Bái Tử Long - Quảng Ninh hoang sơ và quyến rũ. Đây là điểm đến của những người thích du lịch khám phá. Vân Đồn - hòn đảo nhỏ nằm trong vịnh Bái Tử Long. Cách đây hàng chục năm những người đàn bà trên hòn đảo này đã hành nghề "săn giun biển". Loài này còn được gọi với cái tên quen thuộc khác là sá sùng. Đây là một loài khá hiếm và chỉ có ở một số ít bãi biển của Việt Nam.
Chạy đua cùng thời gian
5h30 sáng. Trải suốt Bãi Dài của Vân Đồn là hàng chục người đàn bà. Hành trang của họ giống nhau như đúc, chỉ khác về màu sắc. Nón đội đầu. Khăn quấn che kín mặt chỉ hở đôi mắt. Một chiếc mai dùng để đào cát. Một chai nước để uống và một chiếc giỏ để đựng những chú sá sùng.
Săn sá sùng ở bãi Dài (Vân Đồn, Quảng Ninh)
Họ cặm cụi đi khắp bãi biển. Thỉnh thoảng họ phi chiếc mai cắm sâu xuống cát. Chiếc mai hất tung đám cát lên phần lớn kèm theo một chú sá sùng dài khoảng 10 - 15cm đỏ hoe.
Để phát hiện và bắt được loài sá sùng đang ẩn mình sâu dưới lớp cát không hề dễ. Sáng sớm, khi thuỷ triểu rút ra xa để lộ nền đất pha cát in dấu hàng triệu vết bò ngoằn nghèo của sá sùng. Chẳng ai nhìn thấy chúng bò trên mặt cát bao giờ. Bình minh chưa lên, sá sùng đã rúc sâu xuống cát.
Hàng triệu vệt bò đan xen chằng chịt trên mặt cát là dấu vết duy nhất còn lại để từ đó người đi đào sá sùng phân biệt rành xem đâu là hoa, vân, lỗ... các dấu vết chúng bỏ lại. Nắng càng to chúng càng rúc sâu hơn. Lúc mới bình minh có thể chỉ cần phải đào 10 - 15cm là bắt được Sá sùng. Nhưng đến tầm 12h trưa có thể sẽ phải đào sâu từ 30 - 40cm.
Phát hiện chỗ nào có sá sùng đang ẩn mình dưới cát đã khó. Đào được sá sùng lên khỏi mặt đất không bị đứt, sứt mẻ còn khó hơn. Người "mới vào nghề" do non kinh nghiệm rất hay đào đứt người sá sùng. Mà sá sùng đã đứt, bị thương hoặc chết thì chẳng thể nào bán được. Có cho cũng chẳng ai lấy vì nó bị bẩn vào thịt và mất đi vị ngon ngọt độc đáo.
Vân Đồn ít trồng trọt, nuôi cấy. Đàn ông thì đi làm xa hoặc quanh quẩn với rừng. Đàn bà, con gái ở đây thì giỏi nhất là nghề bắt sá sùng. Chị Nguyễn Thị Thuỷ cho biết, nghề săn sá sùng đã có ở trên hòn đảo này từ rất lâu. Bản thân chị đã đi đào sá sùng được khoảng 20 năm nay.
Mùa sá sùng bắt đầu khoảng từ tháng 3 và kết thúc vào tháng 9 hoặc tháng 10. Một ngày săn sá sùng bắt đầu từ khoảng 5h sáng cho đến 12h trưa, tuỳ thuộc vào nhiệt độ ngoài trời. Nếu người nào sức khoẻ yếu, phải những hôm trời nóng 38 - 40 độ C thì chỉ khoảng 10h là đã phải về.
Chuyện bị ngất trên bãi biển vì ham đào mà say nắng xảy ra như cơm bữa. Thế nhưng, vì kế sinh nhai, vì đồng tiền cho cả gia đình mà những người đàn bà của Vân Đồn vẫn phải đánh đổi sức khoẻ.
Làm 6 tháng bằng cả năm
Nghề săn bắt sá sùng không hề nhàn. Thu nhập từ nghề này cũng không đến nỗi "hẻo" nếu không muốn nói là khá cao. Thế nhưng, chẳng hiểu sao chỉ có đàn bà con gái mới làm nghề này. Chị Thuỷ tâm sự, mỗi cân sá sùng tươi chị bán được từ 120.000 - 150.000đ, tuỳ thời điểm. Bình quân mỗi ngày chị "đào được" khoảng 400.000đ "dưới bãi cát". Sáng làm. Chiều nghỉ.
Một năm làm 6 tháng. Thời gian còn lại chị quanh quẩn làm lung tung chờ đến mùa sá sùng sang năm. Đó cũng là lý do vì sao những người đàn ông ở đây không đi đào sá sùng. Gia đình cần phải có một người làm nghề ổn định để phòng khi sá sùng "mất mùa" hoặc lúc trái vụ.
"Những ngày vào vụ sá sùng thì cũng dư dả lắm anh ạ. Những nơi khác thì coi sá sùng là đặc sản. Có tiền cũng khó kiếm được bữa sá sùng tươi mà ăn. Thế nhưng, những gia đình có người làm nghề đào bắt sá sùng như tôi thì ăn phát chán rồi. Vào mùa thì ngày nào cũng ăn. Ăn chán rồi thì mới bán hoặc thích ăn bao nhiêu thì cứ ăn thôi".
Như gia đình chị Thuỷ, một vợ một chồng cùng hai đứa con. Chồng làm thợ xây mỗi ngày cũng chỉ được khoảng vài chục ngàn. Chị làm nghề đào sá sùng từ trước khi lấy chồng. Với 400.000đ/ngày thì nó trở thành nguồn thu nhập chính trong gia đình.
"Mặc dù thu nhập cao như vậy nhưng hai đứa con của tôi chẳng đứa nào chịu "theo nghề" mẹ. Đứa nào cũng kêu vất vả. Không được ngẩng mặt lên với đời. Chỉ suốt ngày cắm mặt xuống bãi cát... Nhưng nhờ nguồn tiền đào được ấy mà vợ chồng tôi đã có thể cho con ăn học tạm gọi là đến nơi đến chốn. Con gái lớn năm nay thi đại học.
Cháu thích khoa kế toán trường kinh tế. Cũng mong con gái sẽ đỗ đạt để bõ công mẹ nó 20 năm trời đi đào sá sùng. Nghe chị nói vậy tôi thấy mừng. Thế nhưng rồi chị lại than rằng: "Không biết khi con đỗ thật, liệu tôi có đủ sức để đào sá sùng nuôi con không?"
Tiếng kêu cứu của loài giun biển
Du khách đến Bái Tử Long nếu nghỉ qua đêm tại Vân Đồn kiểu gì sáng ra cũng được xem hành nghề săn bắt sá sùng trên bãi biển. Rất nhiều du khách đi theo người đào để xem, rồi mua mớ sá sùng tươi. Các tay thương lái và những người sành ăn sá sùng đều cho rằng sá sùng của đảo Vân Đồn là loại có chất lượng cao nhất.
Loài sá sùng ở đây sau khi chế biến thành món ăn luôn giữ được độ giòn mà mềm, thơm ngát và ngọt lịm trong cuống họng... Chính vì vậy mà giá bán của sá sùng ở đây cũng cao hơn các nơi khác. Sá sùng của Vân Đồn cũng vì cái tiếng ấy mà theo chân du khách đi khắp các miền.
Chị Thuỷ tiết lộ rằng du khách đến đây rất thích mua sá sùng về để nhậu hoặc làm quà. Tươi thì 120.000đ/kg. Khô thì khoảng 2 triệu đồng/kg. Một kg sá sùng tươi sau khi phơi khô chỉ được khoảng một lạng. Sá sùng tươi có nếu để ở trong một chiếc giỏ khô ráo thoáng mát có thể sống được tới 4 ngày. Do vậy, du khách khi mua cũng có thể mang đi xa.
Loài sá sùng này được du khách Trung Quốc đặc biệt thích. Nhiều đầu nậu cũng đã thu mua, chế biến rồi mang xuất hàng sang Trung Quốc.
Lợi nhuận. Đặc sản. Nuôi con ăn học... Vì vô vàn những lý do như vậy mà mỗi ngày ở Bãi Dài - Vân Đồn có khoảng hơn 30 người phụ nữ bới tung cát để bắt sá sùng. Sá sùng sinh rản ra sao, tôi hỏi những người đi săn bắt chúng thì chẳng ai biết.
Họ chỉ biết bắt và bắt. Nhiều người đã than vãn rằng người đi bắt thì ngày càng tăng mà lượng sá sùng bắt được thì ngày một giảm. Nếu cứ đà này, chẳng mấy mà loài đặc sản biển của Vân Đồn sẽ bị xoá tên. Loài giun biển đang oằn mình kêu cứu.
Nguyên Thuỷ (Nguồn: tintuconline)