Theo Liên hợp quốc, thế giới đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng hàng loạt của các loài động, thực vật. Một trong những dấu hiệu cảnh báo sự tuyệt chủng ấy là sự biến mất của các rạn san hô ngầm, môi trường sống của ¼ các loài cá biển.

Một phần tư loài cá biển sống tập trung ở các rạn san hô ngầm và 500 triệu người trên trái đất đang phải dựa vào “những khu rừng nhiệt đới dưới biển sâu” này để kiếm sống (Ảnh: BYMNews.com)

Sự phát thải khí hiệu ứng nhà kính đang làm thay đổi môi trường sống của các loài động, thực vật với tốc độ nhanh khiến các loài này khó có khả năng thích nghi.

Ông Achim Steiner, Giám đốc điều hành của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho rằng thế giới hiện nay đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng lần thứ sáu trên toàn cầu mà nguyên nhân chủ yếu là do các tác động của con người.

Theo một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ đầu năm 2008, giai đọan tuyệt chủng hiện nay là giai đoạn Holocene, một thế địa chất được hình thành hơn 10.000 năm trước đây. Nó cũng có thể là giai đoạn tuyệt chủng lớn nhất trong lịch sử trái đất và lần đầu tiên xảy ra do con người. Tuy nhiên, không giống trước đây, tình trạng tuyệt chủng hàng loạt hiện nay có thể chỉ diễn ra qua nhiều thập kỷ chứ không kéo dài đến hàng thế kỷ như trước đây. Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy rằng một phần tư các loài động, thưc vật trên thế giới có thể sẽ biến mất vào khoảng năm 2050.

Càng ngày càng có nhiều tin tức về sự suy giảm của hệ sinh thái trên trái đất cùng với những cảnh báo của Liên hợp quốc. Nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học cho thấy 19% các rạn san hô trên trái đất hiện nay đã chết. Nhiệt độ bề mặt nước biển đang ấm lên và bị axit hóa là các mối đe dọa tới sự sinh tồn của các rạn san hô.

Zooxanthellae, loại tảo đơn bào sống cộng sinh ở các rạn san hô và khiến san hô có màu sắc rực rỡ đang di cư hàng loạt khỏi các rạn san hô này vì hiện tượng nóng lên của nước biển.. Việc tảo Zooxanthellae di cư sẽ khiến cho san hô sẽ bị mất màu hàng loạt và rơi vào hội chứng "bị tẩy trắng".

Mạng lưới giám sát rạn san hô trên toàn cầu đã đưa ra một báo cáo đáng chú ý trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu tại Poznan, Ba Lan diễn ra cuối năm 2008. Theo báo cáo này, các nhà khoa học dự báo đa số các rạn san hô còn tồn tại có nguy cơ biến mất trong vòng 40 năm tới nếu chiều hướng phát thải khí carbon vẫn duy trì như hiện nay.

Ông Clive Wilkinson, điều phối viên của mạng lưới này cho biết: “Nếu chúng ta không làm gì để giảm thiểu việc phát thải khí carbon thì chúng ta có thể phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng của các rạn san hô”.

Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), việc khai thác cạn kiệt hải sản, tình trạng ô nhiễm, và sự xâm lấn của các loài sinh vật lạ cũng có thể là các mối đe dọa tới các rạn san hô.

Tháng 10 năm 2008, IUCN tuyên bố 38% trong số 44.838 loài động vật mà họ đã nghiên cứu trên toàn thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng. Cũng theo Sách đỏ của IUCN, có tới 22% động vật có vú, 31% loài lưỡng cư và 14% loài chim trên thế giới có thể sẽ biến mất.

Tại một Hội nghị của Liên hợp quốc về bảo tồn các loài động vật di cư hoang dã, ông Steiner đã đưa ra cảnh báo về sự tuyệt chủng hàng loạt của các loài động, thực vật trên trái đất. Theo ông, chúng ta cần bổ sung thêm 21 loài di cư vào danh sách cần được bảo vệ. Cũng trong khuyến cáo của Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc(UNEP) từ năm 2007, các loài di cư sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi khí hậu thay đổi.

Danh sách các loài động vật cần được bảo vệ của UNEP có loài báo Gepa và loài chim kền kền Ai cập cùng 6 loài cá heo mới được bổ sung. Theo IUCN, gần ¼ các loài cá heo trên thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, mà nguyên nhân chính là do bị mất môi trường sống và bị săn bắt.

Tuy nhiên, theo IUCN, sự suy giảm của các rạn san hô ngầm gây ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái biển bởi vì có tới một phần tư các loài cá biển tập trung sống ở các rặng san hô ngầm. Hơn nữa, IUCN ước tính rằng có 500 triệu người sống phụ thuộc vào các rặng san hô ngầm.

Khảo sát cho thấy 45% các rạn san hô trên thế giới vẫn đang tồn tại khỏe mạnh. Điều này mang lại hy vọng rằng một vài loài có khả năng thích nghi với những thay đổi của khí hậu khi trái đất ấm lên. Hiện nay các nhà nghiên cứu sinh vật biển đang cố gắng tìm hiểu nguyên do khiến các một số rạn san hô ngầm có thể tồn tại trong các môi trường nước biển ấm hơn và bị axit hóa nhiều hơn trong khi đó các loài khác lại không thể.

Thu Lê (Theo WorldWatch Institude, thiennhien.net)