Rong vôi là nhóm rong mà tế bào của chúng có tẩm canxi, đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành, phát triển và bảo vệ rạn san hô. Viện Tài nguyên và Môi trường Biển vừa công bố kết quả nghiên cứu bước đầu về thành phần loài, phân bố và độ phủ của một số nhóm rong vôi tại quần đảo Trường Sa. Đây là kết quả được rút ra sau nhiều năm nghiên cứu (từ 1994 đến 2008) tại 9 đảo của Trường Sa.
Qua việc phân tích các mẫu thu được, nhóm nghiên cứu đã xác định được 50 loài rong vôi. Trong số đó có 32 loài thuộc ngành rong Đỏ (Rhodophyta), chiếm 64% tổng số loài và 18 loài thuộc ngành rong Lục (Chlorophyta), chiếm 36%.
Trong số 50 loài rong vôi đã phát hiện được, phân bố rộng của các loài có sự sai khác rất lớn, dao động trong khoảng 8 loài (đảo Song Tử Tây) đến 29 loài (đảo Đá Tây) và trung bình là 19 loài/đảo. Tổng số lần xuất hiện của các loài rong vôi là 68, trong đó không có sự sai khác lớn ở vùng triều và dưới triều, cho thấy môi trường ở 2 vùng này tương đối đồng nhất.
Độ phủ của các loài rong vôi năm trong khoảng 8 – 12% và trung bình là 11,94%. Riêng tại đảo Thuyền Chài, tổng độ này đạt tới 22,5% (cao gần gấp đôi giá trị trung bình của các đảo khác). Tỷ lệ độ phủ này cho thấy rạn san hô đã bị suy thoái nhiều do rong vôi chỉ có thể phát triển trên các rạn san hô đã chết.
Hoàng Ánh Phượng (Theo Tạp chí Biển, số 12/2008, thiennhien.net)