Mặc dù Bộ Thủy sản (trước đây) từng quy định các chủ tàu đánh cá chỉ có quyền sử dụng đèn công suất từ 300 đến 500W và mỗi tàu không được dùng quá 10.000W để đánh bắt hải sản; mặc dù các nhà hải dương học, cơ quan bảo vệ ngư trường đều khuyến cáo rằng, nếu sử dụng ánh sáng vượt công suất trên thì chính các chủ tàu sẽ trở thành thủ phạm hủy diệt tài nguyên sinh thái biển... nhưng “nạn” đèn cao áp từng lũng đoạn vùng biển miền Trung cách đây không lâu đã lan tới vùng biển Cà Mau.
Từ chỗ dùng đèn để dụ cá, sau thấy các chủ tàu càng có đèn lớn càng phát hiện và dụ được cá nhiều, người làm nghề câu mực và nghề lưới đua nhau nâng cấp nguồn sáng cho tàu.
Giờ thì các tàu câu mực và nghề lưới tại vùng biển chẳng khác gì những “trạm” cao áp di động trên biển. Trung bình mỗi tàu câu mực trang bị 25 bóng đèn cao áp loại 3.000W, đã tạo ra một nguồn sáng tới 75.000W. Lớn nhất là những tàu trang bị tới 40-45 bóng đèn cao áp từ 3.000 tới 5.000W.
Phục vụ cho hệ thống đèn này là những máy phát điện và bình đimô từ 30 tới 50kW trị giá cả trăm triệu đồng. Khủng khiếp nhất là cảnh tượng vài ba chủ tàu cùng hợp sức vây bắt chung một luồng cá đồng loạt bật tất cả bóng đèn để kéo lưới. Đó là lúc ánh sáng tập trung cực mạnh vào một diện tích mặt nước có giới hạn khiến cho cá lớn, cá nhỏ đều bị thương tổn.
Không chỉ nghề câu mực, nghề lưới hủy diệt sinh thái biển ngoài khơi xa, ngay tại vùng cửa biển các sông Đốc, sông Cái Đôi Vàm, Rạch Gốc hoặc Khánh Hội cũng bị các chủ tàu nghề cào mé và đẩy ruốc đe dọa.
Đã thế ở hầu hết các cửa biển tại Cà Mau đang hình thành kiểu đánh bắt bằng xung điện có dòng điện lớn, đủ khả năng diệt sạch các loại cá, tôm và ấu trùng. Nguy hiểm là ở chỗ cách khai thác nguy hại này đang ngày một phát triển, công suất điện ngày một gia tăng đến mức các chủ tàu có thể vươn ra vùng biển rộng lớn để đánh bắt hải sản. Nếu như năm 2006, đội tuần tra kiểm ngư phát hiện, xử lý 18 phương tiện, thì 7 tháng đầu năm nay đã phát hiện 28 vụ.
Các chuyên gia về thủy sản từng cảnh báo nguy sơ suy giảm nguồn thủy sản do đánh bắt không khoa học. Các chuyên gia về hải dương học từng cảnh báo về việc phá vỡ thảm cỏ biển, rong biển, môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học đáy biển là hiểm họa của đại dương. Nhưng nếu điều này không trở thành ý thức của ngư dân, thì từng vùng biển sẽ vẫn bị hủy diệt hàng ngày.
Theo Bộ TN&MT, 27/11/2007 (Nguồn thiennhien.net)