Tại Hàn Quốc, Tiểu ban khoa học thuộc Uỷ ban đánh bắt cá voi quốc tế (IWC) đang thảo luận về đề xuất nối lại hoạt động đánh bắt cá voi thương mại. Đây là cuộc họp kín, kéo dài tới ngày 12/6 và kết quả sẽ được công bố tại Hội nghị thường niên lần thứ 57 của IWC diễn ra từ 20 tới 24/6.

Nhật Bản, quốc gia đánh bắt cá voi lớn, đã tạm ngừng đánh bắt cá voi thương mại theo lệnh cấm năm 1986 của IWC. Tuy nhiên, kể từ năm 1987, nước này tiếp tục đánh bắt với lý do nhằm mục đích nghiên cứu khoa học. IWC cấm đánh bắt thương mại song cho phép đánh bắt nghiên cứu sau khi xem xét đề xuất của các nước liên quan. Trong khi đó, các nước chống đánh bắt cá voi như Australia và Mỹ, các nhà bảo vệ môi trường toàn thế giới đã cáo buộc Nhật Bản dùng cái cớ nghiên cứu để đánh bắt cá voi thương mại. Họ nói rằng thịt cá voi bị đánh bắt đang được bán cho người tiêu dùng tại Nhật Bản.

Trong suốt cuộc họp kín ở Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ đưa ra đề xuất mở rộng phạm vi  nghiên cứu ở Đại Tây Dương, đánh bắt cả cá voi lưng gù và cá voi fin từ cuối năm 2005 cũng như tăng gấp đôi số lượng cá voi minke đánh bắt hiện nay. Hiện Nhật Bản đánh bắt khoảng 400 con cá voi minke mỗi năm theo chương trình nghiên cứu cá voi. Đề xuất trên được đưa ra cùng với lời giải thích: cần đánh bắt nhiều loài cá voi để phân tích hệ sinh thái của Đại Tây Dương và tìm ra phương pháp quản lý tài nguyên cá voi. Kế hoạch này sẽ gặp nhiều trở ngại do sự phản đối mạnh mẽ từ phía Mỹ và Australia.

61 quốc gia thành viên IWC cũng sẽ thảo luận về Kế hoạch quản lý cá voi sửa đổi - một đề xuất của Nhật Bản nhằm mở đường cho sự trở lại của hoạt động đánh bắt cá voi thương mại. Theo nhận định của các chuyên gia thì kế hoạch này làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa các quốc gia ủng hộ và phản đối. Tuy nhiên, khả năng nối lại hoạt động đánh bắt cá voi là rất khó do đề xuất cần có sự ủng hộ của 3/4 thành viên IWC. Đa số các đề xuất trong quá khứ của Nhật Bản đều không thành công. Ngoài ra, cuộc họp cũng xem xét đề xuất thành lập hai khu bảo tồn cá voi mới ở Nam Thái Bình Dương và Nam Đại Tây dương. Nhật Bản chống lại đề xuất này.

Theo www.nea.gov.vn