(Thủy sản Việt Nam) - Hiện, cả nước ta có khoảng 132.000 tàu đánh cá các loại, nhưng phần lớn vẫn là những tàu được trang bị thô sơ. Việc áp dụng công nghệ vệ tinh vào quản lý tàu cá là tất yếu nhằm đảm bảo cho hoạt động khai thác thủy hải sản hiệu quả, an toàn và góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biển.

Hiện nay, việc theo dõi các tàu cá trên biển vẫn chỉ dựa vào hệ thống theo dõi trực canh đặt tại bờ, liên lạc thông qua hình thức bộ đàm. Nhưng với những mô hình này thì không thể nắm bắt được vị trí của các tàu cá, ban quản lý muốn biết ngư dân đang ở đâu phải hỏi tọa độ. Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng ngư dân vì mục đích giấu ngư trường nên không khai báo hoặc cố tình khai báo sai. Vì vậy, khi tàu gặp nạn rất khó khăn cho việc việc tìm kiếm cứu hộ.
Mô hình quản lý hiệu quả
Dự án “Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh - MOVIMAR” (Dự án MOVIMAR) do Chính phủ Pháp tài trợ được triển khai ở nước ta đã mở ra hướng đi hiệu quả cho hệ thống quản lý giám sát hoạt động nghề cá. Tổng giám đốc Trung tâm Thu phát định vị vệ tinh CLS, đại điện phía Pháp thực hiện dự án, ông Christophe Vassal cho biết, mục tiêu hàng đầu của dự án là bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển của ngư dân Việt Nam thông qua hệ thống định vị vệ tinh CLS cho các tàu thuyền.
Mô hình giám sát quản lý tàu cá bằng vệ tinh của Australia
Đây là một thiết bị nhận tín hiệu GPS, định vị 24/24 giờ, cho biết tốc độ và hướng đi của tàu. Thiết bị này gồm GPS, máy thu và máy phát tín hiệu. Khi trang bị, mỗi tàu sẽ có ăng ten thu phát và mã số. Tàu di chuyển trên biển, hệ thống giám sát trên bờ sẽ thu được hình ảnh hiển thị của tàu. Vì vậy, cơ quan quản lý có thể biết chính xác vị trí của tàu đánh cá thông qua ảnh chụp từ vệ tinh. Hệ thống định vị vệ tinh còn xác định chính xác ngư trường có nhiều thủy hải sản hay vùng biển đang xảy ra mối nguy hiểm, nơi có bão… từ đó có thể định hướng cho tàu thyền trở về bờ hoặc nơi tránh bão an toàn gần nhất. Bên cạnh đó, hệ thống cho phép phát hiện tràn dầu, bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo vệ vùng lãnh thổ biển Việt Nam. Ông Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: “Dự án góp phần giúp ngành thủy sản hoàn thiện hệ thống thống tin quản lý nghề cá trên biển, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản; quản lý, giám sát hoạt động khai thác thủy sản hiệu quả và an toàn, bảo vệ và bảo tồn các nguồn tài nguyên biển, phát triển khai thác hải sản bền vững; góp phần đảm bảo trật tự, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển”.
Hơn nữa, với công nghệ giám sát bằng vệ tinh, việc quản lý hoạt động nghề cá đánh bắt xa bờ sẽ trở nên chặt chẽ, hạn chế được rủi ro trên biển của ngư dân, cảnh báo khi ngư dân xâm phạm vùng nước biển hay vùng biển tranh chấp. “Nếu các tàu hoạt động theo nhóm từ 4 - 5 tàu thì chúng ta sẽ giám sát được gần hết số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ hiện nay. Đầu tháng 4/2011, 3.000 tàu đánh bắt xa bờ sẽ được lựa chọn để lắp đặt thiết bị và sử dụng miễn phí. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ dần rút kinh nghiệm, có thể mở rộng sử dụng thiết bị này để quản lý tốt hơn hoạt động nghề cá xa bờ”, ông Vĩnh cho biết thêm.
Vấn đề cần quan tâm
Theo hợp đồng ký kết, Chính phủ Pháp sẽ hỗ trợ về thiết bị, chi phí lắp đặt, xây dựng trung tâm điều hành trên đất liền, cũng như đào tạo cán bộ. Dự án sẽ kéo dài trong ba năm, trong thời gian này các tàu sẽ được sử dụng miễn phí thông tin. Tuy nhiên, giá của thiết bị này rất đắt, trong khi số lượng tàu đánh bắt xa bờ ở nước ta ngày một nhiều hơn, để tăng thêm trang bị thiết bị là điều không đơn giản. Hiện, giá của thiết bị định vị vệ tinh này khoảng 1.500 - 2.000 USD. Tính sơ bộ, chi phí mỗi tàu đánh bắt xa bờ sử dụng sẽ phải trả là 1 triệu đồng/tháng. Ông Vĩnh cho biết thêm: “Ngoài việc hỗ trợ về thiết bị, chúng tôi cũng đang kiến nghị Nhà nước có cơ chế hỗ trợ cho ngư dân về chi phí hàng tháng để duy trì hoạt động của thiết bị. Trong thời gian Chính phủ cho phép, ngư dân sẽ không phải trả tiền phí cho hoạt động mà vẫn có thể lấy thông tin”. Tuy nhiên, nếu phải trả số tiền hàng tháng cho thiết bị trên, sẽ khiến nhiều chủ tàu băn khoăn.
Do đó, rất cần có sự phối hợp thực hiện của cơ quan tổ chức với các bộ, ngành, liên ngành… để nâng cao kỹ năng của ngư dân đi biển.
>> Dự án “Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh - MOVIMAR” (Dự án MOVIMAR), giữa Pháp và Việt Nam đã được ký kết với tổng trị giá là 13,9 triệu Euro, thực hiện trong ba năm (2011 – 2013), bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Pháp. Trung tâm Thu phát định vị vệ tinh CLS (thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Quốc gia Pháp) sẽ cung cấp thiết bị, chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ cho Việt Nam. Đầu mối về phía Việt Nam là Ban quản lý các dự án Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT. 
Vũ Mưa