Các nhà khoa học tại Viện Hải dương học Scripps, San Diego, Mỹ vừa khám phá một loài trùng biến hình khổng lồ ở khu vực sâu nhất của Thái Bình Dương.
Các nhà khoa học đã sử dụng một máy quay để quan sát loài trùng biến hình (Ampi) hay còn được gọi là xenophyophores ở độ sâu 10,6km tại rãnh Mariana, thuộc vùng bờ biển Philippines - nơi được xem là sâu nhất từ trước đến nay mà các nhà khoa học đã nghiên cứu. Trước đây kỷ lục khám phá dưới lòng đại dương ở độ sâu khoảng 7km. Loài trùng biến hình xenophyophores có khả năng hấp thụ cao uranium, chì và thủy ngân. Đồng thời nó cũng có tính bền cao với những kim loại nặng. Chúng sống trong những vùng biển sâu, nơi có môi trường bóng tối, nhiệt độ thấp, áp suất cao. Ông Doug Bartlett, thuộc Viện Hải dương học Scripps, cũng là người tổ chức cuộc thám hiểm này, cho biết: “Việc tìm thấy những tế bào khổng lồ trong môi trường biển khắc nghiệt và sâu nhất hành tinh này mở ra tiềm năng nghiên cứu về sự đa dạng sinh học trong lĩnh vực công nghệ sinh học”. Lisa Levin, giám đốc Viện Hải dương học Scripps, cho biết trong môi trường khắc nghiệt đó, các nhà khoa học tin rằng còn nhiều loài sinh vật bí ẩn đang cần được khám phá và nghiên cứu. |
Theo Daily mail, Tuổi Trẻ |