổ biến nhất là khuê tảo có 159 loài, và tảo vỏ cuống bào tử có 121 loài. Có đến hơn một nửa loại tảo là loài phiêu sinh thực vật (có kích thước tế bào nhỏ). Mật độ nền quanh năm của tảo là 100.000 tế bào/lít. Các tầng nước phía dưới (10-15m) có quá trình sinh sản thuận lợi hơn các tầng nước bề mặt.
Cỏ biển chụp ở... nơi khác, vì sau năm 1982, vịnh Nha Trang đã không còn hệ sinh thái này! |
Phiêu sinh động vật: Vịnh Nha Trang có 100 loài và nhóm loài phiêu sinh động vật. Loại chủ yếu trong số này là tôm ăn thực vật, vào những mùa riêng biệt lại có sự tăng đột ngột về ấu trùng giun nhiều tơ, bọ chân chèo, hải tiêu có cuống. Càng xa bờ, càng có sự xuất hiện các phiêu sinh động vật dạng nước sâu. Phần lớn phiêu sinh động vật ở độ sâu trên 5m, lượng phiêu sinh động vật trung bình đạt khoảng 2mg/m3.
Quần xã động vật tự bơi
Ở vịnh Nha Trang, đã ghi nhận trên 240 loài cá. Trong các mẻ lưới, thường gặp nhất và có số lượng nhiều hơn cả là đại diện các họ: Engraulidae, Carangidae, Scombridae. Trứng cá, cá bột của Vịnh Nha Trang có hơn 60 dãy phát triển cá thể có quan hệ với 30 họ. Có thể giả thiết rằng trong Vịnh không có nơi đẻ trứng cho đa số những loài cá kích thước lớn và có giá trị về kinh tế. Những loài cá chất lượng thường có nơi cư trú là vùng nước nông ven bờ (dưới 50m) và ở rạn san hô.
Quần xã sinh vật đáy
Xem xét phản ứng của hải quỳ (trong ảnh), có thể đánh giá mức độ ô nhiễm lên san hô. |
Nghiên cứu quần xã sinh vật đáy đã cho thấy đáy vịnh có rất nhiều bùn. Ở các quần xã đáy biển, thực tế sau năm 1982 đã không còn cỏ biển. Những san hô tạo rạn ở những vùng không bùn chủ yếu là những tập đoàn trẻ. Trầm tích ở đáy tầng 0-10cm đã kìm hãm hoạt động quang hợp của các thủy sinh vật. Những phân tích trầm tích đáy và vải lọc các thủy sinh vật đáy (ở những điểm khác nhau trong vịnh Nha Trang) cho thấy hàm lượng dioxin đã chiếm đáng kể trong mẫu.
Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu, nhóm đề tài cũng phát hiện ra rằng: Loài chỉ thị tốt nhất đối với vịnh nước nông Nha Trang là cá rạn san hô. Loài cá này có ở khắp vịnh và sống định cư trong suốt quá trình phát triển cá thể (13-15 năm). Cuộc sống của hải quỳ - chủ thể của cá rạn san hô có thể sống đến hàng chục năm. Các dãy kích thước - độ tuổi của cá rạn san hô cho phép nhận định được các dạng tác động của con người lên các giai đoạn phát triển khác nhau của cá trong một giai đoạn cụ thể. Xem xét phản ứng của hải quỳ, có thể đánh giá mức độ ô nhiễm lên san hô.
Sẽ là một "vùng tai họa sinh thái"?
Trong ảnh: Hải quỳ và cá san hô. Loài chỉ thị tốt nhất đối với vịnh nước nông Nha Trang là cá rạn san hô. |
Vịnh Nha Trang là một trong những nơi có hệ sinh thái điển hình của vùng ven biển Việt Nam. Phần nước nông ven biển được bao bọc bởi rất nhiều mũi và đảo, với những chất nền cát đá cuội và những quần hợp san hô nhỏ. Từ đất liền, có một số con sông đổ ra biển, trong đó lớn nhất là sông Cái. Bãi cát chiếm phần lớn ven bờ vịnh có giá trị về mặt du lịch.
Trong những năm gần đây, hệ sinh thái này phải chịu những tác động rất lớn do con người gây ra. Tác động trước hết là do hoạt động công nghiệp, do sự vất bỏ các chất thải và quá trình đô thị hóa ngày càng tăng. Những dòng chảy từ đất liền ra biển, trước hết là những dòng sông đã mang đến cho vùng ven biển không chỉ những phần tử sống mà còn rất nhiều chất ô nhiễm khác nhau (hóa chất dùng trong nông nghiệp, chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt,...).
Chuyên gia Nga V. K. Nhezdôli, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết: Tác động của con người lên hệ sinh thái đã cho thấy những dấu hiệu rõ ràng của suy thoái sinh thái học, đặc biệt là ở quần xã sinh vật đáy. Điều này đã lý giải sự suy giảm nguồn lợi đánh bắt và du lịch ở vịnh Nha Trang.
"Để ngăn ngừa vịnh Nha Trang rơi vào "vùng tai họa sinh thái" của thế kỷ XXI, nhất thiết phải có một chương trình tổng hợp thống nhất với sự phối hợp liên kết của các nhà chuyên môn để giữ được giá trị sinh thái - xã hội của một trong những vùng biển đẹp nhất của Việt Nam." - ông Nhezdôli đề nghị.
Thế còn nhận thức và vai trò của chính quyền tỉnh Khánh Hoà, thành phố Nha Trang và của người dân Nha Trang, của khách du lịch đến Nha Trang,...? Bởi vịnh Nha Trang không chỉ là của... Nha Trang hay Khánh Hoà mà cũng là tài sản quốc gia, và của cả các thế hệ mai sau nữa.
Làm sao biến hiểu biết khoa học về hiểm hoạ đối với đa dạng sinh học có giá trị của vịnh Nha Trang thành các chủ trương, quy định pháp lý để kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm, khai thác cạn kiệt và huỷ hoại môi trường biển... và nâng cao nhận thức, tình cảm để biến thành hành động bảo vệ biển chính là vấn đề mà nhóm nghiên cứu không đề cập trực tiếp, đầy đủ.
Ai sẽ tiếp tay cho họ?
Thu Thảo, (VNN, 6/6/2004),