Việt Nam có dải bờ biển dài khoảng 3.260km và vùng biển đặc quyền kinh tế rộng gấp nhiều lần diện tích đất liền, khiến Việt Nam trở thành một Quốc gia ven biển lớn ở Đông Nam á. Việt Nam đang đứng trước một loạt vấn đề về môi trường và tài nguyên trong phạm vi biển và đới bờ của mình, trong đó có vấn đề ô nhiễm do công nghiệp, mất tính đa dạng sinh học, đánh bắt cá quá mức và phá hoại vùng đầm lầy ngập nước ven biển.

Diện tích đất liền của Việt Nam rộng gần 330.363 km2. Việt Nam là nước có 3/4 là núi đồi, và có một dải bờ biển miền trung hẹp và hai vùng đồng bằng rộng lớn: Đồng bằng sông Hồng ở miền Bắc (diện tích gần 59.000 km2) và đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam (diện tích gần 17.000 km2). Việt Nam có bờ biển dài và có một vùng Đặc quyền kinh tế trải khắp biển Đông, Vịnh Bắc bộ và Vịnh Thái Lan.

Bờ biển Việt Nam chịu ảnh hưởng của hai vùng đồng bằng trên. Hai vùng đồng bằng này có dân cư rất đông đúc và chúng được sử dụng chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp. Phần bờ biển còn lại có thể được mô tả đặc điểm là một dải dài, hẹp, đông dân, với các cao nguyên có dân cư thưa thớt ở phía tây. Gần 50% các tỉnh và thành phố Việt Nam nằm dọc bờ biển. 20% dân số Việt Nam sống ở đới bờ.

Có khoảng 3.000 hòn đảo nằm ở biển và đới bờ Việt Nam, với tổng diện tích gần 1.600km2. Các đảo này phân bố không đều. Gần 2.500 đảo nằm ở cùng vùng Quảng Ninh - Hải Phòng, trong đó có các đảo tương đối lớn như Cái Bầu (194 km2), Cát Bà (150 km2) và Trà Bản (74 km2). Miền trung Việt Nam (Quảng Nam, Đà Nãng) là nơi có cả các đảo gần bờ và các đảo ở ngoài khơi, và phía tây nam Việt Nam (Kiên Giang và Cà Mau) có rất nhiều đảo, trong đó có đảo lớn nhất Việt Nam là đảo Phú Quốc. nhìn chung các đảo đều có đặc điểm là nhiều đồi núi, mặc dù trong hầu hết các trường hợp, độ cao lớn nhất là dưới 350 m. Phần lớn các đảo của Việt Nam đều biệt lập và có các loài đặc hữu nhậy cảm, rất dễ bị tuyệt chủng.

Do sức ép dân số, sức ép kinh tế và khả năng quản lý tài nguyên kém hiệu quả, dẫn tới các hậu quả về ô nhiễm môi trường biển và đới bờ của nước ta như sau:

1- Cạn kiệt các nguồn tôm giống và các đàn cá gần bờ

2- Mất tính đa dạng sinh học do ô nhiễm biển và phá huỷ môi trường sống/nơi cư trú, như rừng ngập mặn v.v.

3- Phá huỷ san hô thông qua việc sử dụng thuốc nổ và lấy san hô:

4- Axít hoá đất do phát quang rừng (trên các vùng đất phèn), phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản;

5- Ô nhiễm biển do dầu bởi vận tải biển, các hoạt động khai thác dầu ngoài khơi và sự cố tràn dầu;

6- Ô nhiễm do nước thải từ cống rãnh, sử dụng hoá chất nông nghiệp và ngành công nghiệp không được xử lý;

Thêm vào đó, các thiên tai như bão, lũ và xâm nhập mặn có tác động lớn tới môi trường biển và đới bờ. Các hoạt động của thiên tai có thể trầm trọng thêm bởi những hoạt động của con người.

Đa dạng sinh học biển và đới bờ

Việt Nam có nguồn tài nguyên về đa dạng sinh học rất giàu có. Về thực vật, ước tính có hơn 12000 loài, trong đó có khoảng 7000 loài cây thực vật lớn (macrophytes) và 1.400 loài nấm. Về động vật có 273 loài động vật có vú, 638 loài chim (1009 loài nếu tính cả loài phụ), 349 loài động vật lưỡng cư và bò sát, hơn 500 loài cá nước ngọt, hơn 2000 loài cá biển, hàng nghìn loài động vật không xương sống hiện đã được xác định. Đặc biệt có 3 loài thú lớn, quý hiếm mới được phát hiện gần đây ở Việt Nam. Mặc dù mới chỉ phát hiện một loài thú có vú lớn trong thế kỷ 20, nhưng phát hiện mới này báo hiệu có sự tồn tại một nguồn đa dạng sinh học tiềm tàng có một không hai ở Việt Nam.

Khu vực biển và bờ biển Việt Nam rất giàu động vật và thực vật, bao gồm hơn 2.000 loài cá biển, 300 loài san hô cứng, và hàng ngàn loài thực vật.

Các nhà khoa học Việt Nam đã đưa ra 1 hệ sinh thái chính ở biển và đới bờ. Phần lớn các hệ sinh thái này không tách biệt với nhau, chẳng hạn có thể tìm thấy các chế độ nuôi trồng thuỷ sản trong phạm vi các chế độ rừng ngập mặn.

Có một loạt các mối đe doạ đã và đang xuất hiện đối với đa dạng sinh học ở biển và đới bờ của Việt Nam, như: Phá huỷ rừng ngập mặn để nuôi trồng thuỷ sản; Khai thác và phá huỷ các rạn san hô để lấy san hô làm đồ lưu niệm bán cho khách du lịch; đánh bắt tự nhiên quá mức; quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá. Các nhà khoa học của Đại học tổng hợp Hà Nội, Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, Bộ lâm nghiệp đã thiết lập một danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng của Việt Nam, bao gồm 83 loài chim, 78 loài động vật có vú và 42 loài bò sát. Một danh sách gồm 49 loài động vật có vú và 10 loài chim cấm săn bắn cũng đã được xây dựng. Viện Tài nguyên Thế giới ước tính có 28 loài động vật có vú, 34 loài chim và 388 loài thực vật hiện đang bị đe doạ ở việt nam.

Lợi ích kinh tế thu được từ các nguồn tài nguyên sinh học không thể tính được, tuy nhiên, các tác giả của Kế hoạch Hành động Quốc gia về Đa dạng sinh học ước tính rằng các lợi ích kinh tế thu được từ các tài nguyên của Việt Nam sẽ khoảng 1 tỷ đôla/năm. Họ cũng ước tính rằng chức năng dịch vụ sinh thái của môi trường tự nhiên (bảo vệ đất nguyên sinh và điều tiết nước) có giá trị khoảng 1 tỷ đôla/năm. Các chi phí cho môi trường nhân tạo có chức năng tương tự của vùng sinh thái tự nhiên cao về đa dạng sinh học, sẽ lớn hơn rất nhiều so với các con tính này. Các nghiên cứu khác ước tính những chi phí thêm cho việc xây dựng đê biển để bảo vệ bờ thay thế cho rừng ngập mặn của đất nước sẽ mất khoảng 10 tỷ đôla.

Những vấn đề ô nhiễm môi trường ảnh hưởng xấu đến đa dạng sinh học biển

1- Tràn dầu trên biển

Khoảng 200 triệu tấn dầu được vận chuyển hàng năm qua các vùng biển ngoài khơi Việt Nam từ Trung Đông tới Nhật Bản và Triều Tiên. Các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi Việt Nam đang tăng lên hàng năm.

Biển Đông đã trở thành một trong các địa điểm thăm dò và khai thác dầu khí nhộn nhịp nhất. Các vùng có các hoạt động dầu khí là vùng biển Việt Nam, vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan và Quần đảo Trường Sa. Các hoạt động thông thường kèm theo việc khai thác và vận chuyển dầu gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng do dầu. Ví dụ các tầu trở dầu làm thoát ra biển tới 0,7% tải trọng của chúng trong quá trình vận chuyển thông thường. Sóng biển và gió đều có chiều hướng đưa lượng dầu thoát ra tấp vào bờ biển Việt Nam.

Các vụ rò rỉ và tràn dầu đã được cục môi trường thống kê bằng tài liệu kể từ năm 1989. Vụ nghiêm trọng nhất cho tới nay xảy ra hồi tháng 10 năm 1994. Tàu chở dầu của Singapore đã đâm vào cầu tầu ở cảng Cát Lái trên sông Sài Gòn gần thành phố Hồ Chí Minh làm tràn ra hơn 1.700 tấn dầu gasoil. Vùng bị ảnh hưởng bao gồm khu cảng và hơn 30.000 ha ruộng lúa, trại cá và trại vịt. Hơn 1000 đơn khiếu nại được nông dân địa phương đệ trình. Kết quả là tàu chở dầu này bị giữ lại cảng. Cuối cùng, phía chủ tàu đã phải bồi thường thiệt hại về môi trường là 4,2 triệu USD, chưa kể đến sự giúp đỡ của Singapora cho Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về đào tạo cán bộ về môi trường.

Các vụ tràn dầu xẩy ra vì nhiều nguyên nhân, trong đó có gia tăng mật độ đi lại, thiếu sự kiểm soát giao thông và các biện pháp an toàn không phù hợp trên một số tầu chở dầu. Các vụ tràn dầu cũng có thể xảy ra do việc vệ sinh tầu chở dầu bằng nước biển. Thêm vào đó, còn có lượng dầu tràn nhất định xẩy ra trong quá trình khai thác và chế biến dầu tại các dàn khoan và cơ sở ven biển.

Phần lớn các thiệt hại không được bồi thường vì chính quyền địa phương không có chuyên môn trong việc đánh giá mức độ thiệt hại, thiếu kinh nghiệm trong việc đòi bồi thường một cách hiệu quả theo luật quốc tế.

Bộ Khoa học, Công nghệ và môi trường đã kiến nghị từng bước thiết lập và củng cố hệ thống luật lệ về bảo vệ môi trường; thiết lập các tiêu chuẩn môi trường; tiến hành đánh giá các tác động môi trường đối với các dự án biển; phát triển văn bản pháp chế liên quan đến ứng phó sự cố tràn dầu và xây dựng tiềm lực để quản lý tài nguyên, ứng phó trong trường hợp khẩn cấp và xử lý chất thải.

Theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đang xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu Quốc gia. Các giải pháp có thể có gồm các quy định nghiêm khắc hơn đối với việc thải dầu và cải thiện việc quản lý giao thông tại các cảng.

2- Kim loại nặng trong nước

Công cuộc công nghiệp hoá được gắn với tình trạng ô nhiễm gia tăng. Ô nhiễm do kim loại nặng thải ra từ các ngành công nghiệp là một mối đe doạ nghiêm trọng đối với sức khoẻ nhân dân và sự an toàn của hệ sinh thái.

Việt Nam là nước có nền kinh tế nông nghiệp nhưng hoạt động công nghiệp đem lại 20% GDP. Nhịp độ phát triển công nghiệp nhanh, đạt trên 10%. Sự phát triển trong hoạt động công nghiệp đang vượt sự phát triển của cơ sở hạ tầng.

Hiện nay, các ngành công nghiệp đều đổ trực tiếp chất thải chưa được xử lý vào môi trường. Kim loại nặng và độc tố là các thành phần đặc trưng của các chất thải công nghiệp.

Theo kết quả quan trắc và phân tích môi trường, hàm lượng Đồng, Chì, Cátmi và Côban ở các vùng nước ven biển gần các thị trấn và trung tâm công nghiệp lớn nhiều hơn so với mức tự nhiên của chúng trong nước biển. Đặc biệt, Đồng và Kẽm được coi là hàm lượng cao không thể chấp nhận được, và Thuỷ Ngân, mặc dù chưa đạt tới "mức ô nhiễm", nhưng đã đạt tới mức cho phép.

Việt Nam đặt mục tiêu tăng gấp đôi GNP vào năm 2000 và quá trình công nghiệp hoá có tầm quan trọng lớn đối với sự phát triển kinh tế. Quá trình công nghiệp hoá dự kiến sẽ được tập trung ở các vùng thành thị, trong đó có các trung tâm đô thị ven biển lớn của Việt Nam. Các ngành công nghiệp của Việt Nam đều đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển và hiện không có đủ các phương tiện cần thiết để giảm và loại trừ các tác động môi trường do các hoạt động của mình gây ra. Đây là một nguy cơ gây ô nhiễm tiềm tàng, đe doạ hệ sinh thái vùng ven bờ và biển.

3- Đổ chất thải xuống sông

Sông là nguồn vận chuyển chủ yếu các chất gây ô nhiễm đổ vào biển và đới bờ. Chất thải không được xử lý đang được đổ xuống sông của Việt Nam. Kim loại và nhiều loại thuốc trừ sâu (như DDT) tích luỹ sinh học trong cá và các động vật khác. Tình trạng này có hại sức khoẻ của các động vật này và có thể gây tử vong. Con người khi sử dụng chúng làm thức ăn sẽ chịu ảnh hưởng của sự tích luỹ sinh học này và có nguy cơ gặp rủi ro nguy hại đến sức khoẻ.

Hàm lượng dầu cao ở các cửa sông có thể gây thiệt hại nặng nề các nguồn tài nguyên biển và cửa sông như cá, tôm, cua, v.v. ...

Nước cống rãnh không được xử lý và các chất gây ô nhiễm từ công nghiệp và nông nghiệp đang đổ vào các sông của Việt Nam. Các con sông này đổ ra biển, làm ô nhiễm môi trường biển và đới bờ.

4- Nước thải đô thị

Công cuộc đô thị hoá nhanh chóng, cơ sở hạ tầng quản lý nước thải yếu kém và tình trạng xả nước thải chưa được xử lý trực tiếp xuống sông và biển đang làm suy thoái chất lượng nước ở các cửa sông, đặc biệt ở vùng ven biển Đồ Sơn (Hải Phòng), Đà Nãng, Vũng Tàu.

Phần lớn nước thải đô thị được thải xuống rãnh hoặc cống lộ thiên, từ đó chảy vào các kênh rồi ra hồ ao, sông hoặc biển. Các bể phốt có chất lượng kém và thường không được tu sửa, dẫn tới việc nước thải chưa được xử lý thải ra môi trường trong các đợt mưa bão. Hệ thống thoát nước khi có bão nói chung không đủ và không phù hợp, gây nước tràn trong các cơn bão, nước cống và rác rưởi lan rộng và đe doạ sức khoẻ của nhân dân. ở những nơi bị ảnh hưởng của thuỷ triều, nước có thể chảy trở lại, giao động hai lần trong một ngày.

Vấn đề xử lý nước thải chưa là một ưu tiên so với vấn đề cung cấp nước sạch cho dân cư ở đô thị. Vì vậy, cho tới nay, các cố gắng đều tập trung vào việc cung cấp nước, chứ không phải xử lý nước thải.

Tình trạng ô nhiễm biển (trong nước biển và trầm tích đáy) đang gia tăng, là những yếu tố ảnh hưởng xấu trực tiếp đến đa dạng sinh học biển.

Kết luận và kiến nghị

Đứng trước tình trạng và môi trường biển tiếp tục bị suy thoái do sức ép của nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có ô nhiễm, dẫn tới suy giảm đa dạng sinh học, xin trao đổi một số gợi ý như sau:

· Tăng cường việc thực hiện luật bảo vệ môi trường hiện nay; cần lưu ý tới việc thực thi luật đối với dải ven biển ở cấp tỉnh và huyện;

· Xây dựng các văn bản dưới luật liên quan tới môi trường biển và vùng ven bờ nhằm cụ thể hoá Luật Bảo vệ Môi trường cho khu vực này.

· Thiết lập/khoanh vùng các khu bảo tồn thiên nhiên biển nhằm bảo tồn chức năng của các hệ sinh thái biển trong bối cảnh cân bằng giữa phát triển (khai thác) và bảo tồn.

· Tiến hành kiểm soát trên phạm vi toàn vùng biển hiện tượng thải dầu cặn và có kế hoạch và biện pháp ứng phó sự cố tràn dầu; xử lý, phòng ngừa ô nhiễm dầu có nguồn gốc đất liền.

· Quản lý tổng hợp vùng bờ biển là cách tiếp cận để ứng dụng cho toàn dải ven bờ Việt Nam.

· Đánh giá tác động môi trường của các dự án xây dựng ở ven biển và biển (cảng, khu công nghiệp, khai thác biển...)

· Thu phí môi trường và tài nguyên đối với những cơ quan, tổ chức và cá nhân khai thác và sử dụng tài nguyên biển - ven biển dùng cho hoạt động bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên biển.

· Kiểm soát ô nhiễm biển cần được tiến hành trong mối quan hệ với quản lý toàn bộ lưu vực, trên toàn bộ đất liền.

· Đào tạo, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng và của cấp chính quyền địa phương (huyện, xã/phường).

· Tăng cường tiềm lực cho các đơn vị/nhóm các nhà khoa học về môi trường biển, đưa lực lượng này tham gia vào hoạt động nghiên cứu làm cơ sở cho công tác quản lý môi trường của các nhà quản lý, hoạch định chính sách.

· Tận dụng có hiệu quả sự giúp đỡ/trợ giúp/hợp tác quốc tế tại Việt Nam cũng như nước ngoài.

· Tham gia và thực hiện các công ước quốc tế liên quan và thực hiện tốt chúng tại Việt Nam.

Hứa Chiến Thắng - Cục Môi trường (Theo www.va21.org)