1. MỞ ĐẦU

Hệ sinh thái rạn san hô (RSH) là một trong những hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học cao nhất và cổ xưa nhất trên hành tinh (Cesar. H., 2002). Mặc dù tổng diện tích các RSH trên toàn thế giới chỉ chiếm ít hơn 0,2% diện tích bề mặt của đại dương, nhưng các RSH đóng vai trò là nơi nuôi dưỡng nguồn lợi, nơi sinh cư của hơn 1/4 loài cá biển được biết đến. Cho đến nay, khoảng 4000 loài cá và 800 loài san hô tạo rạn đã được phân loại và ghi nhận trên tất cả các vùng biển. Hàng triệu loài các sinh vật khác sống cố định trong rạn hoặc trong vòng đời của nó có liên quan tới hệ sinh thái vùng RSH (Burke và ctv., 2002).

Vùng biển Việt Nam hiện đã thống kê được hơn 2000 loài cá, trong đó hơn 500 loài thuộc nhóm cá sống gắn bó vòng đời trong rạn. Ngoài nguồn lợi cá rạn phong phú, rạn san hô còn cung cấp cho con người nhiều hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, bào ngư, trai ngọc, hải sâm... Một số nghiên cứu đã chỉ ra nhiều nhóm sinh vật có hoạt tính sinh học hoặc độc tố có giá trị dược liệu đã được tìm thấy trong các rạn san hô (Võ Sĩ Tuấn, Nguyễn Huy Yết, 2001).

Dưới tác động của các hoạt động con người và thiên nhiên, các rạn san hô ở nước ta đang thay đổi mạnh mẽ theo hướng tiêu cực, nhiều rạn san hô đã bị phá huỷ nghiêm trọng, diện tích rạn ở nhiều khu vực ngày càng bị thu hẹp. Để góp phần khắc phục hiện tượng này, từ năm 2007 đề tài KC09.04/06-10 đã tiến hành nghiên cứu hiện trạng hệ sinh thái rạn san hô ở 4 đảo Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Côn Đảo và Phú Quốc. Sử dụng số liệu từ các chuyến điều tra của đề tài, báo cáo này tổng hợp lại một số kết quả nghiên cứu về hiện trạng thành phần loài san hô cứng, độ phủ san hô sống, chất lượng rạn san hô ở 4 đảo và những tác động chính ảnh hưởng đến hệ sinh thái rạn san hô từ năm 2007 đến 2008.

2. TÀI LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Phạm vi, thời gian và đối tượng nghiên cứu

* Phạm vi nghiên cứu: Địa điểm nghiên cứu là 4 vùng đảo dự kiến thiết lập khu bảo tồn biển trong hệ thống 15 khu bảo tồn biển quốc gia, cụ thể là: Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Côn Đảo và Phú Quốc.

* Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 1/2007 đến tháng 12/2008, tiến hành khảo sát 2 chuyến/đảo/1 năm, 1 chuyến đại diện cho mùa gió Đông Bắc và 1 chuyến đại diện cho mùa gió Tây Nam.

* Đối tượng nghiên cứu: Rạn san hô có độ sâu <25m nước xung quanh 4 đảo. Các nội dung chủ yếu là xác định thành phần loài san hô cứng; độ phủ san hô sống và các hợp phần đáy khác, và diện tích rạn.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

2.2.1. Phương pháp nghiên cứu thành phần loài san hô cứng

+ Phân loại san hô cứng:

Thành phần loài san hô được xác định bằng cách lặn có khí tài quan sát trực tiếp. Phần lớn các loài được phân loại trực tiếp ngoài thực địa dựa vào hình thái và màu sắc tập đoàn, cho trường hợp một số loài hiếm ít gặp, không thể xác định ngay ngoài thực địa thì tiến hành chụp ảnh, thu mẫu và mang về phòng thí nghiệm. Dựa vào hình thái, cấu trúc bộ xương và ảnh chụp, các mẫu san hô này được phân loại đến loài trong phòng thí nghiệm.

Tài liệu dùng để phân loại chủ yếu là của tác giả Veron.J.E.N, 2000; Julian Sprung, 1999...

+ Đánh giá mức độ tương đồng loài giữa các quần xã san hô:

      Sử dụng chỉ số tương đồng loài Sorensen (Nguyễn Xuân Huấn, 2003) và tham khảo phân tích gộp nhóm (cluster via distance methods) trên phần mềm STATISTICA version 10.0.   

 Trong đó: A là số loài ở đảo thứ nhất, B là số loài ở đảo thứ hai và C là số loài chung giữa 2 đảo so sánh, S là chỉ số Sorensen (có giá trị từ 0 đến 1, càng gần 1 thì mức độ tương đồng thành phần loài càng lớn).

2.2.2. Phương pháp xác định độ phủ san hô sống và các hợp phần đáy khác

+ Độ phủ của san hô và các hợp phần đáy khác: Được xác định bằng phương pháp Reefcheck theo qui trình hướng dẫn của English (1994). Sử dụng phương pháp lặn sâu với thiết bị SCUBA, độ phủ san hô và các hợp phần đáy được ghi nhận ở từng điểm cách nhau 0,5m dọc theo các dây mặt cắt dài 100m được rải song song với bờ trên đới sườn rạn.    

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Thành phần loài san hô cứng

Kết quả nghiên cứu từ năm 2007 đến 2008 đã xác định được tổng số 320 loài san hô cứng thuộc 60 giống và 15 họ, phân bố xung quanh các rạn san hô ở 4 đảo. So sánh mức độ đa dạng sinh học giữa các đảo thì các rạn san hô ở Phú Quốc có thành phần loài đa dạng nhất 258 loài san hô cứng thuộc 49 giống và 15 họ, tiếp theo là đảo Côn Đảo có 217 loài san hô cứng thuộc 59 giống và 15 họ; đảo Cồn Cỏ 111 loài, 41 giống, 14 họ và thấp nhất là đảo Bạch Long Vĩ 99 loài, 32 giống, 13 họ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, sự tương đồng về thành phần loài san hô sống giữa các đảo nghiên cứu khá cao, hệ số tương đồng (S) dao động từ  0,47 – 0,75. Như vậy có thể thấy, số lượng loài chung giữa các đảo nghiên cứu chiếm tỷ lệ khoảng 47-75%, thể hiện sự giống nhau về thành phần loài giữa các đảo nghiên cứu khá lớn (Bảng 1).

Mặc dù khó có thể nhận thấy qui luật rõ ràng về ảnh hưởng của vùng địa lý đến sự giống nhau về thành phần loài san hô cứng giữa các đảo, nhưng nhìn chung đối với một số đảo gần nhau về mặt địa lý, hệ số tương đồng có xu hướng cao hơn so với các đảo xa nhau về mặt địa lý. Số loài chung giữa 2 đảo nằm trong vịnh Bắc Bộ là Bạch Long Vĩ và Cồn Cỏ chiếm tới 75%; Côn Đảo và Phú Quốc là 65%; Cồn Cỏ và Côn Đảo là 64%. Tỷ lệ giống nhau về thành phần loài giữa 2 đảo xa nhau là Bạch Long Vĩ và Phú Quốc thấp nhất 47%.

Bảng 1. Hệ số tương đồng về thành phần loài san hô cứng giữa 4 đảo nghiên cứu

 

Cồn Cỏ

Côn Đảo

Phú Quốc

Bạch Long Vĩ

0,75

0,56

0,47

Cồn Cỏ

0,64

0,49

Côn Đảo

0,65

So sánh mức độ đa dạng sinh học san hô cứng nước ta so với nước khác cho thấy: mặc dù tổng diện tích rạn san hô nước ta chỉ đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á, nhưng số lượng thành phần loài san hô cứng ở nước ta lại chiếm vị trí thứ 4 sau các nước Indonesia, Philippines và Malaysia (Burke và ctv., 2002).

3.2. Độ phủ san hô và các hợp phần đáy khác

Các hợp phần đáy chính quan sát ở 4 đảo từ năm 2007 đến 2008 là san hô sống 28,88%; đá 26,72%; cát 13,80%; san hô chết 12,05% và rong tảo 7,05%. Một số hợp phần đáy khác chiếm tỷ lệ không đáng kể, đặc biệt là hải miên (SP) chỉ quan sát thấy ở 2 đảo Bạch Long Vĩ và Côn Đảo với phần trăm rất thấp (Bảng 2).

Độ phủ san hô sống có xu hướng tăng dần ở các đảo từ Bắc vào Nam. Độ phủ san hô sống trung bình lớn nhất ở đảo Phú Quốc (36,44%), tiếp theo là các đảo Côn Đảo, Cồn Cỏ và Bạch Long Vĩ. Ở từng đảo riêng lẻ, san hô có xu hướng phân bố tập trung ở một số mặt cắt, sự khác nhau về độ phủ san hô sống giữa các mặt cắt ở mỗi đảo là rất lớn.

Ở 2 đảo có độ phủ san hô lớn là Phú Quốc và Côn Đảo, độ phủ san hô chết đồng thời cũng cao hơn 2 đảo còn lại. Trường hợp của đảo Côn Đảo, san hô chết chủ yếu do tác động của cơn bão Linda năm 1997 (Võ Sĩ Tuấn, Phan Kim Hoàng, 1996; Sĩ Tuấn, Nguyễn Huy Yết, 2001), sau đấy là hiện tượng ngọt hoá nước biển tháng 10 năm 2005 (Đặng Văn Thi và ctv., 2005). Phần lớn san hô chết ở 2 đảo này là san hô đã chết lâu, san hô mới chết (RKC) được định nghĩa như là san hô chết trong vòng 1 năm trở lại không quan sát thấy ở 2 đảo này mà chỉ thấy ở 2 đảo Bạch Long Vĩ và Cồn Cỏ. Điều này chứng tỏ các tác động do con người và thiên nhiên ở 2 đảo Phú Quốc và Côn Đảo chưa ảnh hưởng nhiều đến rạn san hô ở khu vực này trong năm gần đây.

Acropora formosa và A. nobilis
(đảo Phú Quốc)

Bảng 2. Độ phủ (%) của các hợp phần đáy tại 4 đảo nghiên cứu từ năm 2007- 2008

Tên đảo

DC

FS

HC

OT

Rb

RC

RKC

SC

SD

SP

Bạch Long Vĩ

6,47

23,24

15,74

2,06

1,32

38,82

0,15

0,44

11,32

0,15

Cồn Cỏ

8,09

8,94

27,62

0,85

6,44

23,43

0,95

9,59

14,09

0,00

Côn Đảo

15,24

5,16

29,71

1,45

6,92

28,14

0.00

2,70

10,65

0,02

Phú Quốc

10,19

0,58

36,44

2,40

3,08

19,33

0.00

0,19

27,79

0,00

Trung bình

12,05

7,05

28,88

1,48

5,82

26,72

0,25

3,91

13,80

0,03

Ghi chú: DC: san hô chết; FS: rong tảo; HC: san hô cứng; OT: khác; Rb: mảnh vụn san hô chết; RC: đá; RKC: san hô mới chết; SC: san hô mềm; SD: cát; SP: hải miên)

San hô sống cứng:

Xem xét xu hướng thay đổi độ phủ theo thời gian cho thấy sự suy giảm mạnh mẽ nhất ở các rạn san hô xung quanh đảo Bạch Long Vĩ, độ phủ san hô sống trung bình giai đoạn 1995-1997 là 64% giảm xuống còn 15,74% giai đoạn 2007-2008 (Marine protected network in Vietnam., 2007). Ở Phú Quốc cũng cho thấy sự suy giảm nhẹ sau hơn 5 năm (Nguyễn Văn Long, 2002). Trái ngược với xu hướng trên, xu hướng gia tăng rõ ràng về độ phủ san hô sống được quan sát thấy ở các rạn san hô xung quanh đảo Côn Đảo, từ 17,3% năm 1998 lên 29,71% giai đoạn 2007-2008, chứng tỏ các rạn san hô nơi đây sau khi bị tàn phá bởi cơn bão Linda năm 1997 đang có dấu hiệu phục hồi rất tốt (Võ Sĩ Tuấn, Nguyễn Huy Yết, 2001). Bằng chứng là trong quá trình khảo sát, quan sát thấy nhiều polyp non bắt đầu mọc trở lại trên nền đáy hay trên các tập đoàn san hô chết. Hiện tượng phục hồi phổ biến nhất ở các mặt cắt ở Hòn Cau, Hòn Đất Dốc và Hòn Bông Lan.

3.3. Các tác động chủ yếu ảnh hưởng đến rạn san hô

Bằng việc quan sát trực tiếp từ các chuyến đi khảo sát thực địa kết hợp với các nghiên cứu trước đây của các tác giả...6 tác động gồm: khai thác hải sản, nuôi trồng thuỷ sản, du lịch biển, phát triển đô thị, giao thông đường thuỷ và xói lở ven biển được xác định là những nguyên nhân chính tác động đến hệ sinh thái rạn san hô ở 4 đảo. Các tác động thể hiện mức độ khác nhau giữa các đảo, tuy nhiên khai thác hải sản và phát triển đô thị được coi như là những tác động mạnh nhất đến rạn san hô ở 4 đảo.

Khai thác hải sản (khai thác quá mức, khai thác huỷ diệt) thể hiện mức độ mạnh nhất ở đảo Phú Quốc, nơi theo kết quả điều tra có khoảng 78 chiếc tàu thường xuyên khai thác trên rạn, thể hiện mức độ tác động trung bình ở 2 đảo Bạch Long Vĩ và Côn Đảo nơi có số lượng tàu thường xuyên khai thác trên rạn là 32 chiếc và 77 chiếc (Đỗ Văn Khương và ctv, 2008). Bằng chứng cho tác động từ khai thác hải sản là những mảnh lưới còn sót lại trên các tập đoàn san hô, hay những tập đoàn san hô bị chết còn nguyên cấu trúc do đánh cá bằng thuốc độc được quan sát thấy trong lúc lặn.

Astreopora myriophthalma và Acropora vaughani
(Côn Đảo)

Phát triển đô thị cũng được xem là một tác động quan trọng, tuy tác động này chưa thể hiện rõ ở các rạn san hô khu vực đảo Bạch Long Vĩ nhưng đã thể hiện ảnh hưởng nhất định ở 3 đảo còn lại. Bằng chứng rõ ràng nhất là ở các rạn san hô khu vực Bến Đầm, nơi gần với khu vực đang xây dựng cảng và Mũi Lò Vôi nơi gần với khu vực đang xây dựng khu nghỉ mát ở Côn Đảo, phù sa, bùn sình và các chất thải xây dựng khác đã vùi lấp các tập đoàn san hô ở gần 2 khu vực này.

Du lịch sinh thái biển chưa có ảnh hưởng rõ ràng đến hệ sinh thái rạn san hô ở 4 đảo nhưng đã có tác động nhất định đến rạn san hô ở 2 đảo Phú Quốc và Côn Đảo. Trong các chuyến khảo sát đã quan sát thấy các túi nylon, hộp nhựa, vỏ lon bia... được thải ra từ các tàu chở khách du lịch. Hiện tại, lượng khách thường xuyên đến du lịch ở 2 đảo này chưa nhiều, nhưng cùng với chiến lược phát triển du lịch ở 2 đảo này thì vấn đề ô nhiễm do các hoạt động du lịch mang đến cho rạn san hô cũng nên được xem xét.

Các tác động chính ảnh hưởng đến rạn san hô ở 4 đảo

Tên đảo

 Tác động

Bạch Long Vĩ

Cồn Cỏ

Côn Đảo

Phú Quốc

Khai thác hải sản

Trung bình

Trung bình

Trung bình

Mạnh

Nuôi trồng thuỷ sản

Yếu

Yếu

Yếu

Trung bình

Du lịch biển

Yếu

Yếu

Trung bình

Trung bình

Phát triển đô thị

Yếu

Trung bình

Trung bình

Trung bình

Giao thông đường thuỷ

Yếu

Yếu

Trung bình

Yếu

Xói lở ven biển, từ các cửa sông

Yếu

Yếu

Trung bình

Yếu

 

 

 

 

 

Nhìn chung, các tác động ảnh hưởng đến rạn san hô ở 4 đảo được chỉ ra trong nghiên cứu này cũng là những tác động phổ biến ở các rạn san hô khác ở nước ta và các nước khác. Theo Burke và ctv, 2002 các tác động chính ảnh hưởng đến rạn san hô ở nước ta và các nước khác trong khu vực là khai thác huỷ diệt, khai thác quá mức, trầm tích gây ra từ các hoạt động trên đất liền, ô nhiễm biển và phát triển ven bờ, trong đó, khai thác huỷ diệt là tác động nguy hiểm nhất. Ví dụ, cho trường hợp của nước ta, 85% các rạn san hô bị tác động ở mức trung bình trở lên đến rất cao do hoạt động khai thác này. Với tổng diện tích rạn cả nước ước tính 1122 km2, cũng theo tác giả 96% diện tích rạn san hô nước ta đang gặp phải mức độ rủi ro từ trung bình đến rất cao, con số này cao hơn so với các nước khác trong khu vực và những nước lân cận, ngoại trừ Philippines là 98% (www.wri.org/wri/reefsatrisk).

4. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT

4.1. Kết luận

- Ở 4 đảo nghiên cứu thành phần loài san hô sống có xu hướng tăng dần từ Bắc vào Nam. Các đảo gần nhau về mặt địa lý như Bạch Long Vĩ và Cồn Cỏ; Côn Đảo và Phú Quốc hệ số tương đồng có xu hướng cao hơn.

- Nhìn chung, chất lượng rạn san hô ở 4 đảo từ năm 2007 đến 2008 là kém. Phần lớn các rạn san hô được xếp vào loại nghèo và trung bình, độ phủ trung bình san hô sống ở 4 đảo là 28,88% và có xu hướng cao hơn ở các đảo phía nam so với các đảo phía bắc.

- Trong những năm gần đây, độ phủ san hô sống có xu hướng suy giảm ở hầu hết các đảo, ngoại trừ Côn Đảo nơi ghi nhận có dấu hiệu phục hồi của san hô cứng. Sự suy giảm mạnh nhất được quan sát thấy ở đảo Bạch Long Vĩ, nơi có các hoạt động khai thác diễn ra mạnh mẽ.

- Nhìn chung, khai thác hải sản và phát triển đô thị là 2 tác nhân xấu gây ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến rạn san hô ở 4 đảo. Hoạt động du lịch hiện tại chưa gây ảnh hưởng nhiều đến các rạn san hô nhưng trong tương lai hoạt động này sẽ gây ra những tác động tiêu cực rõ ràng đến rạn nếu không được quản lý và phát triển hợp lý.

4.2. Đề xuất các hướng nghiên cứu

- Cần tiến hành nghiên cứu lượng giá kinh tế rạn san hô để đưa ra các cơ sở khoa học có sức thuyết phục cao phục vụ quản lý, sử dụng bền vững hệ sinh thái rạn san hô.

- Tiến hành nghiên cứu các mô hình có khả năng áp dụng vào thực tiễn nhằm phục hồi những rạn san hô đã bị phá huỷ: mô hình thả rạn nhân tạo, mô hình trồng mới san hô…

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Xuân Huấn, 2003. Sinh học nghề cá. Tài liệu giảng dạy cho các nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Hải sản năm 2003, Viện Nghiên cứu Hải sản, Hải Phòng.

2. Đỗ Văn Khương và ctv, 2008. Báo cáo tổng kết khoa học kỹ thuật đề tài “Đánh giá nguồn lợi cá rạn san hô ở một số vùng dự kiến thiết lập khu bảo tồn biển và một số loài hải sản có giá trị kinh tế cao ở dốc thềm lục địa Việt Nam, đề xuất các giải pháp sử dụng bền vững nguồn lợi”. Viện Nghiên cứu Hải sản, Hải Phòng.

3. Nguyễn Văn Long, 2002. Đề án Khu bảo tồn biển Phú Quốc - Phần San hô. Viện Hải dương học Nha Trang, Khánh Hoà.

4. Đặng Văn Thi và ctv, 2005. Tổng quan nguồn lợi vùng biển Đông Nam Bộ, tr.8-10. Phòng Nghiên cứu Nguồn lợi Sinh vật biển - Viện Nghiên cứu Hải sản, Hải Phòng.

5. Võ Sĩ Tuấn và Phan Kim Hoàng, 1996. Thành phần loài san hô cứng (Scleractinia - Hexacorallia-Anthozoa) ở vùng biển Việt Nam. Tuyển tập Nghiên cứu Biển, tập 7, tr.194-204.

6. Võ Sĩ Tuấn và Nguyễn Huy Yết, 2001. Nghiên cứu bổ sung, cập nhật và hệ thống hoá tư liệu về rạn san hô biển Việt Nam. Viện Hải dương học Nha Trang.

7. Nguyễn Huy Yết, 2000. Thành phần loài và sự phân bố của san hô cứng (Scleractinia- Anthozoa) ở các đảo Bạch Long Vĩ và Cồn Cỏ. Báo cáo khoa học Hội nghị Sinh học Quốc gia. NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.

8. Burke, L., Selig, L., Spalding, M., 2002. Reefs at risk in Southeast Asia. In: Pomeroy, R.S (2005). How is your MPA doing? A methodology for evaluating the management effectiveness of marine protected area. Ocean & Coastal Management 48, 485-502.

9. Cesar.H et al., 1997. “Indonesian Coral Reefs - An economic analysis of a precious but threatened resource”, Ambio 26, 1(1997): 345-58.

10. Cesar. H., 2002. The biodiversity benefits of coral reef ecosystems: values and markets. Cesar Environmental Economics Consulting, Amsterdam, The Netherlands.

11. English, S., Wilkinson, C. & Baker, V., 1994. Survey manual for tropical marine resources. Australian Institute of Marine science, Townsville MC, Qld 4810, Australia.

12. Gomez, E. D và Alcala, A.C., 1984. Survey of Philippine coral reefs using transect and quadrat techniques. UNESCO 21: 57-69.

13.Marine protected area network in Vietnam, 2007. Gi?i thi?u v? khu b?o t?n biển Bạch Long Vĩ. http://www.fistenet.gov.vn/mpanet/modules.php?name=CMS&op=detailscms&mid=13

14. Julian Sprung, 1999. Corals: A quick reference guide. Ricordea Publishing, Coconut Grove, Florida 33133 USA.

15. Veron J.E.N, 2000. Corals of the World, Vol. 1, 2, 3. Australian Insitute of Marine Science,  PMB 3, Townsville MC, Qld 4810, Australia.

Lê Doãn Dũng
Đỗ Văn Khương<br>Phòng Nghiên cứu Bảo tồn biển