Dẫn chúng tôi đến khu vực thí nghiệm sinh sản nhân tạo tu hài nằm sâu trong Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, kỹ sư Trần Trung Thành, chủ nhiệm đề tài “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm tu hài tại Khánh Hòa” cho biết: “Đề tài này được thực hiện từ tháng 8-2006 đến tháng 8-2008. Đến thời điểm này (12/2006), chúng tôi đã cho sinh sản nhân tạo tu hài thành công. Vài hôm trước, chúng tôi đã đưa 2 vạn con giống đến Điệp Sơn (Vạn Thạnh, Vạn Ninh) để thí điểm nuôi tu hài thương phẩm”.
Kỹ sư Trần Trung Thành chỉ cho chúng tôi một bộ phận của con tu hài nổi lên trên mặt cát đáy bể. Còn phần lớn cơ thể của chúng “ẩn” trong cát. Muốn quan sát nó đầy đủ không có cách nào khác ngoài “lôi” nó lên từ cát. Tu hài (Lutraria rhynchaena Jonas,1844) là đối tượng động vật thân mềm. Loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ này có kích thước khi trưởng thành từ 7 đến 12cm, hình bầu dục, có màu vàng nâu. Hai vỏ khép lại trước sau đều không kín, da vỏ mỏng, dễ bị bong. Vòng đời của tu hài chia làm 2 giai đoạn: Sống trôi nổi và sống đáy. Ở giai đoạn đầu, ấu trùng sống trôi nổi trong nước, thức ăn là thực vật phù du. Khi ấu trùng di chuyển xuống sống ở nền đáy, đào lỗ tìm nơi định cư là bắt đầu giai đoạn sống đáy cho đến khi kết thúc vòng đời. Tu hài là loại mang tấm, ăn lọc. Thức ăn của tu hài là các loài tảo, giáp xác nhỏ, mùn bã hữu cơ. Tu hài thích nghi với độ mặn từ 17 đến 48%o, thích hợp nhất từ 25 đến 30%o và nhiệt độ từ 12 đến 37oC, thích hợp nhất từ 27 đến 30oC.
Theo nghiên cứu, tu hài phân bố ở một số nước châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines và Việt Nam. Ở Việt Nam, tu hài phân bố tập trung ở miền Bắc, điển hình là Quảng Ninh, Hải Phòng. Các tỉnh miền Trung và miền Nam hầu như không bắt gặp tu hài trong nhiều năm. Tuy nhiên, năm 2001, người dân đã phát hiện tu hài phân bố tại vịnh Vân Phong nhưng trữ lượng không cao (khoảng 3 đến 5 tấn/năm). Loài tu hài ở đây được đánh giá có kích thước lớn hơn loài phân bố ở Quảng Ninh. Theo các ngư dân, tại vịnh Vân Phong, tu hài sống ở độ sâu 5 đến 10m, đôi khi còn bắt gặp ở độ sâu 20m.
Tu hài giống đã được sinh sản nhân tạo thành công.
Theo kỹ sư Trần Trung Thành, trên thế giới chưa thấy công trình nào công bố về sản xuất giống và nuôi tu hài. Ở Việt Nam, có một số công trình nghiên cứu sản xuất giống tu hài bằng các phương pháp: gây sốc nhiệt, sốc độ mặn, để khô trong bóng tối và kích thích đẻ bằng áp lực thủy tĩnh, xử lý bằng hóa chất, trong đó phương pháp kích thích nhiệt là phương pháp cho hiệu quả cao nhất. Năm 2005, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã thử nghiệm sản xuất giống nhân tạo tu hài từ nguồn khai thác tự nhiên tại Khánh Hòa. Kết quả đã sản xuất được con giống từ 2 đến 3mm, đạt tỷ lệ sống từ 2 đến 3%. Hiện nay, sau một thời gian nghiên cứu hoàn thiện, quy trình sinh sản nhân tạo đã thành công với tỷ lệ sống đạt từ 5 đến 6%. Theo kỹ sư Trần Trung Thành, tỷ lệ sống này được đánh giá cao.
Hiện nay, tu hài là đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao. Trong tự nhiên, nguồn lợi này đang bị giảm sút do khai thác quá mức. Hiện lượng giống tu hài ở các tỉnh phía Bắc không đủ cung cấp nên người dân phải nhập về từ Trung Quốc. Việc phát hiện tu hài ở vịnh Vân Phong mấy năm qua cho thấy môi trường nuôi khu vực này là thích hợp cho tu hài sinh trưởng và phát triển.
Tu hài là loài ăn lọc. Thức ăn của nó chủ yếu là thực vật phù du và mùn bã hữu cơ nên nuôi tu hài có khả năng làm sạch môi trường biển. Vì vậy có thể sử dụng tu hài như là một đối tượng nuôi kết hợp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động nuôi tôm hùm, cá mú…
Theo KH, Việt Linh