Thời gian qua, diện tích nuôi tôm sú của khu vực ĐBSCL không ngừng phát triển. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở sản xuất tôm giống tại địa phương có quy mô nhỏ, xây dựng tự phát nên chưa thực hiện các quy trình sản xuất tôm giống sạch bệnh. Công tác kiểm tra phát hiện, xử lý tôm giống nhập tỉnh cũng còn nhiều bất cập. Do vậy, chất lượng tôm giống vẫn còn là nỗi lo của người dân.

THẢ NỔI VIỆC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG?

Theo Sở Thủy sản Bạc Liêu, cứ vào vụ nuôi tôm, nhu cầu tôm sú giống tăng nên giá cả cũng tăng theo. Hiện tôm sú giống sản xuất tại địa phương giá 40-50 đồng/con, cao hơn 5-10 đồng/con so với vụ trước; tôm sú nhập từ các tỉnh miền Trung kích cỡ nhỏ hơn nhưng được bán cùng giá. Hàng năm, Bạc Liêu cần trên 10 tỉ con tôm sú giống, nhưng năng lực sản xuất của khoảng 700 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống tôm trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Còn lại, 60% lượng tôm sú giống từ nơi khác chở đến tiêu thụ. Kiên Giang có 31 cơ sở sản xuất tôm giống và 200 cơ sở ương vèo, song mới đáp ứng khả năng cung cấp con giống cho người nuôi khoảng 600 triệu con post/năm, tương đương 20% nhu cầu trong tỉnh. Số còn lại phải nhập từ nơi khác. Tôm sú giống hiện có giá bán 35-40 đồng/con post.

Nông dân nuôi tôm ở thị xã Bạc Liêu luôn canh cánh nỗi lo chất lượng con giống. Ảnh: T.T

Từ đầu năm đến nay kết quả xét nghiệm trên 7.000 mẫu tôm tại Trung tâm Giống Thủy sản tỉnh Bạc Liêu cho thấy, tỷ lệ tôm giống mắc bệnh nguy hiểm khá cao. Có trên 3.000 mẫu tôm (khoảng 50%) bị nhiễm vi rút MBV (bệnh còi) và vi rút bệnh đầu vàng. Riêng tỷ lệ tôm giống nhiễm vi rút đốm trắng từ 7-9%. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do nhiều cơ sở sản xuất giống tại địa phương chưa thực hiện đầy đủ quy trình sản xuất tôm giống sạch bệnh, nên chất lượng con giống chưa cao; công tác kiểm dịch tôm giống nhập tỉnh chưa được chặt chẽ, vẫn còn nhiều trường hợp xe chở tôm vượt trạm... Mặc dù ngành thủy sản Kiên Giang đã kiểm tra được 70% lượng tôm giống nhập tỉnh (khoảng 2,1 tỉ con), nhưng tôm giống kém chất lượng, bán trôi nổi vẫn còn xuất hiện. Theo Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản - Sở Thủy sản Trà Vinh, từ đầu vụ nuôi tôm sú năm 2007 đến nay, nông dân trong tỉnh đã thả nuôi hơn 1,43 tỉ con tôm sú giống. Tuy nhiên, các trạm kiểm dịch của chi cục chỉ mới thực hiện kiểm dịch được 282 triệu con tôm giống, số lượng tôm giống nhập vào tỉnh chưa qua kiểm dịch chiếm tới 80,28%.

Vì vậy, nhiều hộ nuôi tôm mua nhầm tôm giống kém chất lượng, sau thời gian nuôi tôm chết hàng loạt. Ông Đàm Minh Chiếu, ở phường 2 thị xã Bạc Liêu, cho biết: “Tới vụ thả nuôi, tôi đến cơ sở giống khu vực Nhà Mát mua tôm sú giống về nuôi. Cơ sở nói lô tôm sú này được xét nghiệm đảm bảo sạch bệnh. Nhưng khi thả nuôi gần một tháng sau, tỷ lệ tôm chết trên 70% do bị bệnh còi, bệnh đốm trắng. Suốt 3 năm nay, tính cả gốc lẫn lãi tôi nợ ngân hàng trên 90 triệu đồng. Hiện tại gia đình tôi không có khả năng trả nợ, vì tôm chết liên tục trong mấy vụ liền. Tôi đã kêu giá bán miếng đất cạnh nhà gần 3 năm nay để có tiền trả cho ngân hàng nhưng chẳng thấy ai mua”. Đến nay, toàn tỉnh Trà Vinh có 284,3 triệu con tôm giống thả nuôi bị thiệt hại, chiếm 19,88% tổng số giống thả nuôi, phần lớn đều bị nhiễm các bệnh đốm trắng, đỏ thân và đầu vàng... Do đó đã làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng tôm thương phẩm phục vụ chế biến xuất khẩu.

NGƯỜI NUÔI GÁNH NẶNG RỦI RO

Ông Phan Trường Giang, Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Phần lớn các trại giống xây dựng với quy mô nhỏ, trang thiết bị chưa đáp ứng tiêu chuẩn ngành. Việc ứng dụng quy trình sản xuất tôm giống chất lượng cao chưa được phổ biến. Do các cơ sở kinh doanh giống tập trung ở phường Nhà Mát (TX Bạc Liêu) và thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) được xây dựng tự phát, không theo quy hoạch ngành... nên chất lượng tôm giống còn nhiều hạn chế. Việc công bố chất lượng tôm giống, cũng như khai báo kiểm dịch trước khi xuất bán chưa được các cơ sở sản xuất tôm giống thực hiện nghiêm. Bên cạnh đó, tôm sú giống nhập tỉnh nhiều nhưng công tác kiểm tra chất lượng, kiểm dịch và xử lý tôm giống nhiễm bệnh còn nhiều hạn chế bất cập... Từ đầu năm 2007 đến nay, ngành thủy sản Bạc Liêu đã kiểm tra gần 600 xe tôm nhập tỉnh, với trên 300 triệu tôm sú giống, trong đó, phát hiện hàng chục triệu tôm giống không đạt chất lượng. Tuy nhiên, địa phương còn nhiều lúng túng, bất cập trong việc xử lý tôm giống nhập tỉnh không đạt chất lượng. Theo Chi cục Quản lý Chất lượng An toàn Vệ sinh và Thú y thủy sản, thông thường, tôm giống nhập tỉnh có giấy chứng nhận đạt chất lượng nơi xuất xứ. Khi nhập vào Bạc Liêu, địa phương xét nghiệm thấy bị bệnh còi, đỏ thân, đốm trắng... chỉ giữ lại và trả về địa phương, chứ chưa mạnh dạn xử lý theo quy định. Vì các phương tiện xét nghiệm của ngành thủy sản địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Thời gian qua, chỉ trường hợp tôm nhập tỉnh chưa đạt kích cỡ, ngành chức năng yêu cầu chủ tôm thuần dưỡng cho đạt chất lượng mới xuất bán. Bên cạnh đó, quy định về tiêu chuẩn của ngành, quy trình kiểm dịch chậm được sửa đổi, bổ sung, công tác phối hợp trong nội bộ ngành và cac cơ quan chức năng chưa chặt chẽ nên trong quá trình thực hiện còn nhiều lúng tung.

Một bất cập khác, dù tỷ lệ chất lượng tôm giống chưa cao nhưng chi phí xét nghiệm tôm giống rất cao. Mỗi mẫu tôm xét nghiệm hiện với giá 170.000 đồng. Để chọn lựa được mẫu tôm sạch bệnh, ngư dân phải chọn vài mẫu xét nghiệm mới có con tôm giống đạt tiêu chuẩn, nên chi phí này trở thành gánh nặng cho nhiều nông dân. Đó chưa kể đến chi phí xét nghiệm mẫu nước cũng cao không kém.

Để quản lý chất lượng tôm giống, thời gian tới, ngành thủy sản Bạc Liêu sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm dịch chất lượng tôm giống. Hướng dẫn các cơ sở sản xuất con giống sản xuất theo quy trình sạch bệnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trang bị máy móc, phương tiện hiện đại kiểm tra xử lý tôm nhập tỉnh chưa đạt chất lượng. Bên cạnh đó, tỉnh quy hoạch vùng sản xuất tôm giống tập trung, có chính sách hỗ trợ kỹ thuật, vốn... cho cơ sở đầu tư sản xuất giống với quy mô lớn. Tại Trà Vinh, UBND tỉnh này đã dành ngân sách đầu tư gần 1 tỉ đồng cho Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản mua sắm trang thiết bị máy PCR để kiểm tra các bệnh trên tôm sú và trại trữ tôm giống bị nhiễm bệnh. Những cố gắng đó nhằm quản lý chặt hơn nguồn tôm giống xuất - nhập tỉnh, hạn chế rủi ro cho người nuôi tôm.

NHÓM PV (Theo vietlinh)