Thông tin trên trang mongabay.com cho hay một nhóm các nhà khoa học Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên tại Canada (WWF-Canada) đã gắn máy phát tín hiệu vệ tinh lên 9 con kỳ lân biển vào tháng 8-2011 nhằm theo dõi hoạt động sinh sống của một trong những loài động vật bí ẩn nhất của đại dương.

“Chương trình gắn máy phát tín hiệu vệ tinh lên loài kỳ lân biển là một cơ hội để chúng tôi hiểu rõ thêm về loài cá voi có răng này trong lúc môi trường xung quanh chúng có nhiều sự thay đổi. Chúng tôi biết cuộc sống của chúng thường gắn liền với băng biển và chúng tôi cũng biết hiện các biển băng đang thu hẹp lại.

WWF đang cố gắng tìm hiểu làm thế nào mà loài kỳ lân biển cũng như các động vật khác sống phụ thuộc vào băng ở Bắc cực có thể thích ứng với môi trường thay đổi; qua đó, chúng tôi sẽ có những biện pháp bảo vệ chúng” - ông Peter Ewins, làm việc tại WWF-Canada, người phụ trách việc nghiên cứu và theo dõi loài kỳ lân biển, cho biết.

 

Các nhà khoa học WWF-Canada gắn máy phát tín hiệu vệ tinh lên một con kỳ lân biển - (Ảnh: WWF)
Các nhà khoa học WWF-Canada gắn máy phát tín
hiệu vệ tinh lên một con kỳ lân biển - (Ảnh: WWF)

Kỳ lân biển (the narwhal - monodon monoceros) hay còn gọi cá voi có ngà thuộc phân họ cá voi có răng. Các nhà khoa học WWF cho biết hiện dân số loài này còn khoảng 80.000 cá thể trưởng thành, được phân loại ở mức “Sắp bị đe dọa (NT)” trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Ngoài việc bị đẹ dọa bởi biển băng Bắc thu hẹp, kỳ lân biển còn gặp nguy hiểm khi va chạm với các giàn khoan thăm dò và khai thác dầu khí ở Bắc cực và với các tuyến đường hàng hải.

 
Theo Tuổi Trẻ