Thực hiện Nghị quyết đại hội cán bộ viên chức năm 2014. Từ ngày 19/3 đến 25/3/2014 Đoàn công tác của Viện do TS.Nguyễn Quang Hùng, Viện trưởng làm Trưởng đoàn; TS. Nguyễn Văn Nguyên, Phó Viện trưởng, ThS Nguyễn Viết Nghĩa, Phó Viện trưởng và Trưởng/Phó các đơn vị đã thực hiện chuyến công tác tại các tỉnh vem biển phía Bắc (Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An).

Mục tiêu của chuyến công tác tại các địa phương nhằm: (i) tăng cường sự gắn kết, phối hợp giữa cơ quan nghiên cứu và cơ quan quản lý ở các địa phương; (ii) xác định được các vấn đề từ quản lý và sản xuất trong lĩnh vực hải sản và nghề cá biển; (iii) thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ khoa học ở các địa phương.

Nội dung trao đổi, thảo luận trong các buổi làm việc là: (1) Viện giới thiệu về các tiến bộ khoa học, kỹ thuật có triển vọng ứng dụng tại địa phương; (2) Địa phương trình bày các vấn đề trong quản lý và sản xuất; (3) Các bên cùng thảo luận và đề xuất các định hướng hợp tác, biên bản ghi nhớ.

Trong chuyến công tác này, Viện Nghiên cứu Hải sản đã giới thiệu với các địa phương 24 công nghệ chuyển giao; đồng thời căn cứ tình hình cụ thể tại các tỉnh, Viện đề xuất hàng chục danh mục nghiên cứu (Thái Bình 17, Nam Định 19, Ninh Bình 15, Thanh Hóa 22, Nghệ An 19); Rất nhiều các công nghệ và đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN của Viện được các địa phương quan tâm. Tại các buổi làm việc địa phương cũng đã đề xuất thêm nhiều nội dung cần hợp tác trong thời gian tới. Sau đó, các bên đã thống nhất các nội dung chuyển giao, nghiên cứu từ năm 2014 và các năm sau thuộc các lĩnh vực nguồn lợi hải sản, bảo tồn biển và đa dạng sinh học, dự báo ngư trường khai thác; các công nghệ khai thác, bảo quản sau thu hoạch, chế biến, nuôi thủy hải sản; quản lý, quy hoạch phát triển thủy sản và nghề cá biển…

Kết quả làm việc cụ thể từng địa phương như sau:

Tại Thái Bình: Tiếp và làm việc với đoàn có ThS. Vũ Mạnh Hiền, tỉnh ủy viên, Giám đốc và ThS. Trần Thế Dũng, Phó Giám đôc Sở Khoa học và Công nghệ; ông Đặng Đình Bình, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cùng đại diện lãnh đạo và cán bộ của hai đơn vị trên. Sau khi bàn bạc và thảo luận hai bên đã ký “Chương trình phối hợp hoạt động từ năm 2014 đến năm 2020”. Đồng thời trước mắt xác định các nội dung chính chuyển giao và nghiên cứu trong thời gian tới là: Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030; chính sách hỗ trợ tàu khai thác xa bờ; hình thành Trung tâm sản xuất giống ngao (hoàn thiện quy trình CN, nâng cao tỷ lệ sống…); nuôi các đối tượng: cá đối mục, cua xanh, rạm, hầu cửa sông; dịch bệnh của tôm thẻ chân trắng, cua xanh; lưới thoát cá con cho nghề giã; cơ cấu tàu thuyền cho phù hợp với tỉnh Thái Bình; công nghệ bảo quản trên tàu khai thác xa bờ - nghề lưới giã; mô hình dịch vụ hậu cần; phối hợp điều tra nghề cá thương phẩm; dự báo ngư trường khai thác…

(Đoàn công tác làm việc tại tỉnh Thái Bình)

Tại Nam Định: Tiếp và làm việc với đoàn có TS. Lê Đức Ngân, tỉnh ủy viên, Giám đốc và ThS Phạm Văn Khôi, Phó Giám đôc Sở Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Doãn Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cùng đại diện lãnh đạo và cán bộ của hai đơn vị trên. Sau khi bàn bạc và thảo luận hai bên đã thống nhất hợp tác lâu dài; trước mắt xác định các nội dung chính chuyển giao và nghiên cứu trong thời gian tới là: Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 gắn với QH hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu;  chính sách hỗ trợ tàu khai thác xa bờ và chuyển đổi nghề nghiệp khai thác; xây dựng chứng chỉ và thương hiệu ngao; nuôi các đối tượng: vọp trắng, cá đối mục, rạm, cá chim vây vàng; xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; dịch bệnh và kiểm soát kim loại nặng trong ngao; chuyển đối nghề nghiệp do áp lực khai thác; công nghệ bảo quản trên tàu khai thác xa bờ-nghề lưới rê; mô hình dịch vụ hậu cần áp dụng cho nghề lưới rê xa bờ; nâng cấp 02 sản phẩm làng nghề truyền thống là nước mắn Ninh Cơ, nước mắn Sa Châu; bảo tồn, khai thác cây, loài thủy sản cho phù hợp tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy; dự báo ngư trường khai thác; phối hợp điều tra nghề cá thương phẩm…

(Đoàn công tác làm việc tại tỉnh Nam Định)

Tại Ninh Bình: Tiếp và làm việc với đoàn có ông Vũ Đức Dũng, tỉnh ủy viên, Giám đốc và các ông Hoàng Đức Long, Giang Tuấn Anh, Hoàng Trọng Lễ, Phó Giám đôc Sở Khoa học và Công nghệ; ông Ông Đỗ Văn Miền, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cùng đại diện lãnh đạo và cán bộ của hai đơn vị trên. Sau khi bàn bạc và thảo luận ba bên đã ký “Biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác phát triển KH&CN”. Đồng thời trước mắt xác định các nội dung chính chuyển giao và nghiên cứu trong thời gian tới là: Rà soát vùng nuôi cho phù hợp Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Nuôi các đối tượng, sò huyết, vọp, cá tráp vây vàng, ghẹ xanh, cá dòng, cá nhân, rạm, cá mòi; thức ăn CN nuôi ba ba; mô hình dịch vụ hậu cần phục vụ nuôi thủy sản…

(Đoàn công tác làm việc tại tỉnh Ninh Bình)

Tại Nghệ An: Tiếp, làm việc với đoàn có ThS. Trần Quốc Thành, tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở KH&CN cùng đại diện các đơn vị của Sở và Chi cục KT&BV nguồn lợi (Sở NN&PTNT). Sau khi bàn bạc và thảo luận hai bên đã thống nhất hợp tác lâu dài (giao các đơn vị chuyên môn hoàn thiện biên bản ghi nhớ); trước mắt xác định các nội dung chính chuyển giao và nghiên cứu trong thời gian tới là: Nuôi các đối tượng tảo và vi tảo (tảo xoắn E6, tảo NaNo…); xử lý môi trường nuôi  và bệnh thủy sản; Chế biến các sản phẩm quy mô nhỏ (làng nghề, hộ gia đình…); phối hợp Sở NN&PTNT về điều tra nghề cá thương phẩm, dự báo ngư trường khai thác…

(Đoàn công tác làm việc tại tỉnh Nghệ An)

Tại Thanh Hóa: Tiếp và làm việc với đoàn có ông Lê Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nong thôn, TS. Lê Minh Thông, Phó Giám đôc Sở Khoa học và Công nghệ; cùng đại diện lãnh đạo và cán bộ của hai đơn vị trên. Sau khi bàn bạc và thảo luận ba bên đã ký “Biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác phát triển KH&CN đến năm 2020”. Trước mắt xác định các nội dung chính chuyển giao và nghiên cứu trong thời gian tới là: cơ sở khoa học về di chuyển vùng nuôi ra Hòn Mê; nuôi các đối tượng: phi phi, cá đối mục, hải sâm đen, bào ngư, cá bống bớp; sức tải môi trường biển Nghi Sơn phù hợp với nuôi hải sản; chuyển đổi nghề nghiệp từ khai thác gần bờ sang xa bờ; ứng dụng đèn Ecolight cho nghề chụp mực và lưới vây ánh sáng; công nghệ bảo quản trên tàu khai thác xa bờ- nghề lưới kéo; mô hình dịch vụ hậu cần phục vụ tàu khai thác xa bờ; thức ăn CN nuôi thương phẩm cá bống bớp và các loài khác; khu bảo tồn biển Nghi Sơn, Hòn Mê; điều tra, đánh giá và đề xuât bảo vệ nguồn lợi-bãi tôm hòn Nẹ, các loài cá phục vụ khai thác bền vững vùng biển Thanh Hóa; phối hợp điều tra nghề cá thương phẩm; dự báo ngư trường khai thác…

(Đoàn công tác làm việc tại tỉnh Thanh Hóa)

Ngoài lĩnh vực chuyển giao và nghiên cứu KHCN, các tỉnh cũng đề nghị Viện tiếp tục đào tạo giúp địa phương nguồn nhân lực chất lượng cao (Tiến sỹ, Thạc sỹ), đào tạo nghề; đồng thời cùng nhau tìm kiếm nguồn lực thực hiện nhiệm vụ (Cấp Nhà nước, cấp Bộ, Quốc tế, Doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, địa phương..).

Chuyến đi đã thành công. Đây là một trong những hoạt động nhằm quảng bá và nâng cao hơn nữa vị thế của Viện đối với các địa phương./.

                                                           Nguyễn Xuân Thi