TTXVN dẫn kết quả nghiên cứu mới công bố của các nhà khoa học trường Đại học McMaster cho biết, vừa phát hiện thêm một đặc tính mới của tế bào phôi gốc, mở ra triển vọng có thể định hướng quá trình phát triển của loại tế bào này.
Trưởng nhóm nghiên cứu trên, Giáo sư Mick Bhatia, cho biết đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện thấy tế bào phôi gốc có khả năng tự tạo ra một lớp tế bào hỗ trợ với vai trò tác nhân tăng trưởng trong từng thời kỳ phát triển nhất định để bảo vệ tế bào phôi gốc trước nguy cơ bị tiêu diệt. Nói theo cách khác, tế bào phôi gốc có khả năng tự tạo ra môi trường sống của chúng.
Đây là một phát hiện quan trọng, bởi môi trường của tế bào giữ vai trò quyết định đối với hướng phát triển của tế bào. Do đó, bằng cách tác động vào môi trường này, các nhà khoa học sẽ có thể dễ dàng "điều khiển" tế bào phôi gốc phát triển thành những loại tế bào cần thiết phục vụ cho quá trình nghiên cứu và điều trị bệnh. Giáo sư Bhatia cũng cho biết, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục thử nghiệm thay đổi môi trường sống của tế bào thân phôi để tạo ra tế bào thần kinh và tế bào máu.
Ông Alab Bernstein, Giám đốc Viện nghiên cứu Y tế Canada, nhận định phát hiện trên giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn nguyên lý hoạt động của tế bào phôi và nhờ đó có thể ứng dụng khả năng tự biến đổi của tế bào phôi gốc để phát triển các phương pháp điều trị bệnh cho con người. Ngoài ra, phát hiện trên còn có thể giúp hiểu rõ hơn cơ chế phát triển của tế bào ung thư vì hai loại tế bào này có nhiều đặc tính tương đối giống nhau như có tốc độ tái tạo nhanh và không dễ dàng bị tiêu diệt như các tế bào thông thường khác.
Tế bào phôi gốc là loại tế bào có nhiều tính năng đặc biệt, trong đó quan trọng nhất là khả năng biến đổi thành bất kỳ dạng tế bào nào trong cơ thể. Do đó, các nhà khoa học hy vọng đến một ngày nào đó sẽ có thể sử dụng tế bào phôi gốc vào việc điều trị bệnh hoặc định hướng phát triển tế bào này thành các bộ phận để cấy ghép vào cơ thể người bệnh.
Theo Người lao động, www.khoahoc.com.vn