Tiếp theo kế hoạch hợp tác về việc sử dụng tàu MV.SEAFDEC 2 của Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC) trong nghiên cứu nguồn lợi hải sản Việt Nam trong năm 2012, ngày 29-30/8/2012, nhóm cán bộ của Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC) gồm có ông Sutee Rairuchithong, Trưởng đội tàu Nghiên cứu, ông Tossaporn Sukhapindha, Thuyền trưởng tàu MV. SEADEC 2, ông Sayan Promjinda, chuyên gia công nghệ khai thác hải sản thuộc Ban Đào tạo, Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC/TD) đã đến thăm và làm việc với Viện Nghiên cứu Hải sản về kế hoạch sử dụng tàu MV. SEAFDEC 2 trong chuyến điều tra nguồn lợi hải sản Việt Nam lần thứ 2 trong năm nay.
Đón tiếp và làm việc với đoàn, về phía Viện Nghiên cứu Hải sản có Th.S Phạm Huy Sơn, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện; TS. Nguyễn Văn Nguyên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản, Lãnh đạo và các cán bộ khoa học của Phòng Nghiên cứu Nguồn lợi Hải sản, Phòng Nghiên cứu Công nghệ Khai thác và các cán bộ có liên quan khác.
Nội dung cuộc họp nhằm rà soát lại các hoạt động đã tiến hành trong chuyến điều tra thứ nhất của tàu MV.SEADEC2 tại vùng biển Việt Nam; xây dựng kế hoạch cho chuyến điều tra thứ hai sử dụng tàu M.V. SEAFDEC 2 vào tháng 9-12/2012, sao cho việc vận hành và thực hiện chuyến điều tra được diễn ra suôn xẻ và hiệu quả; đẩy mạnh và tăng cường hợp tác kỹ thuật giữa SEAFDEC và Viện Nghiên cứu Hải sản cũng như việc sắp xếp và quản lý nguồn kinh phí của chuyến điều tra thứ hai sử dụng tàu MV.SEAFDEC2.
Mục tiêu của dự án 5 năm là:
- Đánh giá hiện trạng nguồn lợi cá nổi lớn, bao gồm thành phần loài, mức độ phong phú tương đối, phân bố, đặc điểm sinh học của các loài cá nổi lớn, chủ yếu là cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, cá ngừ sọc dưa, và các loài cá ngừ khác.
- Đánh giá hiện trạng nguồn lợi hải sản tầng đáy ở vùng biển Việt Nam, bao gồm thành phần loài, năng suất khai thác, phân bố, trữ lượng và các đặc điểm sinh học của các loài hải sản tầng đáy đáy, chủ yếu là là các loài cá, tôm và nhuyễn thể.
- Sử dụng máy dò thủy âm để đánh giá hiện trạng nguồn lợi cá nổi nhỏ ở vùng biển Việt Nam, chủ yếu là các loài cá nục, cá trích, cá cơm, và cá bạc má.
- Đánh giá hiện trạng khai thác hải sản ở Việt Nam phục vụ cho quy hoạch quản lý nghề cá dựa trên các thông tin thu được của chuyến điều tra và thực hiện các chương trình nghiên cứu trong tương lai của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Hai bên đã làm việc trên tinh thần tích cực hợp tác và đã giải quyết được các vấn đề đặt ra, xây dựng và đã lên được kế hoạch chi tiết cho chuyến biển thứ hai sẽ được thực hiện vào tháng 9-12/2012. Trước mắt, Viện sẽ làm công văn báo cáo Tổng cục Thủy sản xin cấp phép cho tàu M.V. SEAFDEC 2 hoạt động trong vùng biển Việt Nam và các thủ tục cần thiết.
Kết thúc hai ngày làm việc, TS. Nguyễn Văn Nguyên thay mặt Viện Nghiên cứu Hải sản cảm ơn các cán bộ của Ban Đào tạo SEAFDEC đã rất tích cực hỗ trợ và hợp tác với Viện. Chúc cho chuyến điều tra sắp tới diễn ra tốt đẹp và thành công, vì sự phát triển nghề cá của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á!