Mất mát đa dạng sinh học đã và đang là mối lo chung của nhân loại. Trong nhiều nguyên nhân gây tổn thất đa dạng sinh học, các loài sinh vật ngoại lai xâm hại được coi là một trong những mối đe doạ nguy hiểm nhất. Nhận ra được điều này, Công ước Đa dạng Sinh học đã dành hẳn một khoản trong điều 8 (khoảng 8(h)) để kêu gọi các bên tham gia công ước: "Ngăn chặn sự du nhập, kiểm soát hoặc diệt trừ các loài ngoại lai gây hại cho các hệ sinh thái, nơi sống hoặc các loài sinh vật bản địa"

Sinh vật ngoại lai xâm hại trước hết là những loài không có nguồn gốc bản địa. Khi được đưa đến một môi trường mới, một loài ngoại lai có thể không thích nghi được với điều kiện sống và do đó không tồn tại được. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác, do thiếu vắng các đối thủ cạnh tranh và thiên địch như ở quê nhà cùng với điều kiện sống thuận lợi, các loài này có điều kiện sinh sôi nảy nở rất nhanh và đến một lúc nào đó phá vỡ cân bằng sinh thái bản địa và vượt khỏi tầm kiểm soát của con người. Lúc này nó trở thành loài ngoại lai xâm hại.

Sinh vật ngoại lai có thể xâm nhập vào một môi trường sống mới bằng nhiều cách. Nó có thể đi theo con đường tự nhiên như theo gió, dòng biển và bám theo các loài di cư, nhưng quan trọng hơn cả là do hoạt động của con người. Cùng với sự phát triển của giao thông vận tải và hoạt động thông thương, con người đã mang theo, một cách vô tình hay hữu ý, các loài sinh vật từ nơi này đến nơi khác thậm chí đến những vùng rất xa quê hương của chúng. Việc kiểm soát sự du nhập của chúng là rất khó, đặc biệt là đối với các trường hợp du nhập một cách vô thức. Các loài này có thể trà trộn trong hàng hoá, sống trong nước dằn tàu, bám vào các phương tiện vận tải như tàu thuyền và nhờ đó được mang đến đến môi trường sống mới. Nhiều loài được du nhập một cách có chủ ý cho các mục đích kinh tế, giải trí, khoa học nhưng do không được kiểm tra và kiểm soát tốt đã bùng phát và gây ra nhiều tác hại nặng nề. Chúng ta vẫn chưa quên được trường hợp ốc bươu vàng (Pomacea sp.). Được nhập khẩu vào nước ta khoảng 10 năm trước đây, loài ốc này đã nhanh chóng lan tràn từ Đồng bằng Sông Cửu Long ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc, phá hại nghiêm trọng lúa và hoa màu của các địa phương này. Hàng năm, nhà nước phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng cho công tác tiêu diệt ốc bươu vàng nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả mong muốn.

Tác động mà các loài sinh vật xâm hại gây ra đối với môi trường sống rất đa dạng nhưng có thể gộp chung thành 4 nhóm:

  • Cạnh tranh với các loài bản địa về thức ăn, nơi sống.v.v.
  • Ăn thịt các loài khác;
  • Phá huỷ hoặc làm thoái hoá môi trường sống; và
  • Truyền bệnh và kí sinh trùng.

Kinh nghiệm cho thấy nhiều loài ngoại lai xâm hại không biểu hiện tác hại của chúng ngay sau khi xâm nhập vào một môi trường sống mới mà thường trải qua một giai đoạn “ủ bệnh”. Giai đoạn này dài hay ngắn tuỳ thuộc vào từng loài cũng như vào đặc điểm môi trường mà chúng xâm nhập vào. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu nhưng nguyên nhân của hiện tượng này vẫn chưa được sáng tỏ. Tuy nhiên, người ta cũng thấy rằng các hệ sinh thái đã bị biến đổi thường dễ bị tác động hơn các hệ sinh thái còn nguyên vẹn. Đây là một khó khăn lớn cho công tác kiểm soát và phòng ngừa tác hại của loại sinh vật này.

Các tác động mà loại sinh vật này gây ra rất phức tạp. Ví dụ như trường hợp của cá vược sông Nile (Lates niloticus). Sau khi được du nhập vào hồ Victoria (Châu Phi) năm 1954 nhằm phục hồi sản lượng cá đang suy giảm trong hồ do đánh bắt quá mức, loài cá này đã gây ra sự tuyệt chủng cho hơn 200 loài cá bản địa khác trong hồ do cạnh tranh và ăn thịt các loài cá đó. Chưa hết, vì thịt của cá vược sông Nile có nhiều mỡ hơn các loại cá bản địa, cư dân ở hồ đã phải chặt nhiều củi hơn để sấy cá dẫn đến hiện tượng phá rừng nghiêm trọng. Đến lượt mình, việc này gây ra sự xói mòn và rửa trôi đất trong vùng lưu vực làm tăng hàm lượng chất dinh dưỡng trong hồ tạo điều kiện cho sự phát triển của tảo và bèo nhật bản (Eichhornia crassipes). Sự bùng nổ của các loài thực vật này làm giảm lượng oxy trong hồ và làm chết nhiều cá hơn. Ngoài ra việc khai thác mang tính thương mại loài cá này đã làm làm cư dân ở đây mất đi nghề đánh bắt và chế biến cá truyền thống của mình. Lợi nhuận thu được từ cá vược sông Nile chỉ rơi vào túi một số người trong khi đó cư dân và môi trường ở đây hầu như không những không có lợi mà còn nghèo đói hơn.

Một tác động khác, tuy không kém phần nghiêm trọng nhưng cho đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức, là các loài ngoại lai xâm hại góp phần làm xuất hiện các bệnh dịch mới hoặc tái xuất hiện các bệnh dịch cũ ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người. Sốt rét là một bệnh dịch nguy hiểm được truyền qua véc tơ truyền bệnh là muỗi Anophele. Năm 1930, loài muỗi Anopheles gambiae được du nhập một cách vô tình vào vùng tây bắc Barasil theo các đoàn tàu biển đến từ Châu Phi. Chưa đến một năm sau, trong một diện tích khoảng 6 mile vuông với số dân khoảng 12000 người đã xuất hiện 10000 ca nhiễm bệnh sốt rét. Vào cuối những thập niên 30, người ta đã phải tốn hàng triệu đô la và hàng nghìn nhân công để tiêu diệt muỗi Anopheles gambiae tại vùng này.