Mô hình kết hợp nuôi trồng rong câu trong ao xử lý nước thải từ ao hồ nuôi tôm sú công nghiệp có hiệu quả khá tốt trong việc giảm tải nguồn vật lơ lửng, muối dinh dưỡng vô cơ và dinh dưỡng hữu cơ, đồng thời làm giảm đáng kể sự phát triển của tảo trong nước.
Cách bố trí hệ thống:
Hệ thống nuôi tuần hoàn gồm 3 ao riêng biệt: Ao tôm sú thương phẩm (Penaeus monodon), chiếm 62% tổng diện tích, mật độ 25 -30 post larvae/m2; ao rong câu, diện tích chiếm 17% tổng diện tích, mật độ ban đầu 1 kg tươi/m2 và ao chứa, diện tích chiếm 21% tổng diện tích. Nước bắt đầu được tuần hoàn giữa hai ao rong và tôm vào tháng thứ hai của vụ nuôi.
Nước từ ao tôm được tháo chảy qua ao chứa khoảng 1/7 - 1/6 thể tích nước trong ao tôm, sau đó bơm qua ao rong câu. Nước được giữ ở ao rong câu 3 ngày rồi được bơm tiếp trở lại ao tôm, còn lần kế tiếp thì phải bơm nước từ ao rong qua ao tôm trước khi bơm nước từ ao chứa sang ao rong câu. Quá trình xử lý nước tiếp tục như vậy, mỗi tháng xử lý được 100 -120% thể tích nước trong ao tôm. Ao chứa chỉ có chức năng chứa và xử lý nước sơ bộ bằng trầm tích. Lượng nước bay hơi và thẩm thấu được bổ sung bằng nguồn nước bên ngoài, tốt nhất bằng nguồn nước ngọt để duy trì được độ mặn theo yêu cầu của tôm theo từng lứa tuổi.
So sánh đường đi của nước trong hai hệ thống nuôi tôm sú, truyền thống và mới (mũi tên chỉ đường đi của nước)
Đánh giá hiệu quả môi trường, kinh tế của mô hình xử lý
Mô hình kết hợp nuôi trồng rong câu trong ao xử lý nước thải từ ao hồ nuôi tôm sú công nghiệp có hiệu quả khá tốt trong việc giảm tải nguồn vật lơ lửng, muối dinh dưỡng vô cơ và dinh dưỡng hữu cơ, đồng thời kéo theo sự giảm đáng kể sự phát triển của tảo trong nước. Hàm lượng các muối dinh dưỡng trong ao tôm thí nghiệm, nhất là ammoni trung bình cả vụ (488,6 ± 243,2 mg N-NH4+.1-1) giảm 21,4% so với ao tôm đối chứng (609,8 ± 302,5 ¼ g N-NH4+.1-1) và nhỏ hơn kết quả nghiên cứu của Vũ Dũng & CS (2001) trong mô hình nuôi tôm sú ít thay nước ở khu vực Hải Phòng (0,6 - 0,8 ± 0,04). Điều đó chứng tỏ ao rong đã góp phần tích cực trong việc cải thiện chất lượng nước hơn ao lắng không rong, duy trì các yếu tố thuận lợi cho tôm phát triển và đồng thời giảm chất thải giàu dinh dưỡng ra môi trường.
Ngoài giá trị xử lý môi trường, rong câu cũng là các đối tượng nuôi trồng có giá trị kinh tế cao ở nước ta và nhiều nước trên thế giới, nên cũng là một nguồn thu nhập phụ của nhà nuôi trồng.
Kết quả tổng hợp hiệu quả của mô hình xử lý nước thải bằng việc nuôi trồng rong cho thấy không những lợi ích về kinh tế mà còn giảm thiểu chất thải đổ trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm các vực nước ven biển, làm tác động xấu đến đa dạng sinh thái.
Mong rằng, mỗi hộ nuôi trồng, hãy cố gắng thực hiện được mô hình này cho các ao tôm. Việc này góp một phần giúp nhà nước khoản đầu tư giải quyết hậu quả môi trường do sự phát triển nuôi trồng thủy sản để lại và thế hệ tương lai khỏi trách cứ chúng ta đã lạm dụng tài nguyên quá mức.
TS. LÊ NHƯ HẬU (Phân viện vật liệu Nha Trang)
Theo KHPT, Việt Linh