"Quận đèn đỏ" đầu tiên ở dưới biển - những bộ phận phát sáng của loài sinh vật mới được phát hiện có họ hàng với sứa - là một cạm bẫy nguy hiểm với những con mồi hám của lạ.
Nhà khoc học Steven Haddock tại Viện nghiên cứu thuỷ sinh vịnh Monterey ở California, Mỹ, cho biết sứa và nhiều loài sinh vật biển khác được biết là có khả năng phát sáng, nhưng đây là loài thân mềm đầu tiên sống sâu dưới biển có khả năng sử dụng ánh sáng huỳnh quang màu đỏ. Họ đã tìm thấy 3 con vật như vậy nhờ vào một thiết bị điều khiển từ xa ở độ sâu 2.300 m ngoài khơi biển
Những sinh vật thuộc giống Erenna này có những xúc tu với các nhánh ở 2 bên chứa nhiều tế bào gây ngứa gắn liền với thân. Ở trong cái thân dài này là những điểm phát ra ánh sáng lục lam khi chúng chưa trưởng thành và ánh sáng đỏ khi chúng trưởng thành.
Các nhà nghiên cứu cho biết 2 màu này được tạo ra bằng 2 cách khác nhau. Ánh sáng lục lam được tạo ra bởi quá trình quang sinh học (bioluminescence) - năng lượng được tạo ra dưới dạng ánh sáng thay vì nhiệt. Còn ánh sáng đỏ đến từ sự phát huỳnh quang.
Không có nhiều cá ở độ sâu mà các sinh vật mới được tìm thấy, nhưng 2 con Erena lại có cá trong bụng. Dựa trên hình dáng, kích cỡ và cử động của xúc tu, cùng những con cá con trong bụng của chúng, các nhà nghiên cứu tin rằng ánh sáng đỏ được sử dụng để thu hút cá con để ăn thịt.
Stephen D. Cairns, nhà nghiên cứu tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia Smithsonian, nhận định phát hiện là một bằng chứng mới lạ về một dạng sự sống nguyên thuỷ (con sứa không có não) thông minh hơn loài động vật thân mềm (loài cá nước sâu trong trường hợp này) bằng cách bắt chước ánh sáng đỏ mà con cá thường tạo ra.
Trước đó, các nhà khoa học cho rằng hầu hết những con cá sống ở dưới độ sâu này không thể nhìn thấy ánh sáng đỏ. Tại độ sâu đó, đại dương lọc mất ánh sáng đỏ, chỉ tạo ra ánh lam lục, đồng thời mắt tôm và một số loài cá mất khả năng nhận ra ánh sáng đỏ. Nhưng Haddock khẳng định có bằng chứng cho thấy một số loài cá có thể nhìn thấy màu đỏ, giúp chúng tìm ra những sinh vật đỏ để ăn.