1. MỞ ĐẦU

Cho tới nay, tại Việt Nam đã phát hiện và thống kê được tổng số 5 loài trai tai tượng thuộc họ Tridacnidae (trong tổng số 9 loài trên thế giới): Tridacna gigas, Tridacna squamosa, Tridacna maxima, Tridacna croceaHippopus hippopus (TMMP, 2003; Nguyễn Hữu Phụng & Võ Sỹ Tuấn, 1996). Cả 5 loài Trai tai tượng này phân bố chủ yếu ven biển miền Trung và ven các đảo phía Nam (Phú Quốc, Phú Quý, Côn Đảo, Vịnh Nha Trang) từ vùng hạ triều đến độ sâu khoảng 20m, trên các nền đáy đá hoặc các rạn san hô. Một số loài thường gặp có mật độ phân bố khoảng 50 - 200 cá thể/500m2. Chúng cung cấp nguồn thức ăn bổ dưỡng và là nguồn sản phẩm xuất khẩu (dạng tươi sống và vỏ) mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho ngư dân ven biển-đảo (Nguyễn Hữu Phụng, 1995).

Tuy nhiên, do giá trị kinh tế cao nên nguồn lợi trai tai tượng đang bị khai thác quá mức, đồng thời sự quản lý của các cấp chính quyền liên quan còn lỏng lẻo khiến cho nguồn lợi này giảm sút nhanh chóng, có nguy cơ cạn kiệt. Một trong những khu vực điển hình của việc khai thác quá mức khiến nguồn lợi trại tai tượng giảm sút nhanh chóng là vịnh Nha Trang (Khánh Hòa). Chính vì thế, việc điều tra, đánh giá tình hình khai thác, nuôi và xuất khẩu trai tai tượng tại Nha Trang nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung là rất cần thiết nhằm đánh giá sơ bộ trữ lượng, phân bố, hiện trạng khai thác sử dụng, năng lực sinh sản ngoài tự nhiên của các loài trai tai tượng làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất số lượng xuất khẩu cho những năm tiếp theo với mục tiêu bảo đảm việc khai thác và xuất khẩu trai tai tượng được bền vững, không ảnh hưởng tới quần thể ngoài tự nhiên.

2. KẾT QUẢ ĐIỀU TRA

Tại Nha Trang có 2 công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) xuất khẩu trai tai tượng là Công ty TNHH Đông Thành Hưng và công ty TNHH Hải Mã. Đối tượng trai xuất khẩu gồm 3 loài là Tridacna crocea, Tridacna squamosaTridacna maxima.

2.1. Một số đặc điểm hình thái của 3 loài trai tai tượng

Trai tai tượng lớn Tridacna maxima: là loài phân bố phổ biến và rộng nhất so với các loài khác. Chúng phân bố chủ yếu từ vùng hạ triều đến độ sâu khoảng 10m nước. Màng áo có màu sắc rực rỡ (màu xanh da trời, xanh lá cây và màu vàng) và thường có tập tính phân bố ẩn trong các hang hốc nên khó phát hiện (Hình 1).

Hình 1. Trai tai tượng Tridacna maxima (mẫu thu tại cơ sở nuôi công ty Đông Thành Hưng – Nha Trang)

Trai tai tượng vàng nghệ Tridacna crocea: là loài có tập tính đào hang, màng áo có màu sắc rực rỡ như loài T. maxima. Nhưng loài này thường có kích thước nhỏ hơn và vỏ có dạng hình trứng hoặc bầu dục (Hình 2)

Hình 2. Trai tai tượng Tridacna crocea (mẫu thu tại cơ sở nuôi công ty Đông Thành Hưng – Nha Trang)

Trai tai tượng vẩy Tridacna squamosa: Trên bề mặt vỏ có các vẩy lớn tạo thành các rãnh sâu, có dạng hình máng. Màng áo có các vết chấm lốm đốm màu xanh da trời, màu nâu và màu xanh lá cây. Kích thước của loài có thể đạt tới khoảng 40cm chiều dài vỏ (Hình 3).

Hình 3. Trai tai tượng Tridacna squamosa (mẫu thu tại cơ sở nuôi công ty Đông Thành Hưng – Nha Trang)

2.2. Tình hình khai thác và xuất khẩu

Tình hình khai thác: Tại khu vực biển Khánh Hòa, Trai tai tượng chủ yếu khai thác bằng phương pháp lặn bình khí. Nguồn lợi trai tai tượng tại vịnh Nha Trang đã suy giảm rất nhiều nên địa điểm khai thác chủ yếu tại đảo Phú Quý là chính. Sau khi khai thác, ngư dân sẽ bán trực tiếp cho các công ty xuất nhập khẩu. Các công ty này sẽ nuôi giữ tại các lồng bè gần bờ. Các cá thể đạt kích thước cho phép sẽ được xuất khẩu. Các cá thể nhỏ sẽ được ương nuôi đến kích cỡ xuất khẩu.

Giá cả: Tùy theo kích thước và loài trai tai tượng mà giá cả biến đổi theo. Một cá thể Tridana crocea kích thước khoảng 8cm chiều dài vỏ mua từ ngư dân sẽ có giá từ 60.000-80.000 đồng. Các công ty TNHH sẽ xuất khẩu với giá 8-10USD/con. Loài Tridacna maximaT. squamosa sẽ có giá cao hơn do chúng có kích thước to và màu sắc rực rỡ hơn.

Thị trường: Ba loài trai này chủ yếu được xuất khẩu sang Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn là thị trường chiếm ưu thế và tiềm năng. Các loài trai này xuất khẩu với mục đích nuôi cảnh là chính, giá trị thịt và vỏ ít được quan tâm hơn.

Lượng xuất khẩu: Theo các công văn chấp thuận xuất khẩu ba loài trai tai tượng Tridacna crocea, T. maxima và T. squamosa do Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản cấp chỉ ghi số lượng chung cho cả ba loài, thời gian cấm khai thác và chiều dài nhỏ nhất được khai thác và xuất khẩu, không nêu thời hạn của giấy phép, đồng thời không đưa ra căn cứ khoa học để cấp hạn ngạch theo như yêu cầu của Công ước CITES. Ba doanh nghiệp tại Nha Trang được cấp giấy phép trong thời gian gần đây như sau:

Tên doanh nghiệp

Số công văn

Ngày cấp

Số lượng

Cty TNHH Bảo Lập

255/KT&BVNL

4/5/2007

20.000 con

DNTN Đông Thành Hưng

535/KTBVNL

25/3/2008

80.000 con

Cty TNHH Quốc tế Hải Mã

505/KT&BVNL-NL

17/8/2007

30.000 con

Tổng số

 

 

130.000 con

2.3. Tình hình nuôi

Tại Nha Trang, trai tai tượng chỉ được khai thác ngoài tự nhiên, nuôi giữ để xuất khẩu, còn chưa sản xuất được con giống. Trai tai tượng được nuôi theo 2 hình thức chính là nuôi lồng bè và nuôi trong bể xi măng. Tuy nhiên, cả 2 hình thức nuôi này chủ yếu mang tính chất lưu giữ để chuẩn bị mẫu cho xuất khẩu chứ không có quy mô công nghiệp.

Hình thức nuôi lồng bè: Trai tai tượng được xếp vào các khay nhựa rồi đặt xuống đáy lồng hoặc treo trong các lồng có lưới bảo vệ để tránh mất mẫu trai tai tượng. Lồng bè phải đặt ở nơi có độ mặn cao, nước trong sạch và ít sóng gió lớn (Hình 4).

Hình 4. Lồng bè và khay nhựa nuôi giữ trai tai tượng tại cơ sở nuôi của công ty TNHH Đông Thành Hưng – Nha Trang

Hình thức nuôi trong bể ximăng: Hình thức nuôi này chủ yếu để lưu giữ giống từ 1-3ngày trước khi xuất khẩu. Các bể xi măng thường được đặt trong nhà được cung cấp đầy đủ ánh sáng và nguồn nước biển lọc sạch. Trong hình thức nuôi này, có sử dụng một lượng nhỏ tảo để làm thức ăn. Tuy nhiên, tần suất cho ăn là thưa, 5-10 ngày mới cung cấp tảo 1 lần. Trai tai tượng được thả xuống các nền đáy cát sỏi có nguồn nước biển chảy nhẹ hoặc thả trên các giá sắt cố định trong bể (Hình 5).

Hình 5. Nuôi trai tai tượng trong các bể ximăng tại cơ sở nuôi của công ty TNHH Hải Mã – Nha Trang

3. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ PHÁP LÝ

Theo Công ước CITES, tất cả các loài trai tai tượng đều thuộc Phụ lục II của Công ước CITES (được phép khai thác, xuất khẩu có điều kiện). Theo quy định của Việt Nam (Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 4/5/2005; Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20/3/2006 và Thông tư số 62/2008/TT-BNN ngày 20/5/2008) trai tai tượng được phép khai thác các cá thể có chiều dài vỏ nhỏ nhất 140 mm đối với T. crocea; 340 mm đối với T. maxima và 350 mm đối với T. squamosa; thời gian cấm khai thác từ 1/4 đến 31/7 hàng năm. Tuy nhiên, hiện nay do tình hình khai thác quá mức, các biện pháp quản lý chưa chặt chẽ đã khiến nguồn lợi trai tai tượng giảm sút nhanh chóng và kích thước cá thể đánh bắt nhỏ dần.

Từ ngày 14 - 18/7/2008 Ủy ban thường trực Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES) đã tổ chức họp lần thứ 57 tại Geneva - Thụy Sỹ, trong đó thảo luận về việc tạm thời cấm xuất khẩu các loài trai tai tượng (Tridacna spp.) từ Việt Nam và một số quốc gia khác do chưa đáp ứng được các khuyến nghị của Ủy ban Động vật CITES.

4. NHẬN XÉT CHUNG

Như vậy có thể nhận thấy, trai tai tượng là một trong những nguồn lợi hải sản có giá trị kinh tế cao tại Nha Trang và là nguồn thu nhập chính của một số hộ ngư dân ven biển. Tuy nhiên, hiện nay do việc quản lý lỏng lẻo cộng với việc khai thác triệt để, trong khi đó khả năng tái tạo quần đàn của trai tai tượng là rất chậm và việc sinh sản nhân tạo con giống tại Việt Nam còn chưa thực hiện được đã khiến cho nguồn lợi trai tai tượng giảm sút nhanh chóng.

+ Các quy trình kiểm tra sản phẩm, tiêu chuẩn xuất khẩu cũng như hạn ngạch xuất khẩu trai tai tượng áp dụng cho các công ty TNHH tại Nha Trang nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung còn nhiều hạn chế và thiếu sót, chưa đáp ứng được yêu cẩu của tổ chức CITES quốc tế. Chính vì thế, việc nghiên cứu, thiết lập lại các hạn ngạch xuất khẩu cũng như quy trình kiểm tra sản phẩm trai tai tượng xuất khẩu là rất cần thiết trong hoàn cảnh hiện tại.

5. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

+ Để đưa ra Hạn ngạch xuất khẩu trai tai tượng cần phải tiến hành các chuyến điều tra chuyên sâu hơn trên phạm vi cả nước về trữ lượng, sản lượng khai thác tối đa cho phép, tình hình khai thác, khả năng sinh sản, tái tạo quần đàn của nguồn lợi trai tai tượng.

+ Để bảo vệ, khai thác, phát triển bền vững nguồn lợi trai tai tượng cũng như đáp ứng các yêu cầu của Ban Thư ký CITES cần phải có sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa các công ty TNHH xuất khẩu trai tai tượng, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản, các Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản địa phương, Cơ quan CITES Việt Nam và Viện Nghiên cứu Hải sản Hải Phòng.

+ Cần phải nhanh chóng đưa ra các quy trình kiểm tra chất lượng trai tai tượng, khả năng tái sinh sản của quần đàn trai tai tượng cũng như giấy phép xuất khẩu để cho các Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản địa phương dễ dàng thực hiện trong quá trình kiểm tra tại các công ty xuất khẩu trai tai tượng.

+ Ngoài ra cần nhanh chóng đưa ra quy định về sử dụng và quản lý nguồn lợi trai tai tượng có hiệu lực pháp lý như cấm khai thác các cá thể có kích thước nhỏ, cấm khai thác vào mùa vụ sinh sản nhằm phát triển bền vững nguồn lợi trai tai tượng tại Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. TMMP, 2003. Động vật thân mềm biển Việt Nam. Trong chương trình động vật thân mềm nhiệt đới (TMMP) của tổ chức DANIDA, 186-187.

2. Nguyễn Hữu Phụng, 1995. Điều tra nguồn lợi đặc sản vùng biển ven bờ và ven đảo Việt Nam. Báo cáo tổng kết đề tài KT.03.08, Viện Hải Dương Học Nha Trang, tr. 34-42.

3. Nguyễn Hữu Phụng và Võ Sỹ Tuấn, 1996. Nguồn lợi thân mềm hai mảnh vỏ (Bivalvia) chủ yếu ở biển Việt NaM. Tuyển tập nghiên cứu biển, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, tập VII, tr. 9-16.

Hoàng Đình Chiều
Phòng Nghiên cứu Bảo Tồn Biển - Viện Nghiên cứu Hải sản