Theo Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam bộ, các nguồn chất thải trong nuôi trồng thuỷ sản ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long hàng năm thải ra 450 triệu mét khối bùn thải và chất thải chưa được xử lý.

Riêng chất thải nuôi cá tra và cá ba sa trên 2 triệu tấn/ năm. Các chất này là do thức ăn dư thừa, thối rữa bị phân huỷ, các  chất tồn dư trong sử dụng hoá chất, thuốc kháng sinh, vôi… tạo thành chất độc trong môi trường nước. Đặc biệt, chất thải ao nuôi công nghiệp có chứa trên 45% Nitrogen và 22% chất hữu cơ khác vượt mức cho phép, làm mất cân bằng sinh thái trong nuôi trồng thuỷ sản dẫn đến cá tra, cá ba sa chết hàng loạt trên diện rộng vừa qua ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

Dù đang ở mùa mưa, mực nước ở các sông luôn cao nhưng dọc theo bờ kênh Bò Ót, kênh Bà Chiêu, kênh Thắng Lợi 2, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, mỗi ngày hàng chục máy bơm nước đều chạy hết công suất để kịp đủ nước lấy vào ao nuôi cá tra khi nước ngoài kênh còn đầy, để nguồn nước bị ô nhiễm. Nước bơm vào kênh bê tông được đào âm qua mặt lộ, có chiều dài từ 300 đến 500 mét chảy vào ao nuôi, hoà vào nước trong ao để làm giảm mức ô nhiễm từ nguồn thức ăn dư thừa. Cùng với việc lấy nước vào ao, mỗi hồ đều trang bị thêm một máy bơm được đặt trong ao bơm nước thoát ra dòng kênh. Cứ thế hộ này đưa nước ra, hộ khác bơm nước vào ao nuôi. Tất cả đều cùng chung 1 dòng kênh.

Ông Nguyễn Văn Đệ, ấp Thới Bình A, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt người có thâm niên trong nghề nuôi cá tra cho biết, ấp cho 56 hộ nuôi cá tra, nhưng chỉ có 30% hộ nuôi có ao lắng để xử lí bùn đáy ao, 70% hộ còn lại đều xả thẳng ra kênh. Lúc đó cả dòng kênh Thắng Lợi 2 nước đen ngòm, mùi hôi bốc lên nồng nặc, nhất là vào những ngày nắng gắt. Việc này diễn ra nhiều năm, vẫn không được cơ quan quản lí môi trường nhắc nhở. Ông Đệ bức xúc: “Bà con nuôi thì nước lớn ông này bơm lên, ông kia xả xuống, nước dưới đáy ao bơm ra đen sông luôn, nước dơ dữ lắm. Thực trạng hienẹ nay bà con nuôi rất đông, nhưng rủi ro rất lớn như về môi trường. Vì bệnh dịch đang lan tràn, cá bị bệnh bàng, 10 ao có 7 ao bị nhiễm, nên sợ nhất là bùn đáy ao rút thả ra sông”.

Khảo sát thực tế nhiều của Sở Tài nguyên và Môi trường tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường ở những khu vực nuôi cá tập trung đã đến lúc báo động.

Tại tỉnh đầu nguồn Đồng Tháp, từ thị trấn Hồng Ngự theo tỉnh lộ 814 qua các xã Thường Lạc, Thường Thới Tiền, dọc 2 bên đường ao nuôi cá tra san sát, nhìn xuống ao nước đen ngầu mùi hôi nồng nặc. Tại ấp 5 xã Thường Lạc hàng chục hầm nuôi cá tra nằm cách con sông Sở Thượng 250 mét không nơi dẫn, thoát nước, nên mỗi hộ đều trang bị máy bơm cùng ống cao su đường kính cỡ 4 đến 5 tấc để bơm cấp, thoát nước. Tỉnh An Giang cũng tương tự như tỉnh Đồng Tháp. Không chỉ cá nuôi ở những vùng ven sông lớn, vùng nông thôn mà ngay tại xã Cù Lao Mỹ, Hoà Hưng cặp sát thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang cũng bị nạn đào ao nuôi cá tra, làm phá vỡ cảnh quan, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong khi đó thì dọc sông Tiền, sông Hậu như xã Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ; xã Tân Lược, Tân Quới, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long… tất cả nước thải ô nhiễm và đáy ao bơm trực tiếp ra sông để ăn uống và sinh hoạt. Nuôi trồng thủy sản ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long đang bộc lộ nhiều vấn đề tồn tại và thiếu bền vững về nhiều mặt, ông Nguyễn Văn Thạnh, Giám đốc sở Thuỷ sản tỉnh An Giang cho biết: “Để ngăn chặn đào ao nuôi cá tự phát theo tôi cần có một giải pháp hữu hiệu đó là quy hoạch lại… Trong quy hoạch này không chỉ tỉnh An Giang, mà còn có vai trò của Bộ Thuỷ sản về quy hoạch chung cho Đồng bằng Sông Cửu Long. Như vậy các tỉnh dựa vào nền chung của Bộ để có điều chủng cho quy hoạch chung củâ từng tỉnh. Trong quy hoạch có đưa ra một số biện pháp và dự án để triển khai cụ thể về quy trình nuôi, cống, ao hầm… làm như vậy nó sẽ tác động lớn đến nghề nuôi theo chiều hướng bền vững, ổn định, phát triển”.

Trong lúc này ở Đồng bằng Sông Cửu Long giá cá tra, cá ba sa vẫn còn đứng ở mức cao, việc phát triển đào ao nuôi cá vẫn còn tiếp diễn. Và câu chuyện về con cá tra luôn là vấn đề thời sự từ nông thôn đến thành thị, trong những buổi tiệc hay trong quán sá bên đường ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Vì rằng, chỉ qua một vài vụ nuôi, trong thời gian ngắn, cá tra đã làm một số nông dân ở vùng nông thôn đã trở thành tỉ phú. Nhiều người sẵn sàng phá bỏ những vườn cây ăn trái chuyên canh đã gầy dựng hàng chục năm để tiếp tục mở rộng diện tích đào ao nuôi cá.

Trong khi đó chính quyền địa phương các tỉnh chỉ đưa ra những quy định chung chung, không có biện pháp chế tài vụ cụ thể xử phạt trường hợp nào gây ô nhiễm môi trường, mặc dù Luật Bảo vệ môi trường đã quy định rõ những hành vi gây ô nhiễm môi trường phải được phát hiện và xử lý nghiêm khắc. Còn lúc này Bộ Thuỷ sản vẫn loay hoay với chuyện quy hoạch vùng nuôi. Và sông Tiền, sông Hậu tiếp tục oằn mình gánh chịu hàng triệu chất thải bị ô nhiễm từ các ao đổ ra mỗi năm. Môi trường nước bị nhiễm đang là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến dịch bệnh làm cá chết hàng loạt. Nếu biện pháp này ngay từ bây giờ không được khắc phục kịp thời, thì người nuôi cá tra, cá ba sa sẽ trắng tay như nuôi tôm sú ào ạt không theo quy định thời gian qua ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long./.

Theo vov, www.nea.gov.vn