Rừng ngập mặn là rừng của các loài cây nhiệt đới và cây bụi có rễ mọc từ các trầm tích nước mặn nằm giữa khu vực giữa bờ biển và biển là vườn ương cho các loài cá trong rạn san hô. Các phát hiện mới này nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thu hẹp nhanh chóng các nơi cư trú của quần xã san hô. Các nhà khoa học cho thấy rừng ngập mặn có tầm quan trọng hơn rất nhiều so với những gì được thừa nhận trước đây.

Peter Mumby, nhà sinh học biển thuộc Đại học Exeter, Anh và các cộng sự đã phát hiện rừng ngập mặn là vườn ương trung gian quan trọng trong hành trình của cá sống trong rạn san hô từ nơi cư trú ở bãi cỏ biển ra tới các hệ sinh thái rạn san hô lớn tạo nên các quần xã vùng ven biển. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện số lượng cá ở các rạn san hô có rừng ngập mặn xung quanh nhiều gấp hai lần so với các rạn san hô không có rừng ngập mặn. Đồng thời sự sống còn của loài cá vẹt cầu vồng (Scarus guacamaia) phụ thuộc vào rừng ngập mặn.

Bảo tồn rừng ngập mặn

Các nhà khoa học tin rằng các nỗ lực bảo tồn là rất cần thiết nhằm bảo vệ các hành lang kết nối rừng ngập mặn, các bãi cỏ biển và rạn san hô để duy trì khả năng phục hồi nhanh của các hệ sinh thái rạn san hô và năng suất đối với nguồn lợi thuỷ sản. Ivan Valiela - nhà sinh học biển ở phòng thí nghiệm sinh học biển của Đại học Boston, Woods Hole, Massachusetts, cũng đồng ý với ý kiến trên và cho rằng nghiên cứu này đã củng cố khái niệm mỗi đơn vị sinh thái gồm rừng ngập mặn, rạn san hô và đất có mối liên hệ thiết yếu. Do vậy, duy trì các môi trường có ý nghĩa quan trọng này cần được thực hiện dựa trên tiềm năng to lớn của chúng. Điều này dẫn đến một loạt khái niệm về thành lập các khu bảo tồn ven biển, vườn quốc gia, duy trì trữ lượng thương mại và nhiều vấn đề quản lý khác.

Cá trong vườn ương

Từ lâu các nhà nghiên cứu đều biết rằng cá thường trưởng thành ở các vùng nước mặn tối tăm giữa các lớp rễ cây lộn xộn của rừng ngập mặn. Song tầm quan trọng của các vườn ương này đối với quần thể cá trong rạn san hô chưa bao giờ tính được. Các yếu tố như áp lực đánh bắt và cung cấp ấu trùng được xem là quan trọng đối với cấu trúc và sự phong phú của cá rạn san hô hơn so với sự hiện diện hoặc không của rừng ngập mặn . Do biết được cá bột thường ẩn náu ở các nơi cư trú khác như các bãi cỏ biển và các rạn san hô nhỏ được bảo vệ trước khi trưởng thành để đến sống tại các rạn san hô lớn, vì vậy các nhà khoa học cố tìm trả lời cho câu hỏi: Nếu không có rừng ngập mặn thì liệu các hệ sinh thái khác có đáp ứng được yêu cầu nơi cư trú khác không? Để giải đáp câu hỏi này, các nhà khoa học đã tìm các rạn san hô ở Belize nằm tách biệt với các khu rừng ngập mặn để cá từ các rừng ngập mặn không thể tới được các rạn san hô này. Kết quả cho thấy trên các đảo san hô vòng ngoài khơi có rất nhiều rừng ngập mặn lại không hề có con cá nào.

Các nhà nghiên cứu đã đối chiếu 164 loài cá ở hai nơi cư trú khác biệt này và thấy rằng rừng ngập mặn chỉ là vườn ương trung gian để tạo ra các quần xã cá san hô lành mạnh và đông đảo hơn.

Mumby cho rằng, cá được sinh ra từ các bãi cỏ biển, khi phát triển đến kích thước 5-8 cm thì quá lớn khi trốn chạy khỏi các loài động vật ăn thịt. Từ đây, cá di chuyển tới rừng ngập mặn, nơi ẩn náu tối tăm và có nguồn thức ăn phong phú. Cá sẽ sống ở rừng ngập mặn cho đến khi có kích thước lớn hơn. Song đến một thời điểm nào đó, chúng sẽ phải di chuyển tới các rạn san hô, có thể đây là nơi thuận lợi cho quá trình sinh sản của chúng. Khi không có rừng ngập mặn, cá sẽ bơi trực tiếp tới các rạn san hô nhánh từ bãi cỏ biển , song do còn quá nhỏ nên chúng có thể dễ dàng bị bắt bởi các loài động vật ăn thịt.

Tình trạng tàn phá rừng ngập mặn

Nghiên cứu của Valiela chỉ ra rằng các khu rừng ngập mặn đang bị phá huỷ nhanh gấp 2 lần so với tốc độ phá rừng mưa nhiệt đới. Trước đây, các khu rừng ngập mặn được coi là sự phiền toái bởi chúng là nơi cư trú của muỗi do xây dựng nhà ở trên mặt nước nên đã bị phá trụi. Ngày nay, phần lớn rừng ngập mặn lại được khai hoang để nuôi tôm.

Rừng ngập mặn có các chức năng quan trọng, gồm xử lý chất dinh dưỡng từ đất liền và giữ vai trò là vùng đệm chống lại các dòng chảy ô nhiễm, đồng thời lọc thức ăn cho các loài động vật biển có vú. Rừng ngập mặn còn là vườn ương cho các loài cá trong rạn san hô, đây là lý do căn bản để bảo tồn các nơi cư trú đang bị mất đi nhanh chóng này. Để duy trì nguồn cá trong rạn san hô, nhất thiết phải bảo tồn các khu rừng ngập mặn còn lại này. Đối với thế giới thứ ba có nền kinh tế dựa vào trồng trọt không thuận lợi thì có rất ít sự lựa chọn khác cho những người dân ở đây. Chúng ta dám chắc rằng người dân cũng không muốn huỷ hoại môi trường mà họ đang sống, nhưng đây là loại cây trồng thu nhiều lợi nhuận.

Các nhà khoa học hy vọng những phát hiện mới sẽ giúp ngư dân hiểu được ý nghĩa quan trọng của các khu rừng ngập mặn, bởi chính họ có tiếng nói quan trọng ở các vùng nhiệt đới. Cộng đồng quốc tế cần hiểu rõ hơn nữa về đặc điểm của các hệ thống sinh thái kết nối này và đưa ra các sáng kiến bảo tồn và phát triển bền vững tới các cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng.

Nguồn: NGS, February 4, 2004. (Theo vst.vista.gov.vn/home)