Nửa đêm, tôi theo 8 người con trai của ông Mười, gia đình có nhiều người làm nghề bắt tôm hùm nhất ở thôn Dư Khánh, thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, ra biển. Thằng cu Tí, nhà kế bên, mới hơn 10 tuổi cũng lò dò đi theo phụ ghe. Biển Ninh Chữ trong đêm như mênh mông hơn, ánh đèn của những chiếc ghe ngoài khơi lập lòe như đom đóm. Tháng 5, dù đã qua mùa bắt tôm hùm giống nhưng nhiều ngư dân ở đây vẫn còn lặn biển “mót” tôm kiếm sống.
Chỉ thở bằng miệng
Đám con trai của ông Mười lên hai chiếc ghe, nhằm hướng biển Đông thẳng tiến. Chừng hơn 1 giờ, ghe chúng tôi dừng lại ở một khu vực có nhiều ghềnh đá. Tuân, con trai cả của ông Mười, nhanh chóng mặc đồ lặn. Mọi người giúp anh nịt chiếc thắt lưng bằng chì bề ngang rộng cả gang tay, ước chừng nặng đến 30 kg vào bụng. “Không có chiếc thắt lưng này lặn một lúc sẽ bị nổi lên ngay”- Tuân giải thích. Nói rồi, Tuân đeo mặt nạ, ngậm ống thở, dắt chiếc túi lưới để đựng cá vào hông, cầm đèn pin đu mình theo dây thừng bên mạn ghe xuống nước. Ánh sáng của chiếc đèn pin mờ dần và cùng Tuân biến mất trong biển đêm. Tôi rùng mình khi nghe những con sóng vỗ vào ghềnh đá ầm ào. Thoáng một cái, cuộn dây tiếp khí ôxy dài vài trăm mét cho Tuân thở chỉ còn lại một đoạn ngắn. “Anh ấy đã lặn cách xa ghe rồi...”. Tú, em kế Tuân - nói rồi hỏi tôi: “Khu vực này chỉ sâu 3-4 m thôi, anh có muốn lặn theo em không?”. Tôi gật đầu dù trống ngực đã đập thình thịch. Khi tôi mặc đồ lặn xong, Tú đưa cho tôi mặt nạ và chiếc ống thở ôxy bảo ngậm vào miệng và dặn, khi xuống nước chỉ được thở bằng miệng, nếu thở bằng mũi nước sẽ chui vào mặt nạ ngay. Lúc này trông tôi cũng giống như một người thợ lặn thực thụ, chỉ khác không được đeo dây nịt bằng chì. Tú bảo, do tôi chưa quen lặn biển, đeo dây nịt nặng lúc trồi lên mặt nước sẽ rất khó.
Ánh sáng của chiếc đèn pin mờ dần rồi biến mất cùng Tuân trong biển đêm. Tôi rùng mình khi nghe những con sóng vỗ vào ghềnh đá ầm ào...
Lần đầu tiên lặn biển đêm, tôi thấy vừa phập phồng vừa thích thú khi Tú cầm tay tôi kéo xuống nước. Song cảm giác thích thú khi nhìn thấy mấy con cá nhỏ bơi trong làn nước trong rạn san hô như tan biến ngay khi tôi nhận ra mặt kính của chiếc mặt nạ đang mờ dần khiến nhìn không rõ. Giật mình, thì ra nãy giờ tôi thở bằng miệng lẫn bằng mũi nên hơi nước đã đọng đầy mặt kính. Phát hoảng, tôi trồi ngay lên mặt nước, vừa lột mặt nạ ra đã bị nước biển ộc vào miệng mặn chát. Tú lập tức đẩy tôi về phía mạn ghe. Cởi bộ đồ lặn ra khỏi người, tôi run cầm cập do nước biển thấm vào người lẫn cảm giác sợ hãi khi vừa thoát khỏi biển đêm.
“Dân ở đây nghèo lắm, bọn con trai chỉ học hết cấp một là ở nhà đi biển hết ráo. Thằng Út của tôi cũng đi biển nhưng tôi chưa cho lặn vì nghề này nguy hiểm lắm, phải từ 18 tuổi trở lên mới chịu nổi”- ông Mười nói.
Con tôm bé xíu giá 200.000 đồng
Gần hai giờ trôi qua, chẳng thấy Tuân và Tú ngoi lên mặt nước, tôi hỏi ông Mười liệu họ có bị gì không. Ông bình thản đáp: Tụi nó sắp lên rồi, không sao đâu. Ông Mười dứt lời, mặt nước phía trước ghe nổi lên đám sáng và di chuyển về phía ghe. Chúng tôi kéo Tuân lên. Cu Tí đổ chiếc túi lưới ra một mớ tôm cá lẫn lộn và nhặt ra từng thứ riêng. Ngồi nghỉ mệt, rít một hơi thuốc thật sâu, Tuân thở ra: “Trước đây, mỗi đêm lặn biển bắt được mấy chục con tôm hùm giống, mỗi con bán được 100.000 đồng, tính ra cũng được vài triệu đồng. Giờ nhiều đêm chẳng kiếm được con tôm hùm nào, chỉ bắt được tôm thường, ghẹ và cá mú bán hết chỉ đủ tiền chi phí đi biển”. Một lúc sau, Tú cũng ngoi lên mặt nước nhưng anh cũng chẳng bắt được con tôm hùm nào ngoài một mớ cua, cá.
Đợt lặn thứ hai của Tuân và Tú cũng kéo dài khoảng hai giờ. Khi trời tờ mờ sáng, họ mới trồi lên mặt nước. Lúc gần đến ghe, Tú cầm chiếc chai nhỏ giơ lên nói lớn: “Được một con tôm hùm xanh”. Tôi cầm chiếc chai chỉ thấy một con tôm tí xíu như chiếc tăm dài cỡ đốt tay đang bơi bên trong, trông chẳng khác gì com tôm giống thường. “Con tôm hùm nhìn kỹ mới biết, râu nó dài hơn tôm thường, đôi mắt nó to hơn... Thường ban ngày nó nằm trong kẽ đá, thò chiếc râu ra ngoài, ban đêm bơi đi kiếm ăn, phải thật tinh mắt mới phát hiện được. Khi bắt nó phải cho vào chiếc chai để khỏi bị chết...”- ông Mười cho biết, giờ do trái mùa nên con tôm hùm giống này bán được khoảng 200.000 đồng.
Cả nhà “cưỡi” lưng tôm
Đêm sau, tôi quay lại thôn Dư Khánh để đi lặn biển với gia đình anh Quang Ngọc. Nghe tôi gõ cửa, anh thức dậy bật đèn, mở cửa bước ra giọng buồn rười rượi. “Hôm qua đi biển không có tôm nên thằng Dinh con trai đầu của tui buồn đi uống rượu, trên đường về bị xe tông nên hôm nay không đủ người đi ghe ra biển”. Con trai anh Ngọc chỉ mới học lớp 5 đã bỏ học đi bắt tôm hùm.
Tuân và Tú trở về sau một đêm lặn biển
Mấy ngày nay, Cu Đen, con anh Võ Văn Thành nhà ở xóm Chợ Chiều, phường Đông Hải, TP Phan Rang-Tháp Chàm, không đi lặn biển đêm săn tôm hùm. “Cả tuần qua nó chẳng bắt được con tôm nào nên nản chí định bỏ vào Sài Gòn tìm việc làm”- chị Trần Thị Tha, mẹ của Cu Đen, buồn rầu. Nhà có 7 anh em, mới đến lớp 6, Cu Đen đã bỏ học đi bắt tôm hùm. Nhìn dáng người thấp bé của cậu trai, ít ai ngờ năm nay Cu Đen đã 23 tuổi. “Mấy năm trước, nghề bắt tôm hùm ở đây hái ra tiền, nó đi làm nuôi cả nhà. Giờ tôm ít dần, thu nhập gia đình sút giảm. Thằng Cu Đỏ, em của Cu Đen, mới học đến lớp 4, cũng phải bỏ học ở nhà phụ giúp gia đình mấy năm nay, chỉ còn đứa con gái út đang học lớp 7...” - anh Võ Văn Thành bỏ lửng câu nói.
Từ phường Đông Hải chạy về hướng khu du lịch Hoàn Cầu (huyện Ninh Hải), nhìn hai bên đường thấy các khu du lịch cao cấp đã mọc lên với những chiếc xe hơi sang trọng ra vào, tôi không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến những người dân nghèo nơi xứ biển này đang lao đao vì con tôm hùm giống ngày càng ít đi.
Ở phường Đông Hải, TP Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận), nhiều gia đình nghèo quá nên con trai mới mười ba, mười bốn tuổi đã phải đi lặn biển bắt tôm hùm giống. Có mấy đứa ham tôm lặn quá sâu nên đi biển vài năm bị điếc tai, bại liệt phải nằm một chỗ, tội lắm!
Trung Thanh (Theo VietLinh)