Ở loài cá ngựa vàng, con đực mang trứng trong một túi nhỏ và đảm nhận trách nhiệm sinh con. Chúng là loài sử dụng tinh trùng hiệu quả nhất trong các động vật.
"Cuối cùng thì chúng tôi đã phát hiện ra cơ chế thụ tinh của cá ngựa, một trong những bí ẩn chưa được chú ý từ trước tới nay", giáo sư Bill Holt thuộc Hiệp hội Động vật học London (Anh) phát biểu.
Sau khi quan sát và quay phim hành vi giao phối của loài cá ngựa vàng, Holt và cộng sự phát hiện ra rằng chúng là động vật có cơ chế thụ tinh hiệu quả hơn nhiều so với con người và phần lớn các loài khác.
(Ảnh: linsdomain)
"Cá ngựa vàng đực sản sinh ra tới hai loại tinh trùng. Nhưng điều gây ngạc nhiên hơn là, con đực phóng thẳng tinh trùng vào nước để rồi sau đó tinh trùng bơi tới túi đựng trứng trên chính cơ thể chúng", ông nói. "Chúng tôi không thể giải thích được quá trình đó diễn ra thế nào".
Tất cả những gì mà cá ngựa cái phải làm là đưa trứng vào túi của con đực - một quá trình kéo dài 5-10 giây. Tinh trùng cũng phải tự tìm đường vào túi đúng lúc, vì một khi trứng đã vào hết, miệng túi sẽ đóng lại và không một loại vật chất nào có thể lọt qua.
Tuy nghiên cứu chỉ tập trung vào cá ngựa vàng - một loài sống ở Đông Nam Á, Australia và Nhật Bản - nhưng Holt tin rằng tất cả các loài cá ngựa đều sinh sản theo cơ chế của cá ngựa vàng.
Một con cá ngựa vàng trưởng thành có chiều dài 8 cm và sống khoảng 5 năm. Trong khi con người có thể tạo ra vài tỷ tinh trùng trong một lần thụ tinh nhưng chỉ "sản xuất" được một hoặc hai cá thể mới thì cá ngựa có thể sản sinh khoảng 100 con non với số lượng tinh trùng tương tự.
"Nếu chúng chỉ phóng ra vài trăm tinh trùng và tạo được hàng trăm con non thì đó sẽ là một điều kỳ diệu trong tự nhiên", Holt bình luận.
Mặc dù có cơ chế thụ tinh hiệu quả nhưng hiện nay, cá ngựa được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới xếp vào danh sách những loài có nguy cơ tuyệt chủng do tình trạng ô nhiễm môi trường và đánh bắt cá tràn lan.
Theo Livescience, Vnexpress, Aquarbirdvn