Với mức đầu tư 40 triệu đồng cho một đợt sản xuất 1 triệu con giống, sản xuất giống tôm sú trong hệ thống lọc sinh học tuần hoàn đã nâng mức doanh thu tăng thêm hơn 23 triệu đồng, lợi nhuận gấp 6 lần so với hệ thống hở thay nước mỗi ngày đã được sử dụng phổ biến, thời gian thu hồi vốn cho người nông dân chỉ còn 6 tháng.
Hệ thống này được Tiến sĩ Trương Trọng Nghĩa và Thạc sĩ Thạch Thanh (Khoa Thuỷ sản, Trường Đại học Cần Thơ) nghiên cứu, hoàn thiện vừa đáp ứng được yêu cầu sản xuất giống tôm sạch bệnh vừa bảo vệ môi trường. Việc thiết lập hệ thống lọc sinh học tuần hoàn để sản xuất tôm giống dựa trên 3 cải tiến quan trọng: Dùng lọc sinh học để luôn duy trì tổng hàm lượng đạm ammonia và nitrit (độc) ở mức thấp nhất, trong suốt quá trình sản xuất giống mà không cần phải thay nước mỗi ngày. Điều này làm ấu trùng tôm không bị "stress" do môi trường và chi phí lao động giảm đáng kể. Dùng bộ phận tách đạm để loại bỏ chất đạm hoà tan và các chất hữu cơ khác trong nước có nguồn gốc từ thức ăn thừa, chất thải của tôm bằng cách chuyển thành bọt mịn và đẩy tràn ra ngoài hệ thống, trước khi chúng bị phân huỷ thành các hợp chất nitơ và các chất độc hại khác đối với ấu trùng và hậu ấu trùng tôm. Điều này có lợi cho sức khoẻ của ấu trùng tôm và giúp duy trì chất lượng nước trong hệ thống ương. Ứng dụng khí ozon để quản lý mầm bệnh và chất lượng nước của hệ thống ương, vì Ozon có tính oxi hoá mạnh nên ngăn chặn hữu hiệu một số mầm bệnh nguy hiểm như virus đốm trắng, đầu vàng... Ozon ôxi hoá nhanh các chất hữu cơ và vô cơ trong nước nên giúp cải thiện được chất lượng nước trong bể ương.
Nhờ những cải tiến này mà hệ thống ương tôm dùng lọc sinh học tuần hoàn là cơ sở quan trọng để sản xuất ra tôm giống khoẻ, sạch bệnh, không mang tồn lưu thuốc- hoá chất độc hại và có thể thực hiện ở bất cứ địa điểm - mùa vụ nào. Đặc biệt, hệ thống lọc sinh học tuần hoàn đã và đang được vận hành ở khu vực sản xuất giống tôm sú trọng điểm mà không có nguồn nước biển tốt cho trại giống (vùng đồng bằng sông Cửu Long), cho thấy một trong những ưu điểm quan trọng là chất lượng con giống được cải thiện do không phải vận chuyển xa từ trại giống đến ao nuôi thịt.
Hiện nay, 50 trại tôm giống chủ yếu ở khu vực phía Nam đang áp dụng hệ thống sản xuất giống lọc sinh học tuần hoàn, số lượng trại áp dụng hệ thống này ngày càng gia tăng.
Hoàng Minh Nguyệt (Nguồn www.monre.gov.vn)