Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Ngọc Hồng khẳng định, để đảm bảo nguồn lợi thủy sản không bị cạn kiệt hơn, từ nay đến năm 2010, Bộ sẽ khống chế mức khai thác không vượt quá 1,4 triệu tấn/năm, cấm khai thác ở một số nơi, phát triển thuỷ lợi để tăng cường nuôi trồng thuỷ sản, ban hành nhiều quy định hợp lý để đảm bảo phát triển bền vững.
“Ngành thủy sản đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân với kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh. Mặc dù vậy, ngành thủy sản Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề đặt ra do nguồn lợi thủy sản – một nền tảng quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững đang bị suy giảm nghiêm trọng;
Suy giảm nguồn lợi hải sản
Theo phân tích của tiến sĩ Nguyễn Long, Viện nghiên cứu hải sản, trong những năm vừa qua, nghề cá của Việt Nam chủ yếu hoạt động ở vùng nước ven bờ, với 72% số lượng tàu thuyền có công suất dưới 45CV và sản lượng khai thác ở độ sâu dưới 50m chiếm tới 82,1% tổng sản lượng. Từ năm 1980-1998, số lượng tàu đánh cá đã tăng từ 28.021 chiếc lên 71.800 chiếc, với tổng công suất máy tăng 5,2 lần, nhưng sản lượng khai thác chỉ tăng 2,69 lần. Công suất máy tàu tăng đồng nghĩa với chi phí sản xuất cũng tăng lên nhanh chóng, trong khi đó, sản lượng (doanh thu) lại tăng rất chậm, nghĩa là lợi tức thu được ngày càng giảm.
Nếu căn cứ vào kết quả đánh giá nguồn lợi cá biển Việt Nam ở vùng nước dưới 50m thì sản lượng khai thác thực tế đã vượt giới hạn từ năm 1986 (khả năng cho phép khoảng 582.212 tấn). Sản lượng khai thác ở vùng này năm 1998 là 928.272 tấn vượt mức cho phép 1,59 lần và đến năm 2000 đạt 1.050.000 tấn vượt tới 1,8 lần. Có thể thấy, tình trạng khai thác ở vùng nước truyền thống của Việt Nam là quá mức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc duy trì và tái tạo nguồn lợi. Chi phí tăng, lợi tức giảm, người ta lại càng gia tăng cường độ khai thác như tăng cường thời gian đánh bắt, tăng số mẻ lưới, giảm kích thước mắt lưới dẫn đến nguồn lợi ngày càng cạn kiệt và nguồn lợi cạn kiệt người ta lại càng gia tăng cường độ khai thác… vòng luẩn quẩn đó sẽ làm cho nghề cá bị suy kiệt nhanh chóng.
Hệ quả của nó, theo như ông Rolf Willmann, chuyên viên cao cấp của FAO chia sẻ: Đã có những bằng chứng cho thấy tình trạng đói nghèo đang lan rộng trong số các đối tượng có đời sống phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn lợi thủy sản.
Bất cập trong công tác quản lý
Vẫn theo tiến sĩ Nguyễn Long, sự phát triển của đội tàu cá Việt Nam trong những năm qua theo hình thức tự do, chưa chú trọng đến quản lý, điều tiết phù hợp. Việc phân chia vùng hoạt động theo khoảng cách tới bờ đối với các cỡ tàu công suất khác nhau và đối với các loại nghề cá vẫn chưa được chú ý.
Tiếp đến là việc vi phạm pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, sử dụng ngư cụ và phương pháp đánh bắt có hại vẫn còn tiếp diễn. Hầu hết các ngư cụ được sử dụng trong thực tế đều vi phạm quy định về kích thước mắt lưới; Các ngư cụ có hại, huỷ diệt nhiều cá con; Các phương pháp đánh bắt có hại như dùng mìn, sử dụng chất độc xianua chưa kiểm soát hết được…
Vấn đề quản lý cộng đồng bộc lộ nhiều yếu kém. Trước đây, khi hệ thống nghề cá hợp tác xã còn phát triển, nó như chiếc cầu nối trực tiếp, mọi chủ trương, chính sách quản lý nghề cá được truyền tải xuống ngư dân theo một chuỗi liên tục; Nhưng đến nay, hầu hết các hợp tác xã kiểu cũ không còn nữa, một số hợp tác xã tồn tại hiện nay chỉ là hình thức và “chuỗi quản lý nghề cá” đang bị đứt đoạn. Điều tất yếu xảy ra khi nguồn lợi bị cạn kiệt đó là sự cạnh tranh trong khai thác, giữa các tàu cỡ lớn và tàu cỡ nhỏ, giữa các loại nghề, giữa các vùng ngư trường… và để đảm bảo thu nhập ngư dân ngày càng tìm mọi biện pháp khai thác, nguồn lợi sẽ bị huỷ diệt nghiêm trọng. Một biện pháp có khả năng giải quyết được vấn đề trên đó là giao quyền sử dụng các vùng nước ven bờ cho cộng đồng ngư dân vùng ven bờ quản lý, nhưng vấn đề này vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu.
Bằng cách nào để khai thác bền vững?
Sự cạn kiệt nguồn lợi thủy sản đang là thách thức đối với nghề cá trên biển của Việt Nam. Rõ ràng là cần có những thay đổi căn bản để có thể đạt được mục tiêu khai thác, sử dụng bền vững nguồn lợi thuỷ sản.
Tại hội nghị mới đây do Bộ Thuỷ sản và FAO tổ chức, ông Rolf Willmann, chuyên viên cao cấp về lập kế hoạch nghề cá FAO nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi sang nghề cá có trách nhiệm thường gắn liền với sự thay đổi cơ bản trong cách nhìn nhận về nghề cá của những nhà hoạch định chính sách. Bởi theo ông, tuyệt đại đa số những nhà hoạch định đều tập trung quá mức vào chỉ tiêu sản lượng. Mà chỉ tiêu thực hiện như vậy chỉ có thể mang tính hợp lý trong thời kỳ phôi thai của phát triển thuỷ sản, còn đối với các vùng nghề cá đã trưởng thành thì chỉ tiêu đó là dấu hiệu của sự khủng hoảng và suy thoái đang cận kề hơn là sự tiến bộ.
Cũng tại hội nghị này, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến như việc phải phân cấp quản lý chặt chẽ tàu thuyền dưới 45CV; quy định thống nhất trên cả nước về vùng cấm, vùng hạn chế, thời gian cấm khai thác; Tăng cường hệ thống bảo vệ nguồn lợi; Xóa bỏ dần chế độ trợ giá, trợ cước chuyển sang hỗ trợ cho việc chuyển đổi nghề, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt chú trọng tới những vùng khó khăn… Các chuyên gia đều thống nhất quan điểm là phải xác lập cơ sở pháp lý cho nghề cá, đồng thời Chính phủ cần điều tra đánh giá lại nguồn lợi thuỷ sản; phải có sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương; phải có chiến lược và chương trình hành động cụ thể, lâu dài chứ không phải dừng lại ở hô hào.
Chuyển sang nghề cá có trách nhiệm là một vấn đề không ít khó khăn và nan giải nhưng không thể không làm. Có như vậy mới hy vọng nghề cá có thể vững mạnh và phát triển lâu dài.
Hồng Dương, www1.mot.gov.vn/ven