TS Chu Tiến Vĩnh, Cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi (BVNL) thủy sản Trung ương vừa có chuyến khảo sát tình hình khai thác và BVNL trên biển ở Phú Yên. Trao đổi với Báo Phú Yên sau chuyến khảo sát này TS Chu Tiến Vĩnh nói:
- Phú Yên có ngư trường rộng lớn với trữ lượng các loại hải sản rất dồi dào và có giá trị kinh tế cao. Nhờ vậy, nghề khai thác hải sản tăng trưởng mạnh cả về năng lực sản xuất và sản lượng đánh bắt. Nghề đánh bắt cá nổi, cá ngừ ở Phú Yên đã góp phần đắc lực chuyển đổi thuyền nghề khai thác khơi, làm giảm mạnh áp lực tàu thuyền nhỏ khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản (NLTS) ven bờ. NLTS ở các đầm, vịnh ven bờ Phú Yên rất đa dạng, phong phú, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân ở quanh đầm. Tuy nhiên, việc khai thác thủy sản quá mức, đã khiến cho chất lượng môi trường sống của các loài thủy sinh vật ở các vùng ven biển Phú Yên đang có nguy cơ suy giảm.
* Ông đánh giá thế nào về tình trạng khai thác thủy sản quá mức dẫn đến mất cân bằng sinh thái ở vùng biển Phú Yên?
- Có hai loại nghề đang khai thác quá mức, đó là nghề giã cào và khai thác tôm hùm giống. Từ đầu vụ mùa đến nay, ngư dân Phú Yên khai thác đến 1 triệu con tôm hùm giống để thả nuôi là quá nhiều. Nhu cầu nguồn thức ăn cho tôm hùm từ cá giã cào hiện rất lớn, làm cho nghề khai thác giã cào cũng tăng mạnh, vét kiệt các loại hải sản ven bờ. Điều này dẫn đến việc mất cân bằng sinh thái, hủy diệt dần các loài sinh vật biển. Nếu tình trạng này kéo dài, đến đời con, cháu của ngư dân sẽ gặp khó khăn, bởi không còn tôm hùm, cá giã cào… ở ven bờ để khai thác!
* Theo ông, giải pháp nào để đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái mà vẫn phát triển khai thác?
- Khai thác và BVNL thủy sản luôn luôn mâu thuẫn nhau. Vấn đề đặt ra là làm sao sử dụng hợp lý NLTS, nghĩa là không khai thác quá mức một loài thủy sản nào đấy. Ngành thủy sản và chính quyền địa phương vận động ngư dân hạn chế đánh bắt hải sản mang trứng, đồng thời khoanh vùng cấm khai thác (nhất là tôm hùm giống), tiến tới cấm triệt để khai thác các loài hải sản vào mùa sinh sản trên biển. Tuyệt đối nghiêm cấm các nghề như: lưới kéo, lưới rùng, lưới 3 màn, xiếc điện, trủ điện, cào ngao, sò bằng xuồng, soi điện, dùng chất nổ, hóa chất khai thác thủy sản, các hình thức lặn bắt thủy sản bằng bình hơi...Các địa phương khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các khâu quản lý, bảo vệ, nuôi trồng, khai thác thủy sản. Tôi cho rằng cần áp dụng phương thức quản lý NLTS ven bờ trên cơ sở cộng đồng (CSCĐ). Quản lý nguồn lợi ven bờ trên CSCĐ thực chất là một trong những nội dung của quá trình xã hội hóa công tác quản lý NLTS, khuyến khích, tạo điều kiện để cả cộng đồng tham gia vào quá trình xây dựng, ban hành và thực hiện các quyết định quản lý NLTS. Có rất nhiều phương thức có thể áp dụng như chuyển đổi từ nghề sát hại nguồn lợi sang các nghề khai thác có lựa chọn.
NGUYÊN LƯU (thực hiện)
(Theo Viet Linh)