Tại nhiều hội nghị, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng vùng từ đặc điểm địa lý và các điều kiện thiên nhiên, vùng duyên hải miền Nam Trung Bộ cần đầu tư nghiên cứu - sản xuất những sản phẩm đặc thù mang tầm quốc gia và quốc tế. Trong số này, cá ngừ đại dương luôn luôn đứng ở vị trí đầu bảng.
Thế nhưng trong năm nay, ở nhiều tỉnh ven biển, hàng trăm tàu thuyền chuyên câu cá ngừ đại dương lại đang muốn chuyển nghề. Đâu là nguyên nhân của xu hướng này?
Nghề câu cá ngừ đại dương cá ngừ đại dương được du nhập vào Việt Nam từ chính những ngư dân giỏi nghề tự nghiên cứu qua mục kích cách đánh bắt của các tàu nước ngoài trên hải phận quốc tế gần vùng lãnh hải Việt Nam.
Bộ Thủy sản trước đây cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện nay đều đánh giá nghề này đã góp phần thay đổi cơ bản cơ cấu nghề cá xa bờ các tỉnh miền Trung và Đông Nam Bộ, đưa nó phát triển theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Sản lượng khai thác cá ngừ đại dương năm 2006 cũng như năm nay ước khoảng 20.000 tấn, tương ứng giá trị khoảng 110 tỷ đồng, duy trì và tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động.
Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, nhiều tàu đánh bắt cá ngừ đại dương bị thua lỗ, muốn ngưng hoạt động hoặc chuyển nghề. Nhiều ý kiến cho rằng nguyên do vì phát triển tự phát, thiếu cơ sở khoa học về nguồn lợi nên đã khai thác quá mức, dẫn đến cạn kiệt về nguồn lợi, mạng lưới tiêu thụ lại luôn bị tư thương ép giá.
Qua khảo sát thực tế mới đây, Vụ Khoa học Công nghệ cho rằng sự thực không phải hoàn toàn như vậy, có nhiều giải pháp để phát triển nghề này đạt hiệu quả, ổn định.
Thiên thời, địa lợi
Nghề câu cá ngừ đại dương hoạt động ở vùng biển xa bờ, điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên thời gian sản xuất thực tế trong năm không nhiều. Nhìn chung các thuyền nghề câu cá ngừ đại dương đều còn khá mới, toàn quốc chỉ có khoảng 1.800 tàu chuyên nghề này, nhiều nhất ở 3 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định.
Do đặc điểm tài chính của hộ ngư dân nên có 2 khuynh hướng đầu tư. Đội tàu nhỏ đa phần thuộc về các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, ngư dân nghèo thiếu vốn nên họ tận dụng các tàu câu khác rồi trang bị thêm. Các trang thiết bị hiện đại như máy thu câu, định vị, máy dò, thông tin liên lạc, máy tầm phương, phao vô tuyến, thiết bị sơ chế... còn ít, chiếm chưa đến 10% với các tàu lắp máy công suất 150-300 mã lực (CV) và 12,5% với tàu công suất nhỏ dưới 90 CV.
Nhưng ở miền Đông Nam Bộ, nơi ngư dân dễ tiếp cận nguồn vốn lớn, hay như ở Bà Rịa-Vũng Tàu đã xuất hiện những đội tàu câu công nghiệp hiện đại lắp máy 400-600 CV, mức trang bị hiện đại chiếm 14,5%. Tàu công suất càng lớn thì khả năng hoạt động càng lớn. Nhóm tàu lớn hơn 90 CV đạt 40,66%, nhóm trên 300 CV đạt 73,20%, còn các tàu công nghiệp của Bà Rịa - Vũng Tàu thời gian hoạt động đến 77,4%. Chi phí nhiên liệu chiếm từ 28-44% tổng chi phí của một chuyến đi khơi dài ngày.
Kết quả khảo sát của Vụ Khoa học Công nghệ cho thấy mức thu lợi nhuận sau cùng của một tàu câu cá ngừ đại dương đạt kết quả cao hơn so các tàu cùng nghề các nước mạnh về đánh bắt.
Nhưng mức thu lợi này lại tỷ lệ nghịch với công suất lắp máy. Tàu lắp máy dưới 90 CV đạt cao nhất 31%, trong khi đội tàu công nghiệp hiện đại chỉ 12,5%. Đội tàu ở 3 tỉnh trọng điểm của nghề câu cá ngừ đại dương thuộc duyên hải Nam Trung Bộ có chi phí đầu tư và sản xuất thấp, nhưng công nghệ khai thác tương tự như các tàu có công suất lớn hơn.
Kết quả này là do đặc điểm "thiên thời, địa lợi" và tính yêu nghề, bám biển, nhẫn nại của ngư dân vùng miền Trung. Qua quan sát tập tính đàn cá, ngư dân 3 tỉnh đã sáng tạo cách lấy mực xà làm mồi hấp dẫn, nhờ vậy năng suất đánh bắt tăng nhanh.
Tỷ lệ sản phẩm xuất khẩu của nghề câu cá ngừ đại dương thường cao hơn so với nghề khai thác hải sản khác. Nó chiếm tới 75% lượng đánh bắt ở các tàu 3 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và 95% đối với đội tàu câu công nghiệp hiện đại.
Nguyên do vì các tàu câu vỏ gỗ của 3 tỉnh sử dụng nước đá để bảo quản cá nên chất lượng sản phẩm kém so với các tàu công nghiệp vỏ composite có hệ thống bảo quản lạnh, cấp đông trên tàu. Điều này cho thấy nếu được tạo điều kiện cải tiến hệ thống và phương pháp bảo quản sản phẩm trên tàu vỏ gỗ sẽ làm tăng giá trị sản lượng, nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên.
Nên ưu tiên cho vùng biển trọng điểm
Theo định hướng của Bộ Thủy sản cũ, đến năm 2020, nghề câu cá ngừ đại dương có thể khai thác đạt sản lượng 40.000 tấn/năm, chế biến xuất khẩu 35.000 tấn, doanh thu đạt gấp đôi hiện nay nếu có sự đầu tư về công nghệ chế biến và hậu cần nghề cá tương xứng. Khi giá xăng dầu tăng cao, nhiều thuyền nghề ở 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên muốn chuyển nghề.
Nguyên do vì Phú Yên chỉ có 2 doanh nghiệp kinh doanh và 9 đầu mối ủy thác thu mua, Bình Định có 9 đại lý thu mua trong khi Khánh Hòa có 7 công ty chuyên doanh bao tiêu sản phẩm cá ngừ đại dương, giá mua của Khánh Hòa thường cao hơn 30%. Cũng trong năm nay, một doanh nghiệp Nhật Bản đã được UBND tỉnh Bình Thuận cho phép đầu tư công nghệ bảo quản cho cá tàu câu cá ngừ đại dương để mua, chế biến sản phẩm tươi ngay ngoài khơi.
Điều này cho thấy khâu bảo quản sản phẩm cá ngừ đại dương có ý nghĩa quyết định nhưng nguồn vốn và công nghệ thì nằm ngoài tầm tay ngư dân.Sau khi tiếp nhận bộ máy quản lý của Bộ Thủy sản, ngay trong tháng 9/2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có thông báo yêu cầu các cơ quan quản lý chuyên môn có giải pháp để nghề câu cá ngừ đại dương ngày càng phát triển và hội nhập. Giải pháp quan trọng là xây dựng khu dịch vị hậu cần ở đảo Đá Tây trong ngư trường Trường Sa.
Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khai thác biển giữa Việt Nam và các nước trong khối ASEAN ngày càng mở ra nhiều thuận lợi cho lực lượng khai thác hải sản các nước. Một chương trình đầu tư công nghệ để các đội tàu khai thác cá ngừ đại dương các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ phát huy thế mạnh là vô cùng cần thiết.
Hưng Văn (Nguồn vneconomy.vn)