Khu bảo tồn biển Hòn Mun ở vịnh Nha Trang - Khánh Hoà là một trong ba khu bảo tồn thí điểm của thế giới do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUNC) đã đánh giá Hòn Mun là khu bảo tồn biển thành công nhất trong 3 dự án thí điểm cấp quốc tế này.
Hòn Mun là một vùng biển rộng với nhiều đảo nhỏ như Hòn Tre, Hòn Tằm, Hòn Cau, Hòn Mun, v.v...
Tổng diện tích của toàn bộ khu bảo tồn là 160 km2, trong đó 122 km2 là diện tích mặt biển, 38 km2 là tổng diện tích của các hòn đảo.
Hòn Mun với rạn san hô và hệ sinh vật biển đa dạng, phong phú là khu bảo tồn biển đầu tiên và duy nhất của Việt Nam hiện nay, đã được Quỹ Ðộng vật hoang dã thế giới (WWF) đánh giá là khu vực đa dạng sinh học biển bậc nhất ở Việt Nam, đặc biệt rất phong phú về san hô, hiện tại đã phát hiện được khoảng 350 loài. Tuy nhiên, san hô tại đây đang ở trong tình trạng bị đe doạ nghiêm trọng do sự phát triển mạnh mẽ của sao biển gai Acanthaster planci.
I. Thông tin sơ lược về sao biển gai Acanthaster planci
1. Ðịnh loại:
Sao biển gai Acanthaster planci thuộc ngành Echinodermata, bộ Spinulosida, phân bộ Leptognathina, họ Acanthasteridae, giống Acanthaster.
2. Mô tả
Không như các loài sao biển thường có đường kính cơ thể nhỏ, có 5 cánh với những gai nhỏ, không độc, sao biển gai có đường kính cơ thể rất lớn, có thể lên đến 60 cm, có 10-18 cánh, phủ nhiều gai nhọn, dài, cứng và có nọc độc.
3. Phân bố
Sao biển gai phân bố ở Biển Ðỏ, ấn Ðộ Dương và Thái Bình Dương.
4. Ðặc điểm sinh học, sinh sản
Sao biển gai di chuyển chậm, tốc độ di chuyển nhanh nhất chỉ đạt 10,3 m/ngày, có thể đi lùi, quay vòng, cử động một tay độc lập với phần còn lại của cơ thể, có khả năng tái sinh các cánh bị gãy.
Thức ăn ưa thích của sao biển gai là các loài san hô thuộc giống Acropora. Chúng thường ăn một mình về đêm và luôn giữ một khoảng cách nhất định với các con sao biển gai khác. Cách ăn san hô của sao biển gai rất đặc biệt: Chúng đẩy dạ dày ra bao lấy san hô, tiết enzyme và hấp thụ các dịch lỏng của san hô.
Theo nghiên cứu của các nhà sinh vật biển thì mỗi con sao biển gai trong hai năm có thể ăn hết 50 m2 san hô. Một con sao biển trưởng thành trung bình tiêu thụ hết 161 cm2 san hô/ngày vào mùa đông và 357-478 cm2 san hô/ngày vào mùa hè. Ðối với sao biển gai con thì mỗi cá thể ăn trung bình 66 cm2 san hô/ngày vào mùa đông và 155-234 cm2 san hô/ngày vào mùa hè.
Sao biển gai là loài sinh sản nhanh, mỗi năm một con sao biển cái có thể đẻ được từ 50 đến 60 triệu trứng. Sao biển gai sinh sản phân tính, con đực và con cái đồng thời phóng tinh trùng và trứng vào nước. Trứng sẽ được thụ tinh trong môi trường nước, phát triển thành ấu trùng trôi nổi, sau đó thành ấu trùng bám đáy (gọi là bipinnaria). Qua các giai đoạn biến thái brachiolaria và primodium, ấu trùng phát triển thành sao biển gai con có hình dạng giống cơ thể trưởng thành. Mùa sinh sản của sao biển gai kéo dài trong vòng 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6. Thông thường, quá trình bùng nổ số lượng sao biển gai diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn, từ 1 đến 2 năm.
II. Biện pháp tiêu diệt sao biển gai để bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô ở Hòn Mun
Do sao biển gai gây ra những tổn hại to lớn đối với hệ sinh thái rạn san hô nên các nhà khoa học đã tiến hành rất nhiều công trình nghiên cứu nhằm tìm ra các nhân tố gây nên sự bùng nổ số lượng sao biển gai và các biện pháp để tiêu diệt loài sinh vật gây hại này.
Song, từ năm 2002 tới nay, việc loại bỏ sao biển gai khỏi các rạn san hô vẫn chỉ được thực hiện bằng phương pháp thủ công - lặn xuống đáy và trực tiếp thu gom sao biển gai vào chính mùa sinh sản của chúng.
Năm nay, hưởng ứng ngày Ða dạng sinh học thế giới (22/5) và ngày Môi trường thế giới (5/6), trong 4 ngày từ 15 đến 18/5/2006, tại Hòn Mun, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển đã phát động phong trào diệt sao biển gai, vận động tất cả ngư dân ở các đảo và thợ lặn của các Câu lạc bộ lặn, bắt sao biển gai. Kết quả là đã tiêu diệt được gần 50.000 con sao biển.
Theo tiến sĩ Lyndon de Vantier, chuyên gia của Dự án Khu bảo tồn biển Hòn Mun, sự bùng nổ số lượng sao biển gai đã dẫn đến sự tàn phá nặng nề đối với rạn san hô, từ đó kéo theo những tác động bất lợi đối với hệ sinh thái biển. Ông nhận định: Nguyên nhân của sự gia tăng bất thường loài sao biển gai ở Hòn Mun có liên quan đến việc khai thác quá mức những đối tượng địch hại của loài sao biển này và còn liên quan đến sự ô nhiễm của nước biển do các nguồn chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải nông nghiệp, v.v…
Nhiệm vụ trước mắt là phải cấm mọi hành vi xả chất thải ra biển; Khuyến khích cộng đồng dân cư địa phương cùng tham gia quản lý, bảo vệ khu bảo tồn biển; Hằng ngày, cho tàu đi dọn dẹp rác thải; Duy trì và phát triển các loài sinh vật địch hại chuyên ăn trứng của sao biển gai, bao gồm ốc tù và Charonia tritonis, các loài cá sống trong các dải đá ngầm (Arothron hispidus, Balistoides viridescens, Pseudobalistes flavimarginatus), tôm Hymenocera picta và giun Pherecardia striata.
Theo thông tin KHCN & Kinh tế thủy sản, Aquabirdvn