Cá chình trở thành đặc sản chỉ vài năm trở lại đây. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, một số ngư dân Phú Quý chuyển từ câu mực, đánh cá sang nghề khai thác cá chình. Cái nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng hết sức công phu và nguy hiểm.
Toàn huyện đảo, nghề khai thác cá chình chỉ có ở thôn Phú Long- Long Hải, nhưng cũng chỉ tập trung ở một số hộ. Theo ông Nguyễn Hồng Đức, Chủ tịch UBND xã Long Hải, so với những nghề đánh bắt khác vài năm gần đây, cá chình đã mang lại lợi nhuận lớn cho ghe thuyền dám đầu tư khai thác loại này. Nhất là những tháng đầu năm 2007, các thuyền đánh bắt cá chình đều làm ăn khá, bình quân mỗi tháng, một bạn thuyền cũng kiếm vài triệu đồng. Ưu điểm của nghề này là đánh bắt quanh năm, lại chỉ đánh bắt gần bờ, cách 5-10 hải lý nên tàu thuyền không phải đi khai thác dài ngày. Tuy nhiên, việc thu mua trên đảo vẫn còn bấp bênh, giá cả do thương lái định đoạt. Chính vì vậy, thỉnh thoảng ngư dân khổ vì thương lái làm eo, ép giá.
Nghề săn cá chình ở đảo đã có từ 5-7 năm nay. Bắt đầu từ việc ngư dân Phú Quý đi đánh bắt tận Trường Sa, nhặt được những chiếc rọ săn cá chình của tàu thuyền Trung Quốc bỏ sót. Thế là bà con nhặt về mày mò học. Và từ những chiếc rọ tuy hiện đại nhưng rườm rà của bạn thuyền Trung Quốc, họ tự chế lại dụng cụ đánh bắt mới phù hợp với địa phương. Đó là những ống nhựa cứng, to, hai đầu bịt kín, dài khoảng 0,8-1 m có đục lỗ thoát nước, luồn dây và có nơi gắn mồi nhử cá. Chỉ chừng ấy thôi và họ ra khơi. Ông Trần Quyết, một trong những chủ ghe khai thác cá chình vừa chỉ cho chúng tôi cái sáng kiến chế lại công cụ săn cá chình của mình, vừa kể chuyện chuyển nghề. Trước đây, chiếc thuyền 45 CV của ông chuyên làm nghề đánh lưới cá chàm. Tuy nhiên, ông nhận thấy chi phí cho đánh bắt cá chàm cao mà lãi không nhiều, do loại cá này thường xuyên làm hư lưới. Đúng vào lúc cá chình có giá, trong thôn bàn nhau chuyển nghề. Thế là ông trở thành một trong những người tiên phong. Bán lưới cá chàm, đầu tư thêm khoảng 15 triệu mua 150 cái rọ, rồi rủ thêm 3-4 bạn chài nữa tham gia khai thác.
Hiệu quả bất ngờ
Ông Quyết nói trước bão số 9, cá chình trên đảo dày đặc. Chỉ cần đi loanh quanh cách bến 5-10 hải lý, thả rọ là chuyến biển nào trở về, thuyền ông cũng đầy ắp 8-10 tạ cá chỉ sau một đêm. Giá cá chình khá cao, bình quân 20 ngàn đồng/kg, nên mỗi chuyến biển trừ chi phí cũng chia được cho bạn chài từ vài trăm đến một triệu đồng. Cá chình có sản lượng ổn định, lại đánh bắt quanh năm, chuyến biển nào cũng có chứ không bấp bênh như câu mực, đánh cá. Điều đó đã kích thích những ghe thuyền làm nghề này đầu tư thiết bị, phương tiện đánh bắt ngày càng hiện đại. Ông Quyết tính, cá chình cho ông thu nhập gấp đôi, thậm chí hơn nữa so với nghề đánh lưới cá chàm trước đây của mình.
Lợi nhuận trước mắt là vậy, nhưng số người làm nghề săn cá chình trên đảo giờ thực sự không nhiều. Ông Đặng Yến, một bạn chài đi cùng tàu ông Quyết cho biết; trước đây cả thôn có nhiều ghe tham gia khai thác cá chình. Nhưng sau đó, số ghe làm nghề này giảm hẳn, nhất là sau bão số 9. Một phần ghe thuyền bị thiệt hại, còn lại nhiều người ngại nguy hiểm.
Những người săn cá chình cho biết, nếu trúng luồng, mỗi rọ như vậy chứa 3-5 con. Chúng chen chúc nhau ăn mồi và dính bẫy. Đó là những con có trọng lượng trung bình 5-10kg. Còn trúng có con lớn đến 15 - 16kg, thậm chí có con đến 20 kg thì một rọ chứa được 1 con. Những con cá to này rất hung dữ, nên khi kéo lên người đánh bắt dễ bị tấn công, nhất là khi bắt chúng từ rọ cho vào thùng chứa. Nếu không khéo, người bắt sẽ bị 3 - 4 con tấn công một lúc thì không biết đường nào mà tránh.
Nghề mạo hiểm
Ông Yến giơ hai bàn tay đầy sẹo, bằng chứng của những chuyến biển bị cá chình tấn công. Ông chỉ ngón tay áp út bị tật, dấu vết của cái lần suýt bị mất luôn cả ngón tay vì đụng phải một con chình quá dữ. Ông Quyết bảo, dường như chuyến biển nào, ông và bạn chài trên tàu cũng bị xây xát vì cá chình. Bởi vậy mà trên tàu luôn phải trang bị bông băng, thuốc sát trùng và người đánh bắt thì phải trang bị cho mình….lòng can đảm. Từ sau bão số 9, lượng cá giảm hẳn nên những người săn cá chình phải đi xa hơn, trên 10 hải lý, có khi đến 20 hải lý mới tìm được luồng cá. Cũng do phải đi xa nên thời gian đánh bắt bây giờ tăng lên 2 đêm. Bạn chài cũng cần nhiều hơn vì phải bảo quản thiết bị nặng nề, lại chuyên chở cồng kềnh. Do nhu cầu của thương lái thích mua cá lớn, 10-20 kg/con nên các tàu phải tìm bắt cá lớn, đánh bắt càng vất vả, nhất là khi kéo cá từ rọ lên tàu. Họ dong tàu đến nơi khai thác khoảng 10 giờ đêm rồi chuẩn bị rọ, mồi. Khoảng 12 giờ đêm thả rọ. Chờ đến 9-10 giờ trưa hôm sau là bắt đầu kéo cá. Rồi lại thả thêm chuyến nữa và đến giữa ngày hôm sau là trở về. Đi dài ngày hơn nên các tàu phải trang bị thùng kiên cố để nhốt cá, tránh bị cá tấn công và chuẩn bị cả bình oxy giữ cho cá sống, phòng khi về đất liền, thương lái làm eo hạ giá hoặc chê cá nhỏ thì giữ lại nuôi. Thời gian gần đây, chi phí cho việc săn cá chình tăng lên rất nhiều do phải đầu tư thêm bình oxy, xăng dầu đánh bắt xa và mồi đắt đỏ. Cá chình chỉ ăn duy nhất một loại mồi là đầu và xương cá chàm. Thứ này trước đây bỏ không, nay người đánh bắt phải mua 5.000 đồng/kg. Nguy hiểm, nhưng ông Yến, ông Quyết, ông Ngọc, những người săn cá chình ở thôn Phú Long vẫn làm và thừa nhận đó là nghề làm giàu của những ngư dân quen mạo hiểm.
MINH HẰNG (Theo vietlinh)