Cuộc họp được tổ chức vào chiều ngày 19/7/2007, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Ngọc Nhi chủ trì. Tham dự có đại diện HĐND tỉnh, Sở Thuỷ sản, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và các huyện có biển.
Theo báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, trong quá trình hoạt động của tàu cá hiện nay có nhiều bất cập: Đó là chỉ có 3.205/4.480 tàu thuyền đăng ký; hàng năm có khoảng 1.900 tàu thuyền qua kiểm tra an toàn kỹ thuật, còn lại các loại tàu chưa đăng ký, đăng kiểm vẫn hoạt động bình thường. Số tàu cá có công suất nhỏ vẫn hoạt động vùng biển xa; hoạt động tàu cá còn đơn lẻ, nên không hỗ trợ nhau kịp thời khi có sự cố xảy ra; tàu cá bị tàu nước ngoài bắt ngày càng tăng; tàu hoạt động xa bờ tuy có trang bị máy thông tin liên lạc tầm xa, nhưng thường tắt máy (hoặc mở máy nhưng không trả lời khi ngành chức năng gọi) và tàu cá thường thiếu thủ tục, giấy tờ theo qui định, không trang bị an toàn khi ra khơi.
Trong khi đó việc ngư dân dùng thuốc nổ đánh bắt hải sản cũng ở mức báo động (vì vừa huỷ diệt môi trường sinh thái, vừa ảnh hưởng đến tính mạng của ngư dân). Trong 5 năm qua Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng đã bắt 50 vụ/111 đối tượng, thu giữ hơn 5 tấn thuốc nổ và nhiều tang vật khác.
Các thành viên trong cuộc họp thống nhất quan điểm: Phải xử lý nghiêm khắc đối với ngư dân vi phạm trong hoạt động nghề cá, sử dụng chất nổ khai thác thuỷ sản. Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc xử phạt ngư dân thì cần phải quản lý chặt các cơ quan Nhà nước về vấn đề quản lý thuốc nổ, dây cháy chậm và kíp nổ, bởi chỉ có cơ quan Nhà nước mới quản lý loại này.
Đồng chí Trương Ngọc Nhi nhấn mạnh, Nguyên nhân của mọi nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên chính là ngư dân không ý thức được tác hại của việc mình làm; chính quyền các địa phương thì chỉ đạo không cương quyết; các sở, ngành phối hợp rời rạc, mạnh ai nấy làm. Việc sử dụng thuốc nổ đánh bắt hải sản, cần phải được xử phạt với khung hình phạt cao nhất. Để thực hiện quyết liệt và ngăn ngừa hiệu quả công tác quản lý tàu thuyền và sử dụng thuốc nổ đánh bắt hải sản, đồng chí Nhi đã giao cho Sở Thuỷ sản rà soát lại các loại văn bản, để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản xử lý liên quan đến hai nội dung nói trên. Các huyện có biển sớm xây dựng kế hoạch hành động; thống kê đầy đủ số lượng tàu thuyền tại địa phương, phân loại về công suất, ngành nghề, số lượng lao động... Bên cạnh đó ngành chức năng cần sớm có biện pháp để xử lý thật cương quyết đối với sản phẩm hải sản đánh bắt bằng thuốc nổ…
Theo Báo Quảng Ngãi, Việt Linh